Giá cà phê xuống vì ai?
Nguyễn Quang Bình
(TBKTSG Online) - Hết một tuần, giá kỳ hạn mất 60 đô la/tấn. Giá nội địa giảm cả 1000 đồng/kg. Tuy nhiên, khó để đoán được hướng giá nay mai, khi mà thị trường đang chuyển dần qua kinh doanh theo tin đồn thời tiết. Đây là giai đoạn đục nước béo cò cho các tay đầu cơ trên thị trường hàng hóa. Song, thị trường tốt hay xấu, nhiều nhà xuất khẩu cà phê nước ta cũng chào thua.
Biểu đồ 1: Giá đóng cửa robusta NYSE Liffe trong tuần (tác giả tổng hợp) |
Giá lại giật lùi
Chẳng cần tiên đoán này nọ, khỏi phải cãi cọ này kia, hễ giá cà phê nhân xô nội địa tăng lên quanh mức 40.000 đồng/kg là y như rằng sau đó một vài ngày giá niêm yết trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE và giá nội địa xuống nhanh.
Đường đi của giá kỳ hạn (xin xem biểu đồ phía trên) và của giá nội địa chứng minh rõ điều ấy. Nếu như cuối tuần trước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên phóng lên nhanh mức trên 40.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn chừng 39.300 đồng/kg.
Giá nội địa theo rất sát giá niêm yết và “mè nheo” giá niêm yết đến mức khổ sở. Thực vậy, tuần qua, giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE trượt dài, ngày một ít, dù trong giai đoạn ngắn ngủi ấy, vẫn đã từng có cơ hội tăng khi arabica Ice New York lên cực mạnh.
Giá xuống, nhiều người cứ tưởng đầu cơ trên sàn gây hại nhưng hiện tượng giá rớt trong tuần này chính là “gậy ông đập lưng ông”.
Cuối tuần trước, giá đóng cửa kỳ hạn tăng lên mức 2.056 đô la/tấn cơ sở tháng 7-2012, nên giá cà phê nhân xô đã đứng rất vững trên mức 40.000 đồng/kg. Sức bán quá mạnh những ngày cuối tuần trước, rồi sợ giá rớt, người còn hàng tranh thủ đưa hàng ra bán tiếp, lượng hàng bán cứ thế tăng dần. Người mua buộc phải đưa hàng lên sàn kỳ hạn bán phòng hộ.
Càng bán bao nhiêu, giá yếu dần bấy nhiêu. Hệ quả nhãn tiền là giá đóng cửa kỳ hạn tuần này bị bào mòn dần từ 2.056 đô la nay chỉ còn 1.996 đô la/tấn, mất 60 đô la/tấn chỉ sau 5 ngày giao dịch.
Hướng giá thế giới vẫn chập chờn
Biểu đồ 2: Giá niêm yết robusta Liffe NYSE biến động theo thời tiết (nguồn: NewEdge) |
Thường thường, đến giai đoạn này, nhiều người có hàng bắt đầu trông mong thị trường chuyển qua giao dịch theo “thời tiết”. Hàng năm, từ tháng 5 trở đi, các thị trường kỳ hạn cà phê hay dao động dữ dội do Brazil vào mùa lạnh. Khả năng vườn cây Brazil bị rét đậm rét hại phá hoại gây ảnh hưởng sản lượng cho niên vụ sau.
Chính vì thế, đầu cơ thường sử dụng các bản tin thời tiết để tạo sóng trên sàn. Theo dòng lịch sử từ 1997 và 2007 đến 2011, giá trong giai đoạn cuối tháng Tư hàng năm có khuynh hướng xuống để chuẩn bị cho một thời kỳ chao đảo theo tin “thời tiết” (xin xem biểu đồ 2 phía trên). Song, năm nay, ngoài tin giá lạnh tại Brazil, giá hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng ắt có nhiều chuyện khác. Dù biết rằng đã trên cả chục năm nay, tại Brazil không hề có rét đậm rét hại mà chỉ đồn đoán thất thiệt.
Biểu đồ 3: Chỉ số rỗ hàng hóa CRB với đô la Mỹ (nguồn: NewEdge) |
Khủng hoảng nợ châu Âu và suy thoái kinh tế Mỹ đang ngày càng gây ảnh hưởng đến khuynh hướng giá hàng hóa, trong đó có cà phê. Biến động giá trên thị trường đôi khi không phụ thuộc vào cung - cầu hay thời tiết mà còn chịu tác động trực tiếp từ cách điều hành vĩ mô của hai khối kinh tế lớn hai bên bờ Đại Tây dương là Mỹ và châu Âu.
Theo lẽ thường, mỗi khi chỉ số giá đô la Mỹ tăng, giá hàng hóa giảm, và ngược lại (xin xem biểu đồ 3 phía trên).
Thế nhưng, trong những ngày này, chỉ số giá của 2 rổ hàng hóa CRB và đô la Mỹ đang “chạm nhau”, không nói được khuynh hướng thị trường rõ ràng. Thực vậy, các chỉ số quan trọng này đã để lại cho người kinh doanh hàng hóa “quyền chọn hướng” giá tăng hay giảm trong những ngày tới.
Tính đến cuối phiên giao dịch hôm qua 27-4. Chỉ số đô la Mỹ chỉ còn 78,76, giảm 0,24 điểm nhưng mất hết 2,00 điểm tính từ đỉnh ngày 16-4, chỉ cách đây chừng nửa tháng. Trong khi đó, chỉ số CRB tăng 2,23 điểm lên 305,51 điểm. Và các chỉ số này đang giao nhau một cách khó xủ đối với ai kinh doanh hàng hóa.
Con khóc, mẹ không biết cách cho bú
Tuần qua, thị trường cà phê nội địa lại nóng lên lại với nhiều thông tin vỡ nợ hàng loạt tại các các tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Một tờ báo tại TPHCM đưa tin trong 2 năm 2011-2012, có ba nữ giám đốc của 3 công ty cung ứng cà phê xuất khẩu tại tỉnh mới Đắc Nông đã vay mua bán cà phê lên đến cả 1.000 tỉ đồng, nay thua lỗ hơn một nửa vốn vay, hết khả năng chi trả lên đến 560 tỉ đồng.
Trước đó, thông tin nhiều công ty cà phê lớn đã ngã quỵ và để lại số lỗ vốn hàng ngàn tỉ đồng. Một điều nghịch lý là trong thời gian qua, giá cà phê tăng khá thuận lợi và đã qua nhiều năm, thị trường nằm hoàn toàn trong tay người bán.
Có nghĩa rằng do điều kiện hàng hóa, người bán chi phối thị trường từ khâu chào giá, giao hàng…Tất cả hầu như đều ở thế thượng phong so với người mua. Thế mà, như một trận bóng đá, nhiều cầu thủ là là công ty xuất khẩu lớn lại phải để thủng lưới nặng nề.
Thế nhưng, ở những giai đoạn gay go và khó khăn này, vai trò hỗ trợ, tư vấn… của Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) hầu như mờ nhạt.
Đã có quá nhiều mất mát, rủi ro trong kinh doanh cà phê. Lượng tiền mất do thua lỗ cả nhiều ngàn tỉ đồng và tạo thành gánh nặng thực sự cho nhiều địa phương với những hệ lụy an sinh xã hội của nó.
Vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã có văn bản số 2583/NHNN-TD ký ngày 27-4-2012 yêu cần các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin về tình hình cho vay trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê.
Thiết nghĩ, nên xem đây là một đợt kiểm soát cần thiết tuy đã trễ vì mất mát tiền của nay đã quá lớn.
Thực ra, trong quá trình hoạt động, một vài nhân vật trong và ngoài Vicofa cũng đã có yêu cầu Chính phủ can thiệp, các ngân hàng tăng tín dụng, giảm lãi suất cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê.
Nhưng xem ra, càng bơm tiền vào bao nhiêu càng mất bấy nhiêu. Nói cho công bằng, may mà các nhà xuất khẩu cà phê của ta không có tiền nhiều, chứ nếu có càng nhiều càng mất nhiều hơn.
Thị trường bán ra hoàn toàn thuận lợi. Thuận lợi không nằm ở túi nhỏ túi to. Thế mà nhiều nhà xuất khẩu phải quẳng nón ra đi khỏi thị trường.
Cơ hội tái cấu trúc ngành cà phê đang rõ ràng hơn bất kỳ ở đâu. Tiền nhiều, kinh doanh chạy theo số lượng, “vị danh hơn vị thực chất” xem ra không còn chỗ đứng. Còn lãnh nhiệm vụ đứng mũi chịu sào như Vicofa, các nhà xuất khẩu cà phê trông chờ như "con khóc nhưng mẹ không biết đường nào để cho bú".