Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

LVMH trở thành công ty đầu tiên châu Âu chạm ngưỡng vốn hóa 500 tỉ đô la

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá trị thị trường của LVMH, tập đoàn sở hữu 75 thương hiệu hàng xa xỉ gồm Louis Vuitton, Dior, Givenchy, Fendi, Tiffany, chạm 500 tỉ đô la. LVMH là công ty châu Âu đầu tiên đạt được cột mốc vốn hóa này nhờ doanh số bùng nổ ở Trung Quốc và đồng euro tăng mạnh.

Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm CEO của LVMH, củng cố ngôi vị tỉ phú giàu nhất thế giới nhờ vốn hóa của LVMH liên tục tăng và chạm mốc 500 tỉ đô la vào hôm 24-4. Ảnh: Netherlands Post

Trong tháng này, tính đến ngày 24-4, giá cổ phiếu của LVMH, niêm yết ở Paris (Pháp), tăng 6,9%, lên mức 902 euro, đưa vốn hóa của tập đoàn này chạm ngưỡng 500 tỉ đô la.

Giá trị gia tăng của LVMH càng làm phình to khối tài sản của vị tỉ phú giàu nhất thế giới Bernard Arnault, người đã xây dựng LVMH thành đế chế hàng xa xỉ toàn cầu thông qua một loạt thương vụ thâu tóm. Theo Chỉ số tỉ phú Bloomberg, tài sản hiện nay của ông ở mức gần 212 tỉ đô la.

Sức ảnh hưởng của LVMH và các đối thủ hàng xa xỉ của Pháp đối với thị trường chứng khoán châu Âu có thể so sánh với sự chi phối của các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ đối với Phố Wall. Các doanh nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đứng trước rủi ro suy thoái. Điều đó thể hiện rõ trong bảng xếp hạng giá trị thị trường của doanh nghiệp đại chúng toàn cầu, với hàng loạt công ty công nghệ đứng ở các vị trí dẫn đầu, LVMH chiếm vị trí thứ 10.

“Các cổ phiếu của ngành hàng xa xỉ là sự lựa chọn đầu tư tốt nhất trên thị trường chứng khoán vào lúc này nhờ khả năng tiếp cận tầng lớp tiêu dùng giàu có của Trung Quốc và tỷ suất lợi nhuận cao nhờ sức mạnh định giá của chúng. Điều này tạo ra sự khác biệt giữa ngành hàng xa xỉ và ngành công nghệ, vốn chứng kiến tỷ suất lợi nhuận giảm trong vài quí qua”, Lilia Peytavin, nhà chiến lược danh mục đầu tư châu Âu của ngân hàng Goldman Sachs, nói.

Nhu cầu đang tăng đối với các sản phẩm của LVMH, ví dụ như túi xách Louis Vuitton, rượu sâm banh Moet & Chandon và áo khoác Christian Dior, ngay cả khi lạm phát và lãi suất tăng cao, có nguy cơ đẩy thế giới vào suy thoái.

Hiện tại, mối lo ngại về suy thoái kinh tế giúp nâng giá trị vốn hóa của LVMH tính theo đồng đô la. Trong tháng này, đồng euro tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm do đồng đô la Mỹ giảm giá khi giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm nay trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của Mỹ ngày càng xấu.

Ashley Wallace, nhà phân tích của nhgân hàng Bank of America Corp., dự báo cổ phiếu của LVMH sẽ đạt mức giá 1.000 euro trong năm tới. “LVMH quá rẻ so với sức hấp dẫn của lĩnh vực hàng xa xỉ, vốn nắm giữ danh mục thương hiệu mạnh”, Wallace nhận định.

Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm CEO của LVMH, lấn sân sang lĩnh vực hàng xa xỉ vào năm 1984 bằng thương vụ thâu tóm Boussac Saint-Freres, một tập đoàn dệt may đã phá sản những sở hữu một viên ngọc quí: thương hiệu thời trang Christian Dior. Sau đó, ông mua cổ phần kiểm soát của LVMH, tập đoàn hình thành từ thương vụ sáp nhập giữa  Louis Vuitton và Moet Hennessy vào năm 1987.

Trong ba thập niên tiếp theo , thông qua hàng chục thương vụ thâu tóm, ông đã xây dựng LVMH thành một đế chế hàng xa xỉ bán mọi thứ từ rượu mạnh cho đến đồ da và trang sức thông qua hơn 5.600 cửa hàng trên toàn thế giới. Ông nhanh chóng nắm bắt được rằng Trung Quốc sẽ trở thành một thị trường trọng điểm, vì vậy, đã quyết định mở cửa hàng Louis Vuitton đầu tiên ở Bắc Kinh vào năm 1992.

Arnault, 74 tuổi và gia đình ông đang sở hữu 48% vốn cổ phần của LVMH.

Hoạt động kinh doanh hiệu quả của LVMH đã đưa khối tài sản của Arnault tăng nhanh, giúp ông trở thành người giàu nhất thế giới, vượt cả hai tỉ phú Elon Musk và Jeff Bezos của Mỹ. Năm 2022, LVHM báo cáo doanh thu 79,2 tỉ euro và lợi nhuận 21,1 tỉ euro, đánh dấu các con số kinh doanh cao kỷ lục trong hai năm liên tiếp.

Nhưng sự giàu có của người đứng đầu LVMH cũng gây ra sự oán giận ở quê nhà. Hôm 13-4, trong cuộc tuần hành phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron, người biểu tình đã xông vào trụ sở của LVMH trên đại lộ Montaigne ở Paris. Người biểu tình cho rằng bất kỳ sự thiếu hụt ngân sách nào trong trong hệ thống lương hưu nên được bù đắp bằng cách tăng thuế đối với các doanh nghiệp giàu có như LVMH.

Theo Bloomberg, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới