Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đà phục hồi bấp bênh tác động đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế Trung Quốc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đà phục hồi kinh tế yếu ớt của Trung Quốc đã tác động đến gần như mọi ngóc ngách của nền kinh tế. Điều này thể hiện qua nhu cầu suy giảm đối với các nguyên vật liệu như thủy tinh, styrene, tinh bột bắp... Đây là những mặt hàng ít được chú ý trên thị trường nhưng là một phần quan trọng trong kết cấu của nền kinh tế.

Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất kính tấm ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: IC

Giá cả các mặt hàng như dầu thô và đồng đang giảm do nhu cầu yếu ớt từ Trung Quốc. Điều này thu hút sự chú ý của giới đầu tư và phân tích ở Phố Wall vì cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi bấp bênh. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là thị trường quan trọng đối với một loạt mặt hàng ít quen thuộc nhưng cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong nền kinh tế.

Thị trường tương lai ảm đạm đối với các mặt hàng như thủy tinh, styrene (hóa chất sử dụng để sản xuất nhựa, xốp, cao su, sơn, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa...), tinh bột bắt bổ sung thêm các bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc không bật dậy mạnh mẽ như kỳ vọng sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách “zero Covid” hồi cuối năm ngoái.

Thủy tinh

Trung Quốc chiếm hơn một nửa sản lượng kính tấm (sản xuất từ thủy tinh) của thế giới nhờ sự phát triển nhanh chóng của các tòa nhà cao tầng và doanh số bán xe trong những thập niên gần đây. Tương tự như các ngành công nghiệp khác, tỷ suất lợi nhuận thấp và tình trạng dư thừa nguồn cung đã khiến các nhà sản xuất kính tấm trong nước gặp khó khăn trong nhiều năm, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng trong những tháng gần đây.

Tình hình kinh doanh năm nay có vẻ còn khó khăn hơn. Hợp đồng tương lai thủy tinh trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu ở Trung Quốc đã giảm giá gần 20% trong tháng qua, giai đoạn mà nhu cầu thường tăng. Những lý do giảm giá, gồm thị trường bất động sản còn bất ổn và sản lượng xe yếu hơn dự kiến trong tháng 4.

Styrene

Giá của styrene monomer, một dung môi cần thiết trong quy trình sản xuất nhựa và cao su sử dụng cho các linh kiện của thiết bị gia dụng như tủ lạnh, đang giảm. Trung Quốc là nơi thị trường styrene phát triển nhanh nhất thế giới trong thập niên qua, với công suất tăng lên mức hơn 40% tổng công suất toàn cầu. Nhu cầu mua nhà suy giảm đồng nghĩa với việc nhu cầu thiết bị gia dụng cũng giảm.

Theo Trung tâm Thông tin thiết bị gia dụng quốc gia Trung Quốc, giá styrene monomer tương lai ở Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm vào tuần trước, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021, sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán thiết bị gia dụng giảm gần 5% trong quí đầu tiên.

Wu Haitao, giám đốc trung tâm này, cho rằng các cản lực đối với styrene monomer gồm tăng trưởng thu nhập cá nhân chậm hơn và “chu kỳ bán hàng tần suất thấp” đối với hàng gia dụng cỡ lớn.

Giá tinh bột bắp tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đang giao dịch ở các mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Tinh bột bắp

Tinh bột bắp được sử dụng trong nước giải khát, chất làm đặc cho nước sốt và trong ngành công nghiệp giấy và dệt may. Trung Quốc sản xuất gần 50 triệu tấn tinh bột ngô mỗi năm.

Dù doanh số bán lẻ mặt hàng này tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại để kiểm soát Covid-19. Tuy nhiên, doanh số của tinh bột bắp tăng chậm hơn dự kiến trong tháng 4. Giá tinh bột bắp tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đang giao dịch ở các mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Dân số Trung Quốc suy giảm là một yêu tố bất lợi khác khác vì tinh bột bắp là một thành phần chính trong sữa bột trẻ em.

Bột giấy

Giá bột giấy trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải lao dốc hồi tháng 2 sau do sản lượng của các nhà máy giấy bất ngờ phục hồi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cùng lúc với sản lượng nhập khẩu tăng trở lại. Nhu cầu trong nước, vốn được dự báo tăng sau khi Trung Quốc mở cửa kinh tế, đã không thể theo kịp nguồn cung.

Cũng như đối với nhiều mặt hàng khác Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ bột giấy lớn nhất thế giới. Nguyên liệu này được sử dụng trong lĩnh vực đóng gói, xuất bản và đồ gia dụng. Nhưng thị trường quá rộng lớn và đa dạng nên Trung Quốc phải mua nhiều loại bột giấy và giấy từ nước ngoài.

Khí đốt

Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về khí đốt tự nhiên, được vận chuyển bằng đường biển từ các siêu dự án ở những nơi xa xôi như Qatar và Úc, hoặc qua các đường ống trải dài khắp lục địa châu Á. Giá khí đốt đến tay khách tiêu dùng ở Trung Quốc thường thông qua những chiếc xe tải chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), là thước đo nhu cầu tức thời của các ngành công nghiệp từ sản xuất thủy tinh đến sản xuất gốm sứ ở trong nước.

Giá khí đốt vận chuyển bằng xe tải ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm. Nhu cầu yếu đến mức các nhà nhập khẩu LNG vận chuyển bằng đường biển hàng đầu của Trung Quốc thậm chí phải tái xuất các lô hàng LNG.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới