Giá cà phê: Ai mong đáy, ai chờ đỉnh?
Nguyễn Quang Bình
(TBKTSG Online) - Giá nội địa vững nên xuất khẩu mạnh. Quí 1-2012, nước ta xuất bình quân mỗi tháng 170 ngàn tấn cà phê, gấp đôi lượng cần của rang xay thế giới. Tháng 4-2012 ước cũng xấp xỉ 160 ngàn tấn. Đó là nguyên nhân chính làm giá cà phê nội địa vừa qua không tăng. Vậy, nên chấp nhận giá hiện nay để tiếp tục xuất khẩu mạnh; hay muốn có giá tốt hơn thì phải hãm xuất khẩu?
Biểu đồ 1: Giá đóng cửa robusta NYSE Liffe trong tuần (tác giả tổng hợp) |
Liệu giá lội ngược dòng?
Từ khi cà phê niên vụ cà phê 2011/12 ra rộ đến nay, thị trường từng chứng kiến quá nhiều lần giá cà phê nhân xô tại các vùng nguyên liệu mới nhớm lên quanh mức 40.000 đồng/kg rồi lại trượt xuống nhanh. Cũng dễ đã năm sáu bận. Song, nhiều người còn giữ cà phê trong nước hiện vẫn tin tưởng giá cà phê nay mai sẽ vượt qua khỏi mức ấy và vươn lên chí ít mức 45.000 đồng/kg , nếu không chạm được mức kỷ lục năm 2011, chừng 52.000 đồng/kg. Ai còn giữ hàng đều có quyền tin giá tăng.
Như trong tuần vừa qua, giá cũng chỉ quanh mức cao nhất 40.000 đồng rồi lại xuống nhanh. Đến khuya hôm qua, thị trường kỳ hạn robusta Liffe NYSE giao dịch tăng mạnh, có khi giá tháng 7-2012 lên đỉnh 2.070 đô la để đóng cửa tăng 33 đô la, chốt mức 2.056 đô la/tấn, đã kéo giá cà phê nội địa lên mức 40.100 đồng sáng nay 21-4.
Rõ ràng, nhiều người đang ngóng giá sẽ tăng cao hơn. Nhưng hình như mức 40.000 đồng là mức giá định mệnh cho niên vụ này?
Đến nay, thị trường có thể hiểu tại sao giá cứ lẹt đẹt không tăng quá mức ấy. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu chừng 500.500 tấn cà phê nhân. Vậy, cứ mỗi tháng, ta xuất khẩu chừng 170.000 tấn, gấp đôi nhu cầu thực của rang xay cần.
Như thế, trong thời gian qua, hãy tạm hiểu rằng nông dân đã hài lòng với mức chung quanh 39.000 đồng/kg để bán mạnh cho xuất khẩu.
Tuần qua, một số trang thông tin cà phê cá nhân cũng đưa tin rằng Volcafe, một hãng kinh doanh cà phê Thụy Sỹ, ước Việt Nam đã bán ra chừng 70% cà phê sản lượng niên vụ này, theo họ là chừng 1,32 triệu tấn. Nếu như ước báo này là đúng, thì bán cho xuất khẩu ồ ạt trong thời gian vừa qua là chính nguyên nhân để giá nội địa không thể vươn cao hơn.
Ngược lại, xét về mặt quản lý, đây cũng là điều đáng mừng vì đã có trên 2/3 sản lượng đã được bán với giá “không hề tồi” trong hoàn cảnh cà phê có sản lượng lớn.
Cũng cần nói rằng, hiện nay, hầu hết những người còn giữ hàng chủ yếu thuộc thành phần “đầu tư”, gom mươi hay vài mươi tấn trữ đợi giá lên cao hơn để bán ra kiếm lãi. Còn tuyệt đại đa số nông dân đã bán hết sản lượng của mình.
Hãy nghe bạn đọc Trường Tùng ở tỉnh Đắc Nông giải bày trên một trang tin thị trường hôm 20-4: “Nông dân còn cà phê đâu nữa mà găm hàng! Bây giờ, chỉ có đại lý thu mua và các nhà đầu cơ nhỏ lẻ đã trót mua cà phê từ đầu vụ với giá 39.000 – 41.000 đồng/kg nay cầm cự chờ giá lên đôi chút để xuất hàng thu hồi vốn”
Tồn kho robusta tại Liffe NYSE giảm ít dần
Một trong những lý do nữa để nhiều người mong giá tăng mạnh trong thời gian này là tồn kho tại các nước tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, theo con số thống kê mới ra đầu tuần này, tính đến hết ngày 16-4, tồn kho robusta được Liffe NYSE xác nhận giảm thêm 6.840 tấn chỉ còn 3,03 triệu bao so với đỉnh gần 6,9 triệu bao vào đầu tháng 7-2011.
Nhưng, nếu tính trong vòng 1 tháng qua, lượng tồn kho robusta này cũng giảm rất nhẹ, chỉ 10.590 tấn. Lượng xuất khẩu cà phê của ta vẫn là lớn chủ đạo và góp phần giúp giảm tiêu thụ hàng tại các kho Liffe NYSE (xin xem biểu đồ 2 phía dưới).
Biểu đồ 2: Tồn kho robusta certs tiếp tục giảm (tác giả tổng hợp) |
Cho nên, cũng dễ hiểu tại sao tồn kho giảm, giá cà phê trên sàn kỳ hạn và tại các vùng nguyên liệu vẫn không lên như kỳ vọng của những người còn giữ hàng.
Giá nội địa cao nhờ trừ lùi tốt
May mà giá xuất khẩu dựa trên cơ sở giá chênh lệch với giá niêm yết sàn kỳ hạn cà phê robusta Liffe NYSE từ đầu niên vụ đến nay rất vững. Cho đến ngày cuối tuần hôm qua, giá loại 2, 5% đen vỡ vẫn giữ mức chung quanh trừ 20-30 đô la/tấn dưới giá tháng 7-2012 Liffe NYSE.
Ở những năm trước, mức giá này thường phải trừ một vài trăm đô la/tấn. Nếu như quay lại với mức giá xuất khẩu thấp như cũ, giá nội địa hiện nay may lắm chỉ chừng 35.000-37.000 đồng/kg.
Với mức giá xuất khẩu thế này, ý định của các nhà đầu cơ mua hàng găm trên sàn như trong các vụ cũ đều bị bẻ gãy. Vì, giá loại 2 theo tiêu chuẩn khó hơn của Liffe NYSE cũng chỉ bán được mức chuẩn trừ 30 đô la/tấn dưới giá Liffe NYSE cho giao hàng tại các kho của sàn này chỉ định tại châu Âu.
Nếu họ mua hàng loại 2, 5% đen vỡ của ta, một mặt không đạt theo yêu cầu chất lượng của Liffe NYSE, một mặt họ phải tốn các chi phí chuyên chở, dịch vụ, tồn kho, lãi vay ngân hàng...và nhiều khoản chi phí khác.
Do không găm hàng được trên sàn kỳ hạn, cơ hội để đầu cơ tạo những cơn sốt thiếu hàng giả tạo và cục bộ để đẩy giá lên cao như “vắt giá” trong những tháng trước sẽ bị hạn chế dần. Ngay tại thời điểm sau đóng cửa khuya hôm qua, hiện tượng “vắt giá” tháng 7 cao hơn tháng 9-2012 đang xảy ra. Song, đợt vắt này chưa ảnh hưởng đến giá. Có thể đây chỉ là chiêu làm giá cho cơ hội bán giá cao tại sàn và tiếng kèn giục các hãng kinh doanh kéo hàng nhanh về kho châu Âu.
Giá sẽ trầm nếu…
Theo kịch bản này, nếu như Brazil có sương giá, nếu như đầu cơ lại dồn tiền "đánh" trên sàn Liffe NYSE thì rõ ràng khỏi phải nói giá có khả năng tăng mạnh. Nhưng nếu nhìn với con mắt mua bán bình thường trên cơ sở thị trường giá cả hiện nay, giá không dễ tăng đột biến trong những ngày tới. Cơ hội “làm bàn” của đầu cơ đến nay càng ngày càng ít đi, trong khi các sàn giao dịch đang siết dần lượng mua bán của đầu cơ trên sàn. Vì thế, ta thấy arabica Ice New York đã mất từ trên 300 cts/tấn nay chỉ còn quanh 180 cts/lb, giảm mất cả trên 40% giá trị hợp đồng.
Biểu đồ 3: Giá cách biệt 2 arabica/robusta xuống đáng ngại (tác giả tổng hợp). |
Rất có thể nay mai, giá chênh lệch so với giá niêm yết trong xuất khẩu cũng sẽ thấp hơn. Nên, giá càng tăng, mức xuất khẩu theo giá trừ lùi sẽ vì thế mà giãn ra và hệ quả đưa đến cho giá nội địa sẽ tiêu cực.
Trong kinh doanh cà phê chuyên nghiệp, giá niêm yết trên sàn Liffe NYSE là quan trọng nhưng không phải là cái được quan tâm nhất. Giá chính yếu trong giao dịch hàng ngày của dân chuyên nghiệp thường dựa trên mức trừ lùi. Còn ai đầu cơ mới quan tâm đến giá nhảy lên rớt xuống trên sàn từng phút từng giây. Chính vì vậy, nếu giá ngày mai có xuống hay lên so với hôm nay 1.000 đô la/tấn cũng ít ảnh hưởng đến hoạt động mua bán của người chuyên nghiệp.
Mặt khác, trong khi nhiều người đang mong bán cà phê robusta với giá cao hơn, thì Brazil đang đẩy ra thị trường một lượng hàng arabica khá lớn. Hệ quả là giá cách biệt giữa arabica và robusta trên 2 sàn giao dịch cà phê xuống rất nhanh và nay chỉ còn chừng 1.800 đô la/tấn, so với ngày 5-9-2011 là trên 4.100 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 3 phía trên).
Trong tuần qua, Morgan Stanley, một hãng đầu tư tầm cỡ có trụ sở tại Mỹ đưa ra dự báo rằng do lượng cà phê arabica từ Brazil và robusta từ Việt Nam sắp tới sẽ đủ để giá khó có cơ hội tăng mạnh. Thang điềm tối đa của hãng này cho từng loại hàng hóa là 6 điểm thì vàng được đánh giá là 6 nhưng cà phê (arabica) chỉ được 3 điểm, tức trung bình yếu cho các cơ hội đầu tư.
Nếu arabica Ice New York không còn cơ hội tăng, robusta Liffe NYSE cũng phải chạy theo. Nhưng, trước mắt, giá niêm yết sẽ khó xuống sâu vì như thế sẽ gây khó cho giá trừ lùi.
Ngược lại, giá niêm yết robusta chỉ có thể tăng khi Việt Nam giảm xuất khẩu thực sự. Nếu như trong nửa năm cuối vụ, cứ tháng nào cũng xuất khẩu nhiều và đều như 6 tháng đầu vụ này thì khỏi nói gì đến đỉnh, mà chỉ chờ thảm họa xảy ra sớm, trước khi hạt cà phê niên vụ mới được chào bán.