Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

G7 và EU sẽ cấm nhập khí đốt của Nga qua các đường ống kết nối với châu Âu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khối cường quốc công nghiệp G7 và Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu khí đốt của Nga qua các đường ống mà Moscow đã cắt đứt nguồn cung, theo thông tin tiết lộ từ các quan chức tham gia cuộc đàm phán về lệnh cấm này. Đây sẽ là lần đầu tiên thương mại khí đốt qua đường ống của Nga bị phương Tây phong tỏa kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Điểm cuối của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters

Tờ Financial Times hôm 14-5 đưa tin quyết định trên sẽ được chốt tại hội nghị thượng đỉnh khối G7 gồm các nước Mỹ, Anh, Đức, Ý, Pháp, Canada và Nhật Bản tại Hiroshima  từ ngày 19 đến 21-5. Theo đó, G7 và EU nhất trí cấm Nga tái khởi động các đường ống dẫn khí đốt sang các nước như Ba Lan và Đức. Năm ngoái, việc Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt ở đường ống Nord Stream 1 kết nối với Đức đã châm ngòi cuộc khủng hoảng năng lượng khắp châu Âu.

Giờ đây, các cường quốc phương Tây muốn đảm bảo rằng Nga sẽ không nhận được bất kỳ khoản thu xuất khẩu năng lượng nào tăng thêm để gia tăng sức ép kinh tế lên Điện Kremlin

Một trong những quan chức giấu tên cho biết động thái này là “nhằm đảm bảo các đối tác không thay đổi quyết định trong một tương lai giả định”.

Một dự thảo tuyên bố chung của G7 mà Financial Times đã tiếp cận nói rằng G7 và EU sẽ giảm hơn nữa việc sử dụng các nguồn năng lượng của Nga bao gồm cả việc ngăn chặn việc mở lại các tuyến đường ống mà Nga đã đóng trước đây thông qua chính sách vũ khí hóa năng lượng, ít nhất cho đến khi có một giải pháp cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Dù không có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ dòng khí đốt xuất khẩu của Nga ngay lập tức, nhưng động thái này nhấn mạnh quyết tâm mạnh mẽ của EU nhằm vĩnh viễn xoay trục ra khỏi hàng thập niên phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Ngay từ đầu cuộc chiến ở Ukraine, EU đã tránh trừng phạt các đường ống của Nga do sự phụ thuộc lớn của khu vực vào khí đốt của Moscow. Nhưng rốt cục, Nga đã bóp nghẹt nguồn cung khí đốt sang châu Âu, khiến giá mặt hàng năng lượng này tăng vọt lên hơn 10 lần so với mức bình thường.

Nhưng trong những tháng gần đây, giá khí đốt giảm mạnh nhờ châu Âu cắt giảm thành công nhu cầu trong mùa đông, đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo và tiếp cận các  nguồn cung thay thế chẳng hạn như khí đốt hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng đường biển.

Tỷ trọng nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nga giảm từ hơn 40% xuống dưới 10%, đồng thời một mùa đông ôn hòa đã giúp châu Âu duy trì dự trữ khí đốt ở mức cao.

Các quan chức châu Âu tự tin rằng các kho trữ khí đốt trong khu vực sẽ sớm đạt công suất tối đa trước mùa đông tới. Hiện các kho trữ khí đốt này đầy khoảng 60% so với khoảng 30% vào cùng thời điểm năm 2022.

“Với việc dự trữ khí đốt ở châu Âu cao bất thường vào thời điểm này trong năm và giá khí đốt đang nhích dần trở lại về mức được xem là bình thường, bạn có thể hiểu tại sao các nhà lãnh đạo châu Âu tự tin kế hoạch ngăn chặn Nga tái khởi động các đường ống khí đốt sẽ không đe dọa an ninh nguồn cung”, Tom Marzec-Manser, Giám đốc bộ phận phân tích khí đốt của hãng tư vấn năng lượng ICIS, nói.

Tuy nhiên, ông lưu ý họ không nên quá tự mãn về triển vọng thị trường khí đốt châu Âu.

Các đường ống dẫn dầu mà Nga đã cắt nguồn cung, bao gồm cả nhánh phía bắc của đường ống Druzhba cung cấp cho các nhà máy lọc dầu ở Đức và Ba Lan, cũng có thể bị cấm tái khởi động.

Lệnh cấm này đang được các nhà ngoại giao châu Âu thảo luận như là một phần của gói trừng phạt thứ 11 của EU nhằm vào Moscow.

Một nhà ngoại giao EU nói rằng Brussels cần thảo luận kỹ hơn về đề xuất cấm này để thấy “hiện trạng” sẽ thay đổi như thế nào, đặc biệt là khi một số dầu của Kazakhstan cũng chảy qua đường ống Druzhba.

Năm ngoái,  Đức và Ba Lan cho biết họ sẽ tự nguyện chấm dứt nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường ống Druzhba dù được miễn trừ áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga. Thực tế là Ba Lan tiếp tục nhận nguồn cung dầu từ đường ống này cho đến khi Nga cắt đứt dòng chảy vào tháng 2. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu của Đức đã ngừng đặt mua dầu thô của Nga kể từ đầu năm nay.

Một số đoạn trong các ống dẫn khí đốt chính của Nga tới châu Âu, bao gồm đường ống Nord Stream 1 và 2 bị phá hoại vào năm ngoái. Nhưng các đường ống khí đốt khác của Nga sang châu Âu như đường ống Yamal đến Ba Lan vẫn còn nguyên vẹn.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới