Thứ Tư, 2/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nga gia tăng kiểm soát nguồn cung lúa mì toàn cầu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nga siết chặt kiểm soát nguồn cung lúa mì của thế giới kể từ sau cuộc xung đột với Ukraine. Điều này giúp củng cố vai trò cung cấp lương thực toàn cầu của Điện Kremlin để tranh thủ sự hỗ trợ chính trị đồng thời bảo đảm một nguồn thu ngoại tệ đáng kể.

Lúa mì được thu hoạch trên một cánh đồng gần làng Solyanoye ở vùng Omsk, Nga. Ảnh: Reuters

Với tình hình chính trị nội bộ của Nga đang xáo trộn sau một cuộc binh biến bị dập tắt chóng vánh vào cuối tuần trước, và vị thế quốc tế của nước này bị tổn hại do chiến tranh, ngũ cốc vẫn là nguồn lực giúp Moscow mở rộng ảnh hưởng ở thị trường trong và ngoài nước.

Nhờ một vụ mùa lúa mì bội thu khác ở những vùng đất nông nghiệp màu mỡ như khu vực Bắc Kavkaz, Nga dự kiến cung cấp 20% sản lượng lúa mì xuất khẩu của toàn cầu trong niên vụ bắt đầu từ ngày 1-7, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Ngược lại, Ukraine sẽ chứng kiến thị phần xuất khẩu lúa mì trên toàn cầu giảm một nửa so với mức trước chiến tranh, xuống còn khoảng 5% do hoạt động sản xuất suy giảm trong bối cảnh nhiều cánh đồng đang bị gài mìn và và chuỗi hậu cần bị phá vỡ.

Sức mạnh thị trường ngày càng tăng của Nga trong lĩnh vực xuất khẩu lúa mì là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn. Các công ty kinh doanh ngũ cốc quốc tế như Cargill (Mỹ) đã rời Nga sau khi đối mặt với áp lực phải san sẻ thị phần xuất khẩu lúa mì của Nga cho các công ty trong nước. Những thay đổi này đã gia tăng quyền kiểm soát của các công ty trong nước và có khả năng giúp họ xuất khẩu lúa mì được trồng trên những phần lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng dễ dàng hơn. Vì vậy, quyền lực chi phối giá cả lúa mì của Moscow trên thị trường quốc tế tăng lên.

“Lúa mì không chỉ là nguồn cung lương thực quan trọng cho người Nga, mà còn là mặt hàng xuất khẩu chính giúp tăng cường sức mạnh mềm của Nga. Moscow hiểu rõ những lợi thế khi trở thành nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới”,  Scott Reynolds Nelson, giáo sư lịch sử của Đại học Georgia (Mỹ), nói.

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, Nga đã xuất khẩu khoảng 10 tỉ đô la Mỹ ngũ cốc vào năm 2021. Con số đó thấp hơn với doanh số xuất khẩu khổng lồ của Nga ở các mặt hàng năng lượng. Tuy nhiên, tầm quan trọng của vai trò nhà cung cấp lương thực chính của thế giới vượt xa thu nhập đơn thuần. Những khách hàng mua ngũ cốc của Nga nhiều nhất là các nước ở Trung Đông và Bắc Phi. Họ đã không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây và phản đối trực tiếp Nga tại Liên hợp quốc về cuộc xung đột ở Ukraine.

“Nga muốn giữ cho Nam bán cầu đứng về nước này”, Christopher Granville, giám đốc của Công ty nghiên cứu TS Lombard, nhận định,

Chiến lược lúa mì của Nga vẫn còn con đường quen thuộc: chiếm lĩnh thị phần và sau đó sử dụng đòn bẩy đó để gây ảnh hưởng.

Trong khi đó, thỏa thuận về hành lang an toàn để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen một lần nữa đang bị đe dọa.

Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông đang xem xét rời bỏ thỏa thuận.

“Chúng tôi đang suy nghĩ về cách chúng tôi có thể thoát khỏi cái gọi là thỏa thuận ngũ cốc này”, Tổng thống Putin nói, đồng thời thêm rằng Nga đã tán thành thỏa thuận đó để hỗ trợ các nước đang phát triển, và để phương Tây chấm dứt các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành nông nghiệp Nga. Các sản phẩm nông nghiệp của Nga không bị trừng phạt trực tiếp, nhưng đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào các ngân hàng Nga đã gây ra các vấn đề về tài chính và hậu cần cho các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Nga.

Nhờ vụ thu hoạch bội thu hiện tại, Nga dự kiến xuất khẩu khối lượng lúa mì kỷ lục trong năm thứ hai liên tiếp. Vụ mùa bội thu và lượng hàng tồn kho lớn khiến giá lúa mì sụt giảm, đặc biệt là do Nga tính giá thấp hơn so với các nhà sản xuất lớn khác. Nhưng Moscow đang tìm cách hạn chế các chiết khấu giá lúa mì và giành quyền kiểm soát lớn hơn đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Năm ngoái, thống đốc ở các vùng sản xuất ngũ cốc lớn của Nga, cũng như các doanh nhân quyền lực trong ngành tài chính và phân bón đã thúc giục Điện Kremlin áp đặt các giới hạn đối với vai trò của các công ty nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga.

Hồi tháng 3, Cargill và Viterra (Canada), hai trong số những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất của Nga, quyết định chấm dứt các hoạt động ở Nga. Louis Dreyfus Co., công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp của Pháp, cũng sẽ rời Nga vào tháng 7 tới. Sự ra đi của các công ty phương Tây là cơ hội để các thương nhân trong nước gia tăng quyền kiểm soát thị trường lúa mì.

Theo các nguồn thạo tin, Nga đang cố gắng thiết lập một mức giá sàn đối với lúa mì xuất khẩu. Trong tháng này, Bộ  Nông nghiệp Nga được cho là đề xuất các nhà xuất khẩu không bán lúa mì dưới 240 đô la/tấn.

Việc thiết lập mức giá sàn như vậy sẽ hỗ trợ những nông dân Nga vốn đang gặp khó khăn trong việc bảo dưỡng máy kéo và tìm lao động trong bối cảnh nhân lực được huy động cho cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng lúa mì là mặt hàng dễ biến động và Nga đã buộc hạ giá sàn không chính thức từ mức 275 đô la/tấn vào tháng 3 sau khi giá lùa mì tại châu Âu giảm.

Hélène Duflot, nhà phân tích thị trường ngũ cốc của Strategie Grains, nói: “Nga không có lựa chọn nào khác ngoài phải hạ giá lúa mì trước áp lực thị trường”.

Dù vậy,  Nga vẫn nỗ lực gây ảnh hưởng lên thị trường lúa mì. Một thương nhân đã chào bán ngũ cốc của Nga cho Ai Cập trong tháng này với giá quá thấp. Các nguồn tin cho biết Bộ Nông nghiệp Nga không phê duyệt lô hàng xuất khẩu này.

Eduard Zernin, người đứng đầu Liên minh các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Nga, cảnh báo Nga sẽ không bán lúa mì với “mức giá không hợp lý về mặt kinh tế”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới