Thị trường cà phê: đường chia hai lối
Nguyễn Quang Bình
(TBKTSG Online) - Thế giới và thị trường tài chính chộn rộn chuyện “ở hay đi” khỏi eurozone của Hy Lạp. Giá cổ phiếu và hàng hóa xuống mạnh. Sàn kỳ hạn cà phê robusta đứng trước bão, vẫn trụ được. Nhưng, với giá cà phê arabica rớt, liệu sàn robusta sau này phải trút lại hầu bao? Giá cách biệt giữa 2 loại arabica và robusta co lại mạnh, đang đặt nhiều vấn đề lớn cho thị phần hàng robusta nay mai.
Hai anh em: đường ai nấy đi
Bấy nay, giá 2 thị trường kỳ hạn cà phê robusta Liffe NYSE và arabica Ice rất nhiều khi, nếu không muốn nói là hàng ngày, đi sóng đôi với nhau. Thường là, khi sàn arabica Ice giảm hay kéo theo robusta Liffe NYSE yếu và ngược lại. Thế mà, từ nửa đầu tháng 2-2012 đổ lại đây, giá sàn hàng hóa cà phê arabica mỗi ngày một suy sụp trong khi giá sàn robusta mỗi lúc một tăng tốt.
Biểu đồ 1: So sánh giá 2 sàn kỳ hạn cà phê robusta Liffe NYSE và arabica Ice (ft.com) |
Cũng cần nhắc lại, những niên vụ trước năm 2008, hàng năm Colombia xuất khẩu chừng từ 10-12 triệu bao (bao 60 kg) cà phê arabica loại chế biến ướt, mẫu mã sạch đẹp, nên dễ đạt chất lượng theo yêu cầu của sàn arabica.
Từ 3 năm nay, do dịch bệnh và thời tiết không thuận lợi, sản lượng arabica Colombia đã liên tục mất, có khi chỉ còn quanh mức 7 triệu bao với chất lượng xấu.
Arabica chính là loại cà phê quyết định mùi vị của ly cà phê trong khi robusta thường được trộn hay sử dụng làm cà phê hòa tan.
Thiếu loại hàng tốt và quyết định chất lượng, giá arabica trên sàn Ice không ngừng tăng mạnh. Nên, có lúc giá arabica Ice tăng trên 6.600 đô la Mỹ/tấn (300 cts/lb) như cuối tháng 5-2011.
Ngay cả đến đầu tháng 9-2011, giá arabica vẫn còn trên 6.000 đô la/tấn, đồng thời điểm ấy giá robusta Liffe NYSE chỉ chừng 2.150 đô la/tấn. Bấy giờ, nhiều người đã bán khống vì cứ nghĩ nông dân Việt nam phải bán ra do sản lượng lớn. Giá robusta bị ép xuống.
Giá arabica cao trong khi giá robusta hạ, đã làm giá cách biệt (arbitrage) của 2 sàn này càng lúc càng giãn ra xa. Nhớ tại thời điểm đầu tháng 9-2011, giá cách biệt này có lúc đạt mức 4.100 đô la/tấn hay tương đương với 185 cts/lb.
Từ đầu tháng 2-2012 trở lại đây, sự thế thay đổi. Giá sàn arabica Ice rớt liên tục và cơ hồ chưa kéo lên được thì ngược lại giá sàn robusta Liffe tăng vững chải (xin xem biều đồ 1 phía trên).
Sau khi đã thử sức nhiều lần, kể cả đợt trước Tết, người bán từ Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu robusta số 1 thế giới, chỉ bán hàng tháng một lượng vừa phải tuy con số thường trên 130.000 - 150.000 tấn/tháng chứ không bán tháo ồ ạt như trước đây. Thế là thị trường buộc phải lên, buộc phải tạo “vắt giá” để kéo hàng về kho Liffe NYSE cho an toàn.
“Vắt giá” là hiện tượng làm giá đảo chiều, thay vì giá giao dịch tháng thanh lý hợp đồng xa thường thấp hơn tháng gần, thì nay ngược lại.
Trong những ngày gần đây, tin sản lượng vụ đang ra của Brazil cực lớn, dao động từ 50-56 triệu bao tùy theo từng đơn vị nghiên cứu khác nhau; rồi tin sản lượng Colombia sẽ gượng dần lên 8,5 đến 9 triệu bao nay mai…đã làm cho giá trên sàn arabica xuống nhanh; cộng hưởng với đồng nội tệ real (BRL) của Brazil mất giá liên tục, từ 1 đô la ăn 1,7 BRL nay đã có lúc xuống 2,0 BRL. Đồng BRL xuống giá đã ít nhiều kích thích xuất khẩu.
Phía robusta, giá tăng thì bán, nếu giảm ngồi chờ. Nhờ vậy, giá robusta trên sàn được giữ vững. Không ngoa để nói rằng tuy cùng chung mặt hàng cà phê, nhưng hai sàn “đường chia hai lối”!
Giá cách biệt: bất thường và bình thường
Trong những ngày này, do thời tiết bất lợi, các nước sản xuất robusta như Indonesia và ngay cả một số vùng Brazil hàng vẫn chưa ra nhiều được. Trong khi đó, người bán ra từ Việt Nam vẫn bán ra với thái độ rất chững chạc và thận trọng do đang trong giai đoạn cuối mùa. Nên, cách bán này đã giúp cho giá robusta vững thêm so với giá arabica.
Biểu đồ 2: Mức cách biệt giá giữa 2 loại cà phê (tác giả tổng hợp) |
Đối với người kinh doanh hàng cà phê thực (physicals), giá cách biệt là một thông số cực kỳ quan trọng, đôi khi nó quán xuyến cho cả một giai đoạn mua bán và đầu tư khá dài.
Từ mấy năm nay, thiếu hụt sản lượng cà phê Colombia và tín dụng hạn chế nên không thể xuất khẩu ồ ạt từ phía Việt Nam, hai động tác này đã giúp giá cách biệt (arbitrage) có lúc giá arabica cao gấp gần 3 lần giá robusta.
Với mức cách biệt ấy, rang xay buộc phải chọn hàng robusta loại tốt để thay dần arabica giá mắc và giảm giá thành. Nên, robusta trong thời gian qua đã có sức hấp dẫn đặc biệt của thị trường. Phải nói, đó là một giai đoạn bất thường. Song, đáng tiếc, điều kiện tốt như vậy cho thị trường robusta đang mất đi nhanh chóng.
Sau nhiều lần đã hạ giá, mấy ngày qua, nhiều hãng rang xay lại công bố giảm giá từ 6% đến 10% cho toàn bộ sản phẩm cà phê tại các siêu thị nhờ giá arabica giảm sâu.
Tuần này, giá sàn kỳ hạn arabica rớt mất 250 đô la/tấn và chỉ còn chừng dưới 170 cts/lb. Tin này, phần nó, gây tác động bất lợi cho giá kỳ hạn arabica tuần qua.
Sáng nay, giá cách biệt này chỉ còn 1.420 đô la/tấn. Giá arabica nay chỉ còn cao hơn giá robusta sàn Liffe NYSE chung quanh 1,65 lần (xin xem biểu đồ 2 phía trên).
Buồn thay, đây là mức cách biệt bình thường khi mà sản lượng arabica và robusta cân bằng theo tỉ lệ bình thường của chúng. Nay mai, nếu như mức này nằm yên, trong khi sản lượng robusta hay arabica của thế giới tăng vì một lý do gì đó, mức này sẽ chỉnh co lại và càng co bao nhiêu, càng bất lợi cho thị phần của hàng robusta bấy nhiêu, vì arabica quá rẻ nên rang xay mua sử dụng, kể cả mua loại xấu để sản xuất cà phê hòa tan.
Nếu giá cách biệt co lại nữa, giả sử như xuống 1,5 lần chẳng hạn, thì lại là bất thường cho thị phần hàng robusta.
Hãy cứ vui vì giá vẫn tăng
Biểu đồ 3: Giá đóng cửa robusta NYSE Liffe trong tuần (tác giả tổng hợp) |
Chiều tối hôm qua, thứ Sáu 25-5, giá robusta trên sàn Liffe NYSE có lúc dương 26 đô la. Giá tháng 7-2012 có lúc đạt 2.249 đô la/tấn. Nhờ vậy, giá nội địa có lúc được trả qua mức 43 triệu đồng/tấn, là mức cao nhất tính từ đầu niên vụ đến nay.
Cuối phiên, giá sàn kỳ hạn robusta vẫn kiên trì giữ vững so với sàn kỳ hạn arabica. Nếu như arabica có giá âm 0,50 ct/lb chỉ còn 167 cts/lb (so sánh ngay thời điểm Liffe NYSE nghỉ giao dịch), thì đóng cửa, giá kỳ hạn robusta tháng 7-2012 dương 18 đô la chốt mức 2.241 đô la/tấn. So với cuối tuần trước, giá tuần này kiếm thêm được 24 đô la.
Cấu trúc giá thị trường vẫn trong tình trạng “vắt”. Giá tháng 7-2012 sáng nay 23 đô la cao hơn giá tháng 9 và 39 đô la cao hơn tháng 11-2012, tạo thêm điều kiện gom nhanh hàng robusta đi sang các kho do Liffe NYSE chỉ định.
Nhờ giá vắt, hàng robusta Việt Nam từ 2-5 đến 24-5 đã có 12.910 tấn trong tổng số 13.100 tấn được Liffe NYSE chấp nhận đạt chất lượng (certified) theo qui chuẩn hàng hóa của sàn, đạt 98,55%.
Theo con số tuần trước, lượng tồn kho certified của Liffe NYSE chỉ còn 171.380 tấn, so với đỉnh cao gần 420.000 tấn đạt vào đầu tháng 7-2011.
Tuần qua, cả thế giới và thị trường tài chính đang chăm chăm chuyện ở hay đi khỏi các nước sử dụng đồng euro (eurozone) của Hy Lạp. Rủi ro, nên cái “rẻo” tồn kho certifieds của sàn robusta đã giúp đầu cơ tài chính đoái hoài sàn này. Có thể họ đã chuyển vốn từ các sàn khác sang đây làm nơi “trú ẩn an toàn”.
Phải chăng vì thế đầu cơ bơm tiền mua vào giúp giá kỳ hạn robusta vừa qua tăng? Phải chăng, nhờ vậy, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên sáng nay, được chào bán mức 43.100 đồng/kg, là mức cao kỷ lục của niên vụ này.