(KTSG Online) - Việc thiếu “kho” dữ liệu sạch, chính xác khiến các ngân hàng chưa thể đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ số những năm gần đây.
“Mỏ vàng” chưa được khai thác
Cơ sở dữ liệu dân cư được coi là là nguồn tài sản vô giá với các ngân hàng và nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn tài sản này hiện chưa được khai thác hiệu quả.
Tại một diễn đàn về chuyển đổi số ngành ngân hàng diễn ra tuần qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), cho biết ngành ngân hàng có hai loại tài sản lớn, một loại đang được sử dụng rất hiệu quả là tiền và một loại chưa được khai thác hết công suất, đó là dữ liệu.
“Dữ liệu là một loại tài nguyên mới, có người gọi là ‘dầu mỏ’. Ngân hàng là ngành có nhiều dữ liệu nhất, dữ liệu này đang được tăng lên từng ngày. Ngành Ngân hàng ‘canh tác’ trên mảnh đất mới này thì sẽ tạo ra rất nhiều giá trị mới cho đất nước”, ông Hùng nói và kỳ vọng việc tài nguyên lữ liệu được đánh thức sẽ giống con hổ được đánh thức, sẽ đưa ngành Ngân hàng thành ngành đi đầu trong phân tích dữ liệu lớn.
Thực tế, các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy vào hoạt động vận hành – kinh doanh những năm gần đây. Thậm chí, cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư.
Nhưng theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, thì các ngân hàng đang đối mặt với vấn đề dữ liệu chúng ta không hề sạch do ba nguyên nhân.
Thứ nhất, những giấy tờ tùy thân cũ như chứng minh nhân dân chữ số có thể bị giả tạo dễ dàng và với con mắt thường của các giao dịch viên rất khó phát hiện ra, dẫn tới có nhiều tài khoản có thể mở được bằng những giấy tờ giả mạo.
Thứ hai, kẻ xấu luôn lợi những người dân ở vùng sâu, vùng xa không hiểu biết về pháp luật để thuê họ mở tài khoản.
“Đây là những tài khoản được mở bằng giấy tờ tuỳ thân hoàn toàn hợp lệ và chính chủ, tuy nhiên những tài khoản này được bán lại cho kẻ gian và chính vì thế kẻ gian bây giờ có thể núp bóng dưới những tài khoản đã được mua lại và việc này là vấn đề rất là nghiêm trọng”, ông Lân nói.
Cũng theo ông Lân, rất nhiều trường hợp người dân liên hệ với ngân hàng để trình báo việc họ đã mất tiền thì tiền được lưu chuyển qua rất nhiều tài khoản khác nhau. Nhưng khi công an điều tra vẫn không thể biết được danh tính của kẻ gian núp bóng sau những tài khoản này.
Thứ ba, dữ liệu ngân hàng cũng không được khách hàng chủ động cập nhập. Chẳng hạn, anh A có thể có tài khoản của VietinBank khi còn là sinh viên, nhưng sau này ra trường anh ấy có gia đình và chuyển địa chỉ từ nhà bố mẹ qua nhà riêng của mình thì những dữ liệu này khách hành không quan tâm để cập nhập đến ngân hàng.
Bên cạnh những khó khăn trên, ông Lân cho biết việc Thông tư 16/2020 với quy định cho phép người dân mở tài khoản qua hình thức eKYC ra đời trước khi có dữ liệu quốc gia. Do đó, người dân thường mở tài khoản thông qua hệ thống ngân hàng theo cách chụp ảnh của giấy tờ tuỳ thân và đối chiếu gương mặt của khách hàng trên giấy tờ tùy thân.
“Việc này gây ra một số vấn đề, như giấy tờ tùy thân, đặc biệt là chứng minh nhân dân chín số, có thể cũ, có thể bị nhàu nát dẫn đến khi đọc dữ liệu không hoàn toàn chính xác”, ông Lân phân tích.
Cũng theo ông Lân, khuôn mặt của khách hàng trên giấy tờ tùy thân có thể trải qua chục năm rồi và không được cập nhật, dẫn đến tỷ lệ thành công không cao. Để phòng ngừa rủi ro này, ngân hàng luôn phải bố trí một đội ngũ nhân sự thực hiện kiểm tra lại nhằm phát hiện những vấn đề về gian lận giấy tờ và việc này tốn khá nhiều nguồn lực trong việc hỗ trợ mở tài khoản.
Để giải quyết khó khăn, ngành Ngân hàng đã cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu cho khách hàng đảm bảo xác minh danh tính khách hàng, tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sớm đồng bộ quy định quản lý trên môi trường số
Để có thể nhanh chóng tận dụng hiệu quả từ kho dữ liệu dân cư vào hoạt động chuyển đổi số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ mới, đại diện nhiều ngân hàng thương mại và NHNN cho rằng cần điều chỉnh đồng bộ các quy định của quản lý để phù hợp với đặc thù của cấp tín dụng trên môi trường điện tử.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN, cho rằng các quy định pháp lý hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng... cần phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, ngành Ngân hàng sẽ phối kết hợp với các bộ, ngành để đóng góp, tham gia hoàn thiện thể chế từ Luật, Nghị định và Thông tư về công tác chuyển đổi số, nhất là các dự thảo Luật liên quan như dự thảo Luật về giao dịch điện tử, căn cước công dân.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN, cho biết hiện Dự thảo sửa đổi Thông tư số 39/2016 của NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng đã được lấy đầy đủ ý kiến các bộ ngành và đang chờ thẩm định.
“Khi Thông tư mới được ban hành làm nền tảng cho các ngân hàng tổ chức thực hiện cho vay online. Trong đó, quy định về việc xác thực khách hàng, điều kiện cho vay trước và sau đối với hình thức cho vay trên môi trường điện tử sẽ được đề cập tại Thông tư sửa đổi Thông tư 39”, ông Dũng cho biết.
Với vấn đề làm sạch dữ liệu khách hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân cho rằng cần thực hiện 5 nguyên tắc.
Thứ nhất, ưu tiên thực hiện làm sạch dữ liệu trước với các tài khoản khách hàng đang phát sinh giao dịch tài chính. Sau đó, phân loại tài khoản theo mức độ sạch, gắn tích xanh tài khoản và cài đặt hạn mức đối với các tài khoản nghi ngờ.
Thứ hai, làm sạch dữ liệu từ đầu vào, khi khách hàng đến giao dịch mở tài khoản. Với khách hàng không sử dụng căn cước công dân gắn chíp để mở tài khaonr thì, ngân hàng sẽ kết nối dữ liệu với C06 - Bộ Công an để đối chiếu thông tin trên giấy tờ tùy thân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) để xác thực và định danh khách hàng. Như vậy, cùng với quá trình làm sạch toàn bộ kho dữ liệu khách hàng hiện hữu, việc làm sạch ngay từ khâu mở tài khoản sẽ giúp ngân hàng có được kho dữ liệu khách hàng định danh xác thực đầy đủ.
Thứ ba, thu thập thông tin sinh trắc học để đảm bảo tính chính xác cao nhất trong quá trình đối chiếu, định danh khách hàng.
Theo ông Lân, việc trùng tên, ngày, tháng, năm, sinh… khá phổ biến, nhưng để trùng khuôn mặt với các thông tin cá nhân của hai khách hàng là khó có thể xảy ra. Do vậy, việc thu thập và đối chiếu thông tin sinh trắc học đóng vai trò rất quan trọng, tránh các trường hợp thuê mướn tài khoản.
Thứ tư, tận dụng tối đa kênh trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí. Đồng thời giúp chủ động xác thực thông tin mà không gây gián đoạn việc sử dụng dịch vụ.
Thứ năm, xây dựng cơ chế để C06 – Bộ Công an chủ động truyền thông tin mới của khách hàng tới ngân hàng khi có phát sinh thay đổi về dữ liệu khách hàng như khách hàng chuyển địa chỉ, thay đổi tình trạng công dân.