Cà phê: Giá kỳ hạn đổ đèo, giá nội địa gieo neo
Nguyễn Quang Bình
(TBKTSG Online) - Ảnh hưởng tiêu cực khá dằn dai từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã đưa thị trường hàng hóa đến chỗ khó trong những ngày qua. Niên vụ cà phê robusta Việt Nam đang trong giai đoạn cuối. Nên, vai trò đầu tàu trên thị trường kỳ hạn robusta của nước ta cũng giảm dần.
Lực bên ngoài xô giá kỳ hạn xuống
Chưa kịp quyết định, lại có ý kiến mới. Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vốn đã dằn dai, nay phải kéo dài thêm. Những cuộc thay đổi ngôi vị đứng đầu đất nước ở Pháp, Hy Lạp…qua các lần bầu cử đã kéo sợi chỉ vốn mỏng manh của tình hình tài chính khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) thành căng thẳng hơn. Các hãng đánh giá tài chính và tín dụng đều lên tiếng cảnh tỉnh các nước coi chừng bị đánh tụt hạng.
Song, eurozone vẫn chưa tìm được lối ra thích đáng. Tình hình lùm xùm ấy đã khiến thế giới lo ngại. Một số nước ngoài eurozone thấy vậy, phải đưa ra phương án chống chữa nếu đồng euro có mệnh hệ gì.
Biểu đồ 1: Trong khi chỉ số đô la Mỹ tăng, chỉ số rỗ hàng hóa CRB giảm mạnh (ABM Amro) |
Trong khi đó, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Bernanke vẫn tin tưởng nền kinh tế Mỹ trước mắt sẽ vẫn trụ được mà chưa cần bơm thêm tiền theo các chương trình hỗ trợ tài chính. Vậy là, giá trị đồng đô la Mỹ tăng lên vù vù. Trong phiên cuối tuần hôm qua, chỉ số đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng lên cận mức 83,00 trong khi giao dịch. Mức đóng cửa đạt 82,56 điểm, tăng gần 4 điểm so với đầu tháng 5-2012.
Chỉ số đô la Mỹ tăng đã đưa giá hàng hóa xuống sâu. Nếu như chỉ số rổ hàng hóa CRB và chỉ số đồng đô la Mỹ giao nhau khi CRB nằm ở khung 290-300 điểm, thì nay chỉ số hàng hóa này hôm qua đóng cửa chỉ ở mức 272,88 điểm (xin xem biều đồ 1).
Có lẽ giá hai sàn cà phê robusta và arabica bị chi phối nhiều bởi yếu tố ấy trong mấy ngày qua.
Giá sàn lọt đèo, kéo theo nội địa
Như một quy luật, hễ khi chỉ số đô la Mỹ tăng, chỉ số rổ hàng hóa CRB giảm. Nên, giá sàn kỳ hạn hàng hóa nào lấy đồng đô la Mỹ làm đồng tiền thanh toán đều chịu ảnh hưởng không chóng thì chầy, không ít thì nhiều.
Biểu đồ 2: Giá sàn robusta Liffe NYSE và arabica Ice đến hết 8-6-12 (ft.com) |
Nếu như giá sàn kỳ hạn arabica đóng tại trên đất Mỹ chịu ảnh hưởng nhãn tiền và kéo dài với giá arabica có khi xuống mức sâu nhất tính từ 23 tháng nay, thì giá robusta chịu đựng khá tốt.
Từ mức chừng 1.800 đô la/tấn, giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE đã vượt qua mức trên 2.250 đô la/tấn trong những ngày trước. Song, chỉ trong 2 ngày qua, sàn robusta phải chịu quy luật trên chi phối. Giá giao dịch tháng 7-2012 chỉ qua 2 phiên giao dịch liên tiếp mất đi 100 đô la.
Hôm qua, giá đóng cửa kỳ hạn tháng 7-2012 của sàn robusta Liffe NYSE chốt mức 2.074 đô la, giảm 84 đô la so với cuối ngày thứ Sáu tuần trước.
Sau khi đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn, nay lượng còn trong thị trường nội địa nước ta bắt đầu hiếm cho những tháng cuối vụ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của giá sàn rớt quá mạnh trong 2 ngày có thể để lại “cú sốc” trên thị trường nội địa. Giá cà phê nhân xô sáng nay tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn quanh mức 40.500 đồng, mất cả 2.000 đồng/kg so với giá giữa tuần.
Phải nói rằng còn quá sớm để đánh giá tại sao giá robusta xuống nhanh như thế trong mấy ngày qua.
Song, ngoài các yếu tố vĩ mô, có lẽ cũng nên lưu ý rằng lượng hàng còn trên thị trường trong nước ta nay không còn nhiều nên mua bán chậm lại. Vì thế, ảnh hưởng cà phê robusta của Việt nam trên sàn đang nhường dần cho các nước xuất khẩu khác.
Tại các nước sản xuất cà phê robusta lớn như Brazil và Indonesia, hàng đã và đang ra dần. Sản lượng robusta của 2 nước này cộng lại cũng không phải nhỏ, ước trên 21 triệu bao (bao 60 kg), tương đương sản lượng của cả nước ta.
Mặt khác, cơ cấu giá giữa arabica và robusta đang bất lợi cho robusta. Nên, trong điều kiện này, Brazil có cơ hội để xuất khẩu robusta khi giá arabica xem ra đang khá rẻ so với robusta.
Ngoài ra, sẽ thiếu sót nếu như không tính đến yếu tố đầu cơ trên sàn robusta. Các tay đầu cơ và cò mồi hàng giấy (paper market) thổi và tuyên truyền giá tăng trên sàn robusta Liffe NYSE trong thời gian vừa rồi.
Những ngày qua, trên sàn này, lượng đặt cược mua đã tăng lên mức cao kỷ lục. Tính đến hết thứ Ba tuần trước, lượng mua ròng này đạt mức cao kỷ lục với 24.744 hợp đồng (10 tấn/hợp đồng). Có thể, đây cũng là tiếng pháo mở màn đợt thanh lý hàng giấy của đầu cơ và cũng để kiếm lời từ những ai đã lỡ mua khống hàng giấy với giá cao nay phải trút hầu bao.