Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các tỉ phú Trung Quốc phát động cuộc đua AI với Mỹ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đứng sau tham vọng của Trung Quốc nhằm đánh bại Mỹ trong cuộc cạnh tranh AI có thể giúp xác lập quyền lực toàn cầu là các doanh nhân tỉ phú, kỹ sư và cựu nhân viên công nghệ Trung Quốc từng làm việc cho các công ty nước ngoài.

Tỉ phú Robin Li, CEO của Baidu, giới thiệu chatbot AI có tên gọi Ernie Bot ở Bắc Kinh hồi tháng 3. Ảnh: Metaverse Post

15 tỉ đô la đầu tư vào AI

Nổi bật trong số đó là ông trùm internet Wang Xiaochuan, người đã nhanh chóng nhảy vào lĩnh vực AI sau khi chứng kiến sự ra mắt gây sốt của ChatGPT thuộc OpenAI (Mỹ) hồi năm ngoái. Ông gia nhập một đội ngũ các nhà khoa học, lập trình viên và nhà tài chính Trung Quốc, bao gồm cả cựu nhân viên của ByteDance, nền tảng thương mại điện tử JD.com và Google, những người sẽ thúc đẩy làn sóng rót tiền vào AI thêm khoảng 15 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Wang, người sáng lập công cụ tìm kiếm Sogou mà Tencent Holdings mua lại với giá 3,5 tỉ đô la cách đây chưa đầy hai năm, đã nắm bắt cơ hội rất nhanh. Hồi tháng 4, ông  thành lập công ty khởi nghiệp về AI Baichuan Intelligence và huy động được 50 triệu đô la vốn hạt giống. Ông đã liên hệ và chiêu mộ các thuộc cấp cũ tại Sogou về với công ty mới. Đến tháng 6, Baichuan Intelligence tung ra một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) nguồn mở và nó đã được các nhà nghiên cứu tại hai trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc sử dụng.

“Tất cả chúng tôi đều nghe thấy tiếng súng lệnh phát động cuộc đua. Các công ty công nghệ, dù lớn hay nhỏ, đều ở trên cùng một vạch xuất phát. Trung Quốc vẫn chậm hơn Mỹ ba năm về công nghệ AI, nhưng chúng tôi có thể không cần mất tới ba năm để bắt kịp”, Wang nói.

Dòng chảy mạnh mẽ của các tài năng và nguồn tài chính hàng đầu vào AI có ý nghĩa lớn với cuộc xung đột công nghệ đang leo thang giữa Bắc Kinh và Washington. Các nhà phân tích và lãnh đạo trong ngành này tin rằng AI sẽ định hình các nhà lãnh đạo công nghệ trong tương lai, giống như cách mà internet và điện thoại thông minh đã sản sinh ra một nhóm tập đoàn công nghệ khổng lồ toàn cầu. Hơn nữa, AI có thể thúc đẩy các ứng dụng từ siêu máy tính đến sức mạnh quân sự, có thể giúp các cường quốc giành lợi thế về địa chính trị.

Bối cảnh công nghệ ở Trung Quốc rất khác biệt vì nước này đang chịu các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ, đồng thời Bắc Kinh kiểm duyệt nội dung gắt gao và quản lý dữ liệu chặt chẽ. Bên cạnh đó, sự e dè của phương Tây đã cản trở tham vọng tiến ra thị trường toàn cầu của các tập đoàn công nghệ lớn Trung Quốc. Tất cả những điều đó báo hiệu nỗ lực của Trung Quốc nhằm bắt kịp Mỹ trên đấu trường AI sẽ trở nên cam go hơn.

Đầu tư vào AI của Mỹ vượt xa Trung Quốc, với tổng trị giá 26,6 tỉ đô la trong năm, tính đến giữa tháng 6 so với 4 tỉ đô la của Trung Quốc, theo dữ liệu của Công ty tư vấn Preqin.

Dù vậy, khoảng cách đó đang dần được thu hẹp, ít nhất là về số lượng các giao dịch đầu tư. Số lượng các giao dịch đầu tư vốn mạo hiểm của Trung Quốc trong lĩnh vực AI tương đương 2/3 của tổng số lượng 447 giao dịch đầu tư ở Mỹ trong năm tính đến giữa tháng 6. cải thiện so với khoảng 50% trong hai năm trước.

Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đang nhận ra rằng, cũng như bán dẫn, lĩnh vực AI đóng vai trò then chốt để duy trì sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ có thể huy động các nguồn lực của đất nước để thúc đẩy AI phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Mỏ vàng tiềm năng

Trong kỷ nguyên di động, một thế hệ các công ty khởi nghiệp dưới sự dẫn dắt của Tencent, Alibaba Group và ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, đã xây dựng một ngành công nghiệp thực sự cạnh tranh ngang ngửa với Thung lũng Silicon. Họ đã khiến Facebook, YouTube và WhatsApp bị loại bỏ khỏi một thị trường đang bùng nổ với 1,4 tỉ người. Vào một thời điểm trong năm 2018, vốn đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc thậm chí chuẩn bị vượt Mỹ. Nhưng cuộc chiến thương mại sau đó với Mỹ đã làm trì trệ thêm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Tình huống các công ty trong nước phát triển mạnh khi các đối thủ Mỹ vắng mặt có thể lặp lại một lần nữa trên đấu trường AI, nơi ChatGPT và Bard của Google trên thực tế đang bị cấm ở Trung Quốc.

Các mô hình AI lớn cuối cùng có thể vận hành giống như hệ điều hành điện thoại thông minh Android và iOS, vốn cung cấp nền tảng để Tencent, ByteDance và Ant Group xây dựng mạng xã hội, ứng dụng tạo và chia sẻ video ngắn và ví thanh toán di động. Các dịch vụ AI tạo sinh sẽ giúp tăng tốc độ xuất hiện của các nền tảng mới để vận hành những ứng dụng mang tính cách mạng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đó là một mỏ vàng tiềm năng cho một ngành vừa mới nổi lên sau khi các ông lớn công nghệ Trung Quốc chịu  tổn thương từ chiến dịch chấn chỉnh internet kéo dài hai năm của Bắc Kinh.

“Cuộc chạy đua về AI đang diễn ra ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Lĩnh vực AI tạo sinh tạo cơ hội thị trường ước tính 800 tỉ đô la trên toàn cầu trong thập niên tới nhưng mới chỉ trong giai đoạn đầu của sự phát triển”, Daniel Ives, nhà phân tích cấp cao của Wedbush Securities, nhận định.

Cơ hội ngàn năm

Quyết tâm bắt kịp OpenAI thể hiện rõ ràng trong những tháng qua khi những công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, từ Baidu, SenseTime cho đến Alibaba lần lượt tung ra các chatbot AI.

Tham gia cùng họ là một số tên tuổi đình đám trong ngành, gồm Wang Changhu, cựu giám đốc phòng thí nghiệm AI của ByteDance, Zhou Bowen, cựu chủ tịch bộ phận AI và điện toán đám mây của JD.com, tỉ phú Wang Huiwen, đồng sáng lập nền tảng giao đồ ăn và dịch vụ theo yêu cầu Meituan và nhà đầu tư mạo hiểm Kai-fu Lee.

Hồi tháng 2, Wang Huiwen thành lập startup AI, có tên gọi Guannian Zhiwai nhằm chạy đua phát triển các dịch vụ như ChatGPT. Ông tiết lộ đã rót 50 triệu đô la vào startup này để nắm giữ 25% cổ phần. Đến tháng 3, tỉ phú Wang Xing, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch của Meituan, tuyên bố sẽ rót vốn trong vòng gọi vốn Series A của Guannian Zhiwai. Hãng tin Bloomberg hôm 29-6 đưa tin, Meituan đã đồng ý mua lại Guannian Zhiwai với giá gần 234 triệu đô la.

Zhang Yaqin, cựu chủ tịch Baidu, hiện là hiệu trưởng Viện Nghiên cứu công nghiệp AI của Đại học Thanh Hoa, ước tính có khoảng 50 công ty đang phát triển các LLM trên cả nước. Wang Changhu, cựu trưởng nhóm nghiên cứu tại Microsoft Research, cho biết hàng chục nhà đầu tư đã tiếp cận ông chỉ trong một ngày khi ông chuẩn thành lập công ty khởi nghiệp về AI tạo sinh.

“Đây cơ hội ngàn năm có một để các công ty khởi nghiệp tạo ra những công ty có thể sánh ngang với những gã khổng lồ công nghệ”, Wang Changhu nói.

Tuy nhiên, các bản demo chatbot AI của Trung Quốc cho đến nay cho thấy rõ ràng chúng còn một chặng đường dài phía trước để bắt kịp ChatGPT. Những người hoài nghi lập luận rằng sự kiểm duyệt gắt gao của giới chức trách ở Trung Quốc có nghĩa là các tập hợp dữ liệu để phát triển LLM ở Trung Quốc sẽ bị hạn chế.

“Chế độ kiểm duyệt của Bắc Kinh sẽ khiến các ứng dụng giống như ChatGPT của Trung Quốc gặp bất lợi nghiêm trọng so với các ứng dụng tương tự ở Mỹ, Xiaomeng Lu, giám đốc tư vấn địa công nghệ của Eurasia Group, nhận định.

Vấn đề khác không kém phần quan trọng là Washington đã cấm Nvidia và Advanced Micro Devices bán sang Trung Quốc những các con chip có công suất tính toán mạnh mẽ nhất, rất cần thiết để đào tạo. Chính quyền Tổng thống Joe Biden thậm chí đang xem xét thắt chặt các hạn chế, có thể khiến Nvidia bị cấm bán những con chip kém hiệu năng hơn cho các khách hàng Trung Quốc.

Robin Li, tỉ phú sáng lập Baidu, người đã ra mắt chatbot Ernie để cạnh tranh với ChatGPT hồi tháng 3, cho biết Mỹ và Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba sức mạnh điện toán của thế giới. Nhưng ông cho rằng chỉ nắm lợi thế về điện toán thôi sẽ không tạo nên sự khác biệt vì “sự đổi mới không phải là thứ bạn có thể mua được”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới