Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xu hướng trang sức làm bằng vật liệu tái chế từ rác điện tử

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một số thương hiệu trang sức đang tận dụng vật liệu tái chế từ các thiết bị điện tử vứt bỏ như điện thoại di động để thiết kế các sản phẩm độc đáo và bền vững với môi trường hơn. Họ đi theo xu hướng này trong bối cảnh thế hệ người tiêu dùng trẻ ngày càng ý thức về tác động môi trường của những sản phẩm mà họ xem xét mua.

Thương hiệu trang sức thương hiệu Oushaba sử dụng bảng mạch điện tử tái chế từ điện thoại di động cũ bị vứt bỏ để thiết kế mặt dây chuyền đeo cổ. Ảnh: Financial Times

Thoạt nhìn, mặt dây chuyền của chiếc dây đeo cổ sang trọng màu vàng nhạt của thương hiệu Oushaba (Anh) trông có vẻ như là một cổ vật từ thời Ai Cập hoặc Lưỡng Hà cổ đại thu thập được từ cuộc khai quật khảo cổ học. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ hơn, “viên đá xanh có hoa văn” này không phải là đá malachite (một loại đá quý) được khắc những ngôn ngữ khó hiểu mà chỉ là một mảnh của bảng mạch điện tử được tái chế.

Oushaba là thương hiệu mới nhất gia nhập xu hướng sản xuất đồ trang sức từ các vật liệu phế thải. Gillian Carr, người đồng sáng lập Oushaba và trước đây làm việc cho hãng đấu giá Christie’s, cho biết ý tưởng này ra đời trong thời gian phong tỏa kiểm soát Covid.

“Trong thời kỳ phong tỏa, các thiết bị điện tử là cầu nối duy nhất của chúng ta với thế giới bên ngoài. Chúng giống như một phần mở rộng của cơ thể chúng ta. Tôi không thể chấp nhận được nếu chiếc điện thoại di động kề cận với chúng ta hàng ngày bị vứt bỏ ở bãi rác trong vòng 18 tháng sử dụng”.

Vì vậy, cùng với hai đối tác kinh doanh khác, Carr đã liên hệ với một xưởng trang sức ở Sicily (Ý) để tìm mua các điện thoại di động bị vứt bỏ từ một cửa hàng sửa chữa địa phương, rồi lấy các linh kiện bên trong để thiết kế các món trang sức.

“Các bảng mạch tái chế đã truyền cảm hứng để chúng tôi tạo ra  “viên ngọc quý” cho mặt dây chuyền”, cô nói.

Carr, ngoài 30 tuổi, thuộc thế hệ được nuôi dạy với đầy đủ kiến thức về những thách thức cấp bách về môi trường. Do đó, cô rất ý thức trong việc giảm thiểu tác động của hoạt động kinh doanh đến tài nguyên thiên nhiên.

Hãng tư vấn quản lý McKinsey dự đoán, đến năm 2025, các tiêu chí bền vững sẽ chi phối đến 20-30% giao dịch mua đồ trang sức cao cấp. McKinsey nhấn mạnh rằng 43% nhóm người tiêu dùng xa xỉ thuộc thế hệ Z, sinh ra từ năm 1997 đến 2012, chuộng các thương hiệu có uy tín về tính bền vững.

Năm 2017, khi 24 tuổi, Eliza Walter, đã sáng lập thương hiệu trang sức làm từ vật liệu tái chế Lylie, có trụ sở tại London. Cô kể lại: “Năm 16 tuổi, tôi đi tham quan một xưởng đúc, nơi người ta giải thích rằng bảng mạch của điện thoại di động do động có chứa vàng, bạch kim và bạc. Điều này khiến tôi suy nghĩ về tiềm năng to lớn của rác thải điện tử”.

Bảy năm sau đó, cô ra mắt Lylie, thương hiệu sử dụng vàng thu hồi từ rác điện tử và vật liệu trám răng để tạo ra các thiết kế trang sức tinh tế, được đính kim cương nhân tạo sản xuất phòng thí nghiệm hoặc đá tự nhiên cổ tái chế.

Walter cho biết lúc đầu, nguồn gốc của vàng khiến một số khách hàng của cô e ngại

“Tuy nhiên, chúng tôi không mất nhiều thời gian để thuyết phục họ. Chúng tôi nói với họ rằng nếu bạn khai thác một tấn quặng trên trái đất, bạn sẽ thu được chưa đến 30 gram vàng, trong khi nếu bạn khai thác một tấn rác điện tử, bạn sẽ kiếm được 300 gram vàng”.

Eliza Walter đã sáng lập thương hiệu trang sức làm từ vật liệu tái chế Lylie. Ảnh: Financial Times

Dù vậy, việc mua vàng hoàn toàn được tách ra từ rác điện tử là một thách thức, vì các nhà máy luyện kim thường trộn vàng từ các nguồn khác nhau để đúc ra các thỏi vàng.

Trước khi tìm được nhà cung cấp, Sarah Müllertz, người sáng lập thương hiệu trang sức bền vững Kinraden, có trụ sở tại Copenhagen (Đan Mạch), đã gặp bế tắc trong việc mở rộng quy mô kinh doanh do không tìm mua được các kim loại quý tái chế từ rác thải điện tử.

Müllertz cũng mua gỗ Mpingo (một loại gỗ đen ở châu Phi) từ một khu rừng được bảo vệ bởi Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) ở Tanzania. Cô sẽ cắt và đánh bóng những mảng gỗ này để đạt độ sáng tối đa như kim cương.

Thiết lập quan hệ đối tác lâu dài cũng là con đường mà Công ty Royal Mint của hoàng gia Anh lựa chọn. Dòng trang sức 866 của Royal Mint sử dụng vàng từ công ty tái chế rác thải điện tử Excir và mua bạc được chiết xuất từ phim X-quang cũ của Công ty Betts Metals

Trong khi đó, Sole Ferragamo, thành viên của gia tộc sở hữu hãng xa xỉ phẩm Ferragamo (Ý) , thách thức những quan niệm truyền thống về sự quý giá bằng cách sử dụng da thuộc bị vứt bỏ để làm vật liệu chính cho các món trang sức cho thương hiệu So-Le Studio do cô sáng lập.

Ferragamo nói: “Lần đầu tiên khi phát hiện có rất nhiều đồ da bị vứt bỏ và sẽ bị tiêu hủy, tôi muốn tạo ra một thứ gì đó từ những thứ này”.

Cô đã mua da chưa qua sử dụng, trong thương mại được gọi là “hàng tồn chậm”, và da dư thừa từ các hãng thời trang, nhà cung cấp hoặc xưởng da thuộc. Sau đó, cô phủ bột vàng lá, nhôm hoặc đồng thau lên chúng để ra các món trang sức có vẻ ngoài cứng cáp như kim loại nhưng rất nhẹ và mềm.

Ferragamo sử dụng những mảnh vụn đồng thau từ quá trình gia công kim loại bằng máy tiện.

“Tôi đích thân đi đến các nhà máy gia công kim loại và chọn những thứ truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất”, cô nói.

Các món trang sức của So-Le Studio được bày bán tại một số nhà bán lẻ chọn lọc trên thế giới. Cửa hàng mới khai trương của Ferragamo ở Milan (Ý) đã thu hút lượng lớn khách hàng chủ yếu tìm kiếm sự độc đáo hơn là một phụ kiện thân thiện với môi trường.

“Ở người tiêu dùng luôn có khoảng cách giữa ý định và hành vi”, Elisabetta Pollastri, đồng sáng lập của công ty dự báo xu hướng thị trường The Spotter (Pháp), nói.

Ferragamo cũng đồng ý với nhận định này. Cô nói: “Khách hàng nhìn thấy trong các tác phẩm của tôi một điều gì đó khác biệt. Tất nhiên, tính thẩm mỹ là ưu tiên hàng đầu của họ, nhưng tính bền vững là một điểm cộng đáng hoan nghênh”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới