(KTSG Online) – Druk Holding & Investments (DHI), cơ quan đầu tư của chính phủ Bhutan, nhất trí hợp tác với Bitdeer Technologies Group (Singapore) để thành lập một quỹ trị giá 500 triệu đô la đầu tư khai thác bitcoin bằng cách sử dụng năng lượng thủy điện dồi dào ở vương quốc này. Đây là nỗ lực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và đa dạng hóa kinh tế của Bhutan, đồng thời mở rộng dấu ấn toàn cầu của Bitdeer.
- Ngành công nghiệp đào bitcoin và điện hạt nhân hợp tác để cứu nhau
- Nghề ‘đào’ tiền ảo trước sức ép giá bitcoin thấp, chi phí điện cao
Trong tuyên bố chung công bố hôm 3-5, DHI và Bitdeer cho biết quỹ này sẽ ra mắt vào tháng 5 tới và sẽ nhắm đến các nhà đầu tư tổ chức. Mục đích là để huy động vốn giúp triển khai dự án đào bitcoin mà không phát thải carbon bằng cách tận dụng nguồn lực thủy điện dồi dào cùa Bhutan.
“Mối quan hệ hợp tác này dự kiến sẽ tạo việc làm ở Bhutan trong các lĩnh vực từ kỹ thuật đến quản lý dự án, hoạt động giám sát và hỗ trợ. Đồng thời, mối quan hệ hệ đối tác sẽ tạo ra hoạt động kinh tế và doanh thu bằng ngoại tệ cho cộng đồng địa phương và đất nước Bhutan”, tuyên bố chung cho hay.
DHI quản lý các khoản đầu tư của chính phủ Bhutan trong các lĩnh vực truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, công nghệ, năng lượng và bất động sản cũng như đầu tư và đào tiền ảo.
Ujjwal Deep Dahal, CEO của DHI, cho rằng đào bitcoin là cách ít rủi ro nhất để Bhutan tận dụng các cơ hội tiền ảo,
“Điều quan trọng đối với chúng tôi là tìm kiếm các tài sản có khối lượng thấp, giá trị cao và cố gắng định vị đất nước theo theo cách mà chúng tôi có thể cạnh tranh toàn cầu theo thời gian để xây dựng nền kinh tế của mình”, Dahal nói.
Dahal tiết lộ DHI bắt đầu tham gia mảng kinh doanh đào bitcoin khi đồng tiền ảo này giao dịch ở mức giá khoảng 5.000 đô la vào năm 2019. Ngoài ra, DHI cũng có một số khoản đầu tư ở các công ty cho vay tài sản kỹ thuật số của Mỹ hiện đã phá sản là BlockFi và Celsius Network. Tuy nhiên, Dahal cho biết chúng chỉ là một phần nhỏ trong danh mục đầu tư của DHI và đã được “giải quyết”.
Cho đến nay, quy mô của hoạt động đào bitcoin của Bhutan vẫn còn là một bí ẩn, với rất ít thông tin về vị trí, quy mô và lợi nhuận của các trang trại đào bitcoin. Hồ sơ của một số nhân viên của DHI LinkedIn có liệt kê “đào tiền ảo” là kỹ năng của họ.
Bhutan, đất nước có nhiều núi rùng, nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, có dân số khoảng 777.000 người. Từ lâu, vương quốc này đã tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc vào nguồn thu từ thủy điện.
Các công ty đào bitcoin giải các thuật toán phức tạp bằng cách sử dụng các giàn máy tính ngốn nhiều năng lượng, đổi lại, họ được thưởng bitcoin. Những công ty này bị chỉ trích nặng nề vì họ sử dụng nhiên liệu bẩn, gây ô nhiễm môi trương như nhiệt điện than để cung cấp năng lượng cho các giàn máy đào. Họ cũng chịu sức ép gia tăng do thị trường tiền ảo suy sụp và chi phí năng lượng tăng tăng cao vào năm ngoái. Tuy nhiên, các điều kiện kinh doanh của họ cải thiện trong năm 2023 nhờ giá bitcoin phục hồi mạnh mẽ.
Bitdeer, có trụ sở tại Singapore, thuộc sở hữu của doanh nhân Trung Quốc Jihan Wu, là một trong những công ty khai thác tiền ảo hàng đầu thế giới. Công ty vận hành một trong trung tâm đào tiền ảo lớn nhất ở bang Texas (Mỹ).
Bitdeer dự kiến sẽ thiết lập một cơ sở đào bitcoin có công suất 100 MW ở Bhutan. Dự án này sẽ được khởi công đầu quí 2 và dự kiến và hoàn thành trong giao đoạn từ tháng 7 đến tháng 9. Dự án sẽ giúp tổng công suất đào bitcoin của Bitdeer trên toàn cầu tăng thêm 12%
Bitcoin đã tăng lên mức cao kỷ lục gần 69.000 đô la trong năm 2021. Đồng tiền ảo vốn hóa lớn nhất thị trường này sau đó giảm xuống dưới ngưỡng 16.000 đô la trong năm 2022, nhưng đã bật tăng trở lại trong năm nay, và có lúc vượt ngưỡng 30.000 đô la.
Động thái tiếp cận của Bhutan đối với thế giới tiền ảo đầy biến động và đôi khi tai tiếng là đáng chú ý vì quốc gia này nổi tiếng với việc sử dụng chỉ số “Tổng hạnh phúc quốc gia” (GNH) để đánh giá thành công kinh tế. Thước đo GNH chú trọng các yếu tố như sức khỏe tâm lý và sự đa dạng sinh thái để đo lường mức sống.
Theo Bloomberg