(KTSG Online) - Trong phiên thảo luận về dự án Luật Viễn thông sửa đổi, nhiều đại biểu cho rằng các chương trình viễn thông công ích phải xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của quỹ, quy định cụ thể về đóng góp và giải ngân theo nguyên tắc thu-chi tương ứng…
- Không có công ty viễn thông nào nộp hồ sơ đấu giá tần số 4G, 5G
- Khi các mạng viễn thông tìm kiếm nguồn thu từ ‘đám mây’
TTXVN đưa tin, sáng 22-6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Viễn thông sửa đổi. Một số đại biểu cho rằng quỹ dịch vụ viễn thông công ích cần được tiếp tục duy trì bởi mục tiêu của dịch vụ là hỗ trợ cho người nghèo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, hỗ trợ một số dự án xây dựng công trình hạ tầng viễn thông, hướng đến giảm sự chênh lệch khoảng cách giữa các vùng miền, phù hợp với xu hướng phát triển.
Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của quỹ còn nhiều bất cập. Tồn dư quỹ giai đoạn 2016-2022 lên đến 5.427 tỉ đồng.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề ra nhiều giải pháp để đảm bảo tính hiệu quả của quỹ. Chẳng hạn như đơn vị liên quan xem xét lại về nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của quỹ; phân chia rõ từng dịch vụ viễn thông công ích; bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc sử dụng và quản lý quỹ sao cho phù hợp với mục tiêu.
Cũng theo bản tin trên, đại biểu cho rằng ngoài mục tiêu hỗ trợ, quỹ dịch vụ viễn thông công ích cũng cần được mở rộng phạm vi hoạt động như phát triển sản xuất thiết bị viễn thông, đầu tư; mỗi chương trình viễn thông công ích đều phải xác định rõ mục tiêu hỗ trợ, trong đó, đề cập cụ thể về quy định đóng góp và giải ngân theo nguyên tắc thu-chi tương ứng; đánh giá việc duy trì quỹ.
Ví dụ, đa số quốc gia chọn cách giao nhà mạng phổ cập viễn thông, internet, phủ sóng các vùng kể cả vùng sâu, vùng xa. Ở Việt Nam, một trong những cách mà nhà mạng áp dụng là đóng góp vào quỹ phổ cập theo doanh thu. Từ đó, Nhà nước dùng quỹ để phổ cập dịch vụ này đến người dân.