Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà xuất khẩu gian nan trong cuộc đua không cân sức

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bên cạnh khó khăn do tình trạng sụt giảm mạnh đơn hàng, các nhà sản xuất Việt Nam đang gặp nhiều thách thức về yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch, sản xuất cacbon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường... của các thị trường nhập khẩu.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, các nền kinh tế phát triển đang dùng các rào cản kỹ thuật như một luật chơi mới, tạo cuộc đua không cân sức trong xuất khẩu...

Chế biến thuỷ sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Khi các nhà nhập khẩu xây dựng thêm "hàng rào" kỹ thuật

Thị trường khó khăn vì xung đột giữa Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát tăng cao, khó khăn kinh tế,... khiến nhiều quốc gia đưa thêm các quy định siết chặt nhập khẩu, dựng hàng rào phi thuế quan khắt khe.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn trong việc cập nhật và tuân thủ các quy định mới do thiếu thông tin hoặc "hàng rào" dựng lên của các nước quá khắc khe khiến họ gặp khó để thích ứng kịp thời trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh.

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiềm năng nhưng đang khó tính hơn khi thiết lập các hàng rào về tiêu chuẩn xanh, sản xuất bền vững, hạn chế tác hại đến môi trường,...

Đơn cử như gần đây Nghị viện châu Âu đã thông qua một thỏa thuận với các quốc gia thành viên EU về kiểm soát một số mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu vào EU liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng. Thỏa thuận này mở đường cho việc Hội đồng các quốc gia thành viên EU thông qua quy định dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Quy định sẽ áp dụng với các sản phẩm có nguồn gốc từ gia súc như thịt bò và da, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su, gỗ cũng như các sản phẩm có chứa chúng như sô-cô-la và đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ.

Theo đó, các công ty được yêu cầu cung cấp kết quả thẩm định chuyên sâu và thông tin có thể kiểm chứng về việc sản phẩm của họ không được trồng hoặc chăm sóc trên những vùng đất trống có được do phá rừng sau năm 2020.

Điều này đòi hỏi các ngành thuộc các nhóm hàng trên cần đánh giá chuỗi cung ứng liên quan để đảm bảo rằng nguồn cung ứng các mặt hàng hoặc nguyên liệu không liên quan đến nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng.

Trong số các nhóm mặt hàng nằm trong diện kiểm soát nói trên, Việt Nam có 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng ở khu vực này, gồm đồ gỗ, cà phê và cao su.

Theo ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends (Mỹ), chắc chắn trong thời gian tới, các nhà nhập khẩu từ EU sẽ yêu cầu các công ty Việt Nam xuất hàng cho họ phải đáp ứng các yêu cầu của EU về thực trạng sản xuất các loại mặt hàng này.

Thông tin cần cung cấp cho nhà nhập khẩu bao gồm các khía cạnh như lượng sản phẩm, giá, tên sản phẩm, địa chỉ lô đất và toàn bộ các bằng chứng minh chứng cho việc sản xuất hàng hóa không gây mất rừng và suy thoái rừng, bằng chứng về tuân thủ với toàn bộ các yêu cầu của Việt Nam (ví dụ tiếp cận đất đai hợp pháp, hoàn thành trách nhiệm về thuế, phí, tuân thủ quy định về chế biến, an toàn lao động…).

Theo ông Phúc, đây là một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt trong tương lai.

Hoặc với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường khu vực này. Nhìn chung, đây là công cụ tốt để hạn chế phát thải ra môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cho rằng CBAM có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì nền kinh tế khoảng 100 triệu dân là nước đang xuất khẩu nhiều vào EU.

Như vậy, một sản phẩm mà quá trình sản xuất làm mất rừng và suy thoái rừng bị coi là gây ra các tác động tiêu cực tới khí hậu và bị EU hạn chế nhập khẩu. Hay một sản phẩm có dấu vết tiêu tốn nhiều năng lượng, phát thải nhiều carbon sẽ bị các nước khu vực này đánh thuế, làm giảm tính cạnh tranh...

Sản phẩm thực phẩm chế biến xuất khẩu vào các thị trường khó tính không chỉ đạt chất lượng cao mà còn phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về nguyên phụ liệu, sản xuất bền vững... của các nước.Ảnh: Hùng Lê

Trên thực tế việc "xuất hiện" thêm những quy định mới như trên từ các nước nhập khẩu trong thời gian qua không phải là ít, nhất là tình hình khó khăn kinh tế, lạm phát các nước tăng cao và nhất là sau khi Việt Nam tham gia ký kết hợp tác với nhiều khu vực thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Các FTA được cho là sẽ mở cơ hội để các doanh nghiệp ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc các nước đặt ra các yêu cầu kỹ thuật, quy định về kiểm dịch dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại rất khắt khe. Đây chính là thách thức lớn đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến, đi vào các thị trường yêu cầu rất cao như thị trường EU.

Đã có không ít doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tại TPHCM gặp khó từ các rào cản kỹ thuật như tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, bao bì xanh... khiến các ưu đãi từ FTA chưa được phát huy tối đa.

Dù ưu đãi thuế quan từ các FTA giúp hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hơn các nước khác, nhưng theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM (FFA), hiện nay việc các nước nhập khẩu đã đặt ra các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dẫn đến thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

"Đơn cử như các sản phẩm hủ tiếu khô, bún khô, và các nhóm sản phẩm chế biến từ gạo,... trước đây xuất khẩu thoải mái không bị hàng rào kỹ thuật nào", bà Chi nói, và cho biết hiện nay họ cho rằng nguyên liệu gạo để chế biến sản phẩm nói trên còn dư lượng thuốc trừ sâu nhiều nên bị kiểm tra từ phần nguyên liệu đầu vào sản xuất này, cùng những yêu cầu khắt khe khác.

Trên thực tế hồi tháng 4 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cảnh báo các doanh nghiệp sản xuất bún, phở, bánh đa… từ gạo tại Việt Nam cần nâng cao kiểm soát chất lượng, do Ủy ban châu Âu (EC) đã tiếp nhận hồ sơ theo dõi các sản phẩm bún, bánh đa từ gạo có chứa hoạt chất 2-chloroethanol.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không quản lý tốt dư lượng 2-chloroethanol, nhiều khả năng EC sẽ đưa vào diện kiểm tra an toàn thực phẩm như mỳ ăn liền. Điều này có tác động rất lớn đến xuất khẩu mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam bởi EU là thị trường lớn với sản phẩm này.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản, và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định đã bị EU thu hồi hoặc cảnh báo. Điều này đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.

Theo đó sản phẩm của doanh nghiệp không thể đi được vào các thị trường đối tác hoặc nếu có thể đi vào thì sẽ bị ngăn chặn do không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có thể bị trả lại, tiêu hủy, gây ra nhiều tổn thất cho nhà xuất khẩu lẫn hệ thống sản xuất trong nước.

Vào tầm ngắm tranh chấp thương mại kéo dài...

Thời gian qua, hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập được nhiều thị trường lớn, tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu. Điều này khiến các ngành sản xuất của nước nhập khẩu yêu cầu chính phủ họ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, thị trường bị giảm sút mạnh.

Một số dòng sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua bị nhiều vụ tranh chấp thương mại kéo dài. Ảnh minh họa: Q.H

Đơn cử như ngành đồ gỗ, từ giữa năm ngoái đến nay, do ảnh hưởng căng thẳng giữa Nga-Ukraine, lạm phát tăng cao và khó khăn chung kinh tế toàn cầu, hầu hết doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu đều bị sụt giảm mạnh đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa nhà máy tạm thời để gồng gánh vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thế nhưng không ít doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn khi mà việc kiện cáo, tranh chấp thương mại của nước nhập khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tại buổi giao ban Ban Chỉ đạo ngoại giao kinh tế vào ngày 22-5 vừa qua, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cũng nêu khó khăn của ngành gỗ là phải đối diện với nhiều vụ tranh chấp thương mại ở Hàn Quốc, Mỹ kéo dài. Ông Lập dẫn chứng vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7, kéo dài đến 3 năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp gỗ dán Việt. Doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, các nhà mua hàng Mỹ cũng bởi vì lo ngại tranh chấp thương mại mà chuyển dịch sang các thị trường khác.

“Nếu xảy ra sự bất bình đằng trong các vụ giải quyết tranh chấp thương mại, Hiệp hội đề nghị các cơ quan đại diện của Việt Nam ở Mỹ tham gia bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Việt. Bài học xương máu trước đây xảy ra trong tranh chấp ở Anh, sự bất bình đẳng đã khiến một vài doanh nghiệp gỗ phải phá sản”, ông Lập nói.

Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Đáng chú ý, gần đây các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế của các nước, trong đó là Mỹ có xu hướng gia tăng khi nước này sửa đổi quy định liên quan.

Cụ thể Mỹ sẽ điều tra mặt hàng xuất khẩu vào nước này bị nghi ngờ có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, có thể được nhập khẩu từ một nước thứ ba vào Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ để lẩn tránh thuế.

Tức là nước này nghi ngờ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam (tức chưa đạt được hàm lượng giá trị gia tăng về tỉ lệ nội địa hóa được tạo ra ở Việt Nam, mà có khả năng hàng hóa từ nước thứ ba xuất khẩu vào Việt Nam sau đó xuất sang Mỹ).

Tuy nhiên, việc xác định thế nào là “chuyển đổi đáng kể” để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn sản xuất là vấn đề phức tạp và khó đo đếm. Điều này tùy thuộc vào từng mặt hàng cụ thể và theo quy định của mỗi quốc gia nhập khẩu có thể khác nhau.

Trong khi đó, theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, đến nay các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đang gia tăng. Và nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.

Cuộc chạy đua không cần sức...

Có thể thấy trong bối cảnh tình hình thị trường rất khó khăn và cầu thế giới sụt giảm thì các nước nhập khẩu ngày càng khắc khe với hàng hóa nhập khẩu, đưa ra những quy định khó khăn hơn với nhà xuất khẩu.

Các biện pháp an toàn về sinh thực phẩm hay các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thường được xem là “rào cản” cho các quốc gia xuất khẩu vào thị trường FTA.

Tại Hội nghị về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu diễn ra ở TPHCM vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cũng cho rằng hiện nay, nhiều nước phát triển đã đặt ra các tiêu chuẩn cao trong nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ, như đảm bảo chuyển đổi năng lượng xanh - sạch; sản xuất carbon thấp...

"Những chính sách mới nghe rất nhân văn nhưng đây là luật chơi mới trong cuộc đua không cân sức. Họ đã đi trước chúng ta xa và có điều kiện hơn rất nhiều", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.

Nhiều nhãn hàng thời trang thế giới yêu cầu nhà cung cấp phải xanh hóa sản xuất và thân thiện môi trường. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Xuất khẩu đang đối mặt khó khăn do nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, điện tử... sụt giảm mạnh đơn hàng. Bên cạnh ảnh hưởng khó khăn chung về cầu thế giới giảm thì một nguyên nhân khác được cho là nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thích ứng kịp thời những yêu cầu, quy định mới của các nước nhập khẩu đặt ra.

Chẳng hạn như chính sách của EU và hàng trăm nhãn hàng thời trang lớn trên thế giới cho thấy ngày càng ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm có lượng phát thải carbon cao, sản phẩm làm ra ảnh hưởng nhiều đến môi trường, sử dụng nhiều năng lượng, nước... qua đó làm thay đổi lựa chọn của các quốc gia và nhãn hàng đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa.

Còn nhớ, cách đây 1-2 năm, lãnh đạo số doanh nghiệp dệt may và Hiệp hội dệt may đã tự hào ngành này của Việt Nam đi trước các nước, gồm cả Bangladesh. Tuy nhiên, hiện ngành dệt may Bangladesh đã đi trước trong chuyển đổi xanh. Và khi đơn hàng giảm đi, các nhãn hàng, nhà nhập khẩu đã lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng được cao yêu cầu của họ, trong đó có yêu cầu về giảm phát thải.

Do đó, mà những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay, trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải cắt giảm nhiều lao động do bị sụt giảm mạnh hoặc không có đơn hàng thì ngược lại ở thời gian này doanh nghiệp dệt may Bangladesh làm không kịp đơn hàng.

Các chuyên gia dự báo thời gian tới, tình hình chính trị kinh tế thế giới sắp tới vẫn khó đoán định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, tổng cầu xuất khẩu giảm, đang khó sẽ còn khó hơn, do đó doanh nghiệp không thể chủ quan mà cần phải tiếp tục cải thiện năng lực.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, tới đây sẽ còn nhiều hơn các hàng rào kỹ thuật làm giảm động lực tăng trưởng và xuất khẩu của doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho rằng nếu vẫn tiếp tục trì trệ về công nghệ, chậm đổi mới phương thức sản xuất, khiến chúng ta vẫn khó khai thác các lợi thế Hiệp định FTA.

Doanh nghiệp tiếp cận nhu cầu ‘xanh hóa’ từ nhà mua hàng

Trong khuôn khổ sự kiện Hội chợ xuất khẩu TPHCM (HCM City Expo 2023) lần đầu tổ chức diễn ra từ ngày 25 đến 28-5-2023 với 250 gian hàng của khoảng 170 doanh nghiệp tham gia, sẽ có 2 diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu xanh” và Hội nghị Kết nối thông tin thị trường xuất khẩu diễn ra với chủ đề “Nông sản Việt vươn xa”.

Sự kiện diễn ra tại SECC (TPHCM) nhằm cập nhật xu hướng tiêu dùng xanh của các thị trường nhập khẩu lớn, thay đổi tư duy về “tính xanh” trong chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế ở các lĩnh vực trọng điểm hiện nay. Việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh kỳ vọng của tất cả doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị đơn hàng cũng như mở rộng thị trường đích.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, Hội chợ Xuất khẩu TPHCM 2023 sẽ là nơi gặp gỡ giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn về mặt chính sách, giúp cho doanh nghiệp hiểu và tận dụng lợi thế của các Hiệp định FTA để hướng đến xuất khẩu xanh và bền vững.

Tại đây, các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI sẽ tăng cường cơ hội kết nối với các đối tác, khách hàng quốc tế, xem xét mở rộng thị trường nội địa để giải quyết khó khăn hiện tại, nâng cao chất lượng tiêu dùng trong nước. Đồng thời đây là dịp để người tiêu dùng trong nước có thể tiếp cận được được các sản phẩm chất lượng xuất khẩu với giá thành hợp lý”.

Các doanh nghiệp tham gia thuộc các ngành xuất khẩu chủ lực như: nông thủy sản; dệt may, da giày, túi xách; đồ gỗ & mỹ nghệ; thực phẩm & đồ uống; điện tử, cơ khí, cao su - nhựa, Hội chợ Xuất khẩu TPHCM mang đến một bức tranh tổng thể về độ đa dạng sản phẩm Việt đang được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thông điệp giá trị quá! Mong báo tổ chức diễn đàn thường xuyên, lâu dài để phổ cập kiến thức, nâng cao nhận thức và đánh động tư duy kinh doanh phù hợp trong thời đại hướng đến giá trị bền vững. Dân ta vẫn còn chậm chân lắm trong chặng đua này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới