Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Đài Loan giảm đầu tư ở Trung Quốc, tăng tốc tại Đông Nam Á

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các doanh nghiệp Đài Loan cắt giảm tiếp xúc với thị trường Trung Quốc đồng thời tăng tốc đầu tư ở các khu vực khác, bao gồm Đông Nam Á. Đây là tín hiệu cho thấy căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang định hình lại các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Logo của Tập đoàn Foxconn (Đài Loan), nhà sản xuất gia công hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới, bên ngoài một nhà máy lắp ráp iPhone ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, Foxconn công bố các kế hoạch mở rộng sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam. Ảnh: AFP

Trong quí đầu tiên năm 2023, đầu tư mới vào Trung Quốc của doanh nghiệp Đài Loan giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 758 triệu đô la, theo dữ liệu của Ủy ban Đầu tư Đài Loan công bố hôm 20-4. Năm ngoái, giá trị đầu tư mới của doanh nghiệp Đài Loan ở Trung Quốc đạt giá 5,04 tỉ đô la, giảm gần 14% so với năm trước đó.

Các công ty Đài Loan, theo truyền thống, là một nhóm nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đã giảm chi tiêu vốn mới ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thập niên qua. Đà giảm đầu tư này tăng tốc kể từ khi chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump thúc đẩy các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất ở Trung Quốc về nước. Phần lớn chính sách này tiếp tục duy trì sau khi ông Joe Biden đắc cử tổng thống.

Ngoài việc cắt giảm đầu tư mới, doanh nghiệp Đài Loan cũng chuyển một khoản lợi nhuận kỷ lục ra khỏi Trung Quốc hồi năm ngoái. Trong năm 2022, các công ty niêm yết của Đài Loan đã rút 114 tỷ Đài tệ (3,7 tỉ đô la) thu nhập đầu tư từ Trung Quốc, theo Ủy ban Giám sát tài chính Đài Loan.

Trong khi đó, giá trị đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc ở Đài Loan cũng giảm mạnh 75% trong quí 1, xuống còn 11,4 triệu đô la sau khi giảm 66,73% trong cả năm ngoái.

Xu hướng cắt giảm đầu tư xuyên eo biển Đài Loan diễn ra khi Bắc Kinh gia tăng áp lực chính trị, quân sự và kinh tế đối với Đài Loan kể từ bà Thái Anh Văn được bầu làm người đứng đầu chính quyền Đài Loan vào năm 2016. Bắc Kinh xem đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng sử dụng vũ lực để thu hồi nếu cần thiết. Đảng Dân chủ tiến bộ của bà Thái Anh Văn bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan, dù đa số các nước trên thế giới đều công nhận chính sách “một Trung Quốc”,  trong đó, xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Gần đây, khi bà Thái Anh Văn đến thăm Mỹ và có cuộc gặp với Chủ tịch hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, Trung Quốc đã phản ứng bằng các cuộc tập trận xung quanh đảo Đài Loan.

Giới chức Trung Quốc đang tìm cách đảo ngược xu hướng giảm đầu tư của các công ty Đài Loan. Hôm 17-4, Tân hoa xã dẫn lời ông Vương Hỗ Ninh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ nỗ lực hơn nữa để thuyết phục doanh nghiệp Đài Loan đầu tư ở Trung Quốc và sẽ hỗ trợ họ hội nhập vào nền kinh tế Trung Quốc.

Xu hướng cắt giảm đầu tư ở Trung Quốc diễn ra đúng lúc doanh nghiệp Đài Loan tăng tốc đầu tư ở những khu vực trên thế giới.

Theo Ủy ban đầu tư Đài Loan, tổng đầu tư ra nước ngoài (không bao gồm Trung Quốc) của doanh nghiệp Đài Loan, tăng 240% lên 6,9 tỉ đô la trong quí đầu tiên. Một nửa trong số đó là khoản đầu tư 3,5 tỉ đô la của TSMC, nhà sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới, vào một nhà máy chip ở bang Arizona, Mỹ.

Trong quí 1, đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan vào Đông Nam Á cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ khi họ tìm kiếm các cơ sở sản xuất thay thế bên ngoài Trung Quốc.

Trong cuộc khảo sát với 525 doanh nghiệp Đài Loan có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc hồi cuối tháng 7-2022, do Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ) thực hiện, có hơn 25% doanh nghiệp xác nhận đã chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. 33% doanh nghiệp cho biết họ đang xem xét làm như vậy. Đông Nam Á là điểm đến yêu thích nhất của những doanh nghiệp Đài Loan đã hoặc đang có kế hoạch chuyển bớt hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.

Scott Kennedy, cố vấn cấp cao của CSIS, cho biết doanh nghiệp Đài Loan rất lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào nền kinh tế Trung Quốc cũng như rủi ro xảy ra xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan.

Ông nói rằng kết quả của cuộc khảo sát phản ánh “cuộc khủng hoảng niềm tin” của doanh nghiệp Đài Loan đối với môi trường kinh doanh ở Trung Quốc.

“Các nền kinh tế ở hai bên eo biển Đài Loan phụ thuộc lẫn nhau rất lớn. Và những doanh nghiệp Đài Loan xác nhận chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc chỉ nói rằng họ di dời một phần, chứ không phải tất cả”,  Kennedy lưu ý.

CSIS cho rằng kết quả của cuộc khảo sát không phải là bằng chứng cho thấy Đài Loan muốn tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc hoặc trở thành “một phần của dự án nhằm cô lập mạnh mẽ Trung Quốc khỏi nền kinh tế toàn cầu”.

Tổ chức tư vấn chính sách này gợi ý chính phủ Mỹ nên tận dụng mối lo ngại của doanh nghiệp Đài Loan và các công ty đa quốc gia khác để gây áp lực buộc Bắc Kinh cải thiện các chính sách dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc rời khỏi Trung Quốc không phải là sự lựa chọn dễ dàng. Ker Gibbs, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết Trung Quốc vẫn có nhiều lợi thế bao gồm nguồn nhân tài chi phí rẻ và cơ sở hạ tầng liên kết với nhà máy tốt nhất thế giới, chẳng hạn như cảng biển và đường bộ. Theo cơ sở dữ liệu của Countryeconomy.com, tiền lương nhân công ở Trung Quốc đại lục thấp hơn gần 50% so với ở Đài Loan.

Theo Bloomberg, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới