(KTSG Online) - Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Phó thủ tướng Lê Minh Khái về đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), từ 10% xuống 8% theo phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023 của Bộ Tài chính, TTXVN đưa tin.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp Bộ Tư pháp xây dựng hồ sơ, báo cáo Chính phủ trước ngày 25-4, để Chính phủ họp, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội theo thủ tục rút gọn.
- Đề xuất hai phương án giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8%
- Mỗi con heo lỗ gần triệu đồng, nông dân mong được giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương
Tại tờ trình Chính phủ trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ có thuế suất 10%. Cơ sở kinh doanh khi xuất hóa đơn sẽ được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%. Chính sách này dự kiến áp dụng đến hết năm 2023.
Năm 2022, thuế VAT giảm về 8% cũng được Chính phủ áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phục hồi sau dịch Covid-19. Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng tiếp chính sách này trong năm 2023 ước tính ngân sách giảm thu 5.800 tỉ đồng mỗi tháng và 35.000 tỉ đồng trong 6 tháng cuối năm, song là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và đóng góp trở lại ngân sách.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất hạ mức thu 35 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm tương đương giảm thu 700 tỉ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Giảm thuế VAT, không phải là phương cách hữu hiệu trong giai đoạn này. Doanh nghiệp thì đang cần tiếp sức về vốn liếng và thị trường. Người tiêu dùng cần thêm nguồn lực tài chính để cân đối chi tiêu. Nhất là các lực lượng người lao động đang lâm vào thế dễ bị tổn thương lớn về thu nhập, công ăn việc làm, an sinh xã hội… Chính sách phải hướng vào việc hỗ trợ trực tiếp những nhu cầu thiết thực của các đối tượng đang bị tác động mạnh của suy giảm kinh tế. Như thế chính sách mới đi vào cuộc sống.