(KTSG) - LTS: Nên hay không nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu là vấn đề được thảo luận, tranh luận từ trước khi Nghị định 80/2023 sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu chính thức được ban hành ngày 17-11-2023. Và khi nghị định mới được ban hành, những trăn trở vẫn còn nguyên. Tính thực tế và cấp thiết của quỹ bình ổn giá xăng dầu với vai trò là công cụ điều tiết giá duy nhất hiện cần được thừa nhận.
Tuy nhiên, để thị trường xăng dầu Việt Nam tiến gần với các chuẩn mực thế giới, việc xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia phải được tính toán và có lộ trình thực hiện. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu quan điểm của các chuyên gia về vấn đề này.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Không còn công cụ điều tiết nào khác ngoài quỹ bình ổn giá xăng dầu
“Kể cả các thị trường xăng dầu được coi là cạnh tranh, các nước vẫn phải can thiệp để bình ổn giá. Việt Nam chưa có kho dự trữ xăng dầu quốc gia, vậy nên, buộc phải giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, nêu quan điểm.
Điều hành xăng dầu luôn có độ trễ
Nghị định 80/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 có sự điều chỉnh về thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ sáu tháng xuống ba tháng. Đồng thời, nghị định rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống bảy ngày, định kỳ vào thứ Năm hàng tuần... Những thay đổi nói trên thực tế vẫn chưa giúp giá xăng dầu trong nước sát với giá thế giới vì ở đây chúng ta phải tính khoảng thời gian xăng dầu từ nước nhập khẩu về cảng trong nước, từ cảng trong nước phân phối cho các doanh nghiệp đầu mối... Chỉ có điều, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngắn đi thì giá xăng dầu trong nước gần sát với giá thị trường thế giới hơn.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm là việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện chế độ báo cáo về số lượng xăng dầu nhập về, bán ra, lượng tồn kho, giá thành nhập xăng ở từng thời điểm... Trước đây, khi chu kỳ điều chỉnh là 15 ngày, rồi 10 ngày, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn với việc này. Hiện nay, chu kỳ điều chỉnh giảm còn bảy ngày thì không biết doanh nghiệp sẽ xoay xở ra sao? Những báo cáo này lại là dữ liệu đầu vào để các nhà quản lý điều chỉnh giá cơ sở và vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trong Nghị định 80, quy định hóa đơn điện tử là điều kiện để cấp giấy chứng nhận kinh doanh với cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa được đưa vào. Tuy nhiên, đây là việc sẽ phải thực hiện trong thời gian tới, một mặt vì đó là yêu cầu của cơ quan quản lý thuế đứng đầu là Bộ Tài chính, mặt khác, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ minh bạch hóa hoạt động của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Về mặt kỹ thuật, áp dụng hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế không phải là việc khó thực hiện, bởi lẽ ngay tại các cây xăng đã áp dụng thiết bị đo và tính tiền điện tử. Giờ chỉ cần kết nối quá trình đó với máy tính, rồi máy tính đó xuất hóa đơn điện tử và chuyển cho cơ quan quản lý thuế. Chỉ cần một lộ trình hợp lý, với sự giám sát nghiêm túc, chặt chẽ, việc triển khai hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế sẽ thành hiện thực.
Vẫn nên giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu
Khi thảo luận, góp ý về dự thảo Nghị định 80, rất nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cuối cùng, nghị định vẫn giữ nguyên quỹ, bổ sung các điều kiện quản lý chặt chẽ hơn như ngân hàng phong tỏa tài khoản quỹ, chỉ xả khi có thông báo điều hành của Bộ Công Thương, doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, báo cáo có kiểm toán hai lần/năm... Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, quyết định như vậy là phù hợp.
Thứ nhất, xăng dầu vẫn là mặt hàng chiến lược, cần phải can thiệp để bình ổn giá. Không chỉ tại Việt Nam, ở các quốc gia có thị trường xăng dầu cạnh tranh, vấn đề bình ổn giá xăng dầu vẫn được ưu tiên.
Thứ hai, các nước ngăn chặn giá xăng dầu trong nước tăng sốc chủ yếu do ảnh hưởng của giá thế giới thông qua kho dự trữ xăng dầu quốc gia. Đây không phải việc mà Việt Nam có thể thực hiện trong “một sớm một chiều”, vì vậy, quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ duy nhất để thực hiện bình ổn giá tại thời điểm hiện tại.
PGS.TS. Phạm Thế Anh: Cần chọn giải pháp căn cơ bình ổn giá xăng dầu
“Nếu muốn bình ổn giá xăng dầu thì Nhà nước phải xây kho dự trữ. Để doanh nghiệp phải tự xây khi dự trữ xăng dầu đảm bảo nguồn hàng 20 ngày là không phù hợp”, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Quỹ bình ổn... chưa ổn
KTSG: Nghị định 80/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu vẫn quyết định giữ lại quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?
- PGS.TS. Phạm Thế Anh: Khi góp ý cho dự thảo Nghị định 80 nói trên, rất nhiều ý kiến đã đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu vì theo các khảo sát và phân tích thực tiễn, quỹ này không đạt được mục tiêu bình ổn giá xăng dầu như mục đích tồn tại của nó.
Thứ nhất, để giá cả một loại hàng hóa bất kỳ được bình ổn, nguồn cung của nó phải đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, phải đa dạng hóa được nguồn cung ứng và số lượng đủ lớn, cạnh tranh. Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam là một hình thức can thiệp trực tiếp vào giá, do vậy đôi khi làm méo mó tín hiệu thị trường. Quỹ không giúp làm tăng khả năng cung ứng và tăng tính cạnh tranh của thị trường.
Thứ hai, với quy mô của quỹ và cách quản lý điều hành quỹ hiện tại, sự biến động giá xăng dầu khi sử dụng quỹ và khi không sử dụng quỹ không có sự khác biệt lớn.
Chẳng hạn, tại kỳ điều chỉnh thứ nhất, giá xăng dầu thế giới tăng, quỹ bình ổn giá xăng dầu xả quỹ khiến giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Đến kỳ điều chỉnh thứ hai, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, khoảng chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới càng giãn rộng. Để giá xăng tiếp tục được bình ổn, quỹ tiếp tục phải được xả. Trong trường hợp sự biến động tăng của giá xăng kéo dài, quỹ bình ổn vượt quá ngưỡng chịu đựng (cạn kiệt) thì sẽ xảy ra tình trạng tăng giá sốc.
Những khuyết điểm này có thể được hạn chế nếu nhà quản lý dự đoán đúng diễn biến giá xăng dầu thế giới và có quyết định xả quỹ đúng thời điểm. Nhưng điều này thường là bất khả thi. Trên thực tế, theo khảo sát, trong giai đoạn 2020-2022, mức độ biến động của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn.
Thứ ba, tồn tại những điểm bất hợp lý trong quá trình vận hành của quỹ. Ngoài ra, trong giai đoạn 2020-2022, số lần chi quỹ cho các mặt hàng xăng lớn hơn hẳn các mặt hàng dầu. Ngược lại, số lần trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng lại nhỏ hơn hẳn các mặt hàng dầu. Như vậy, người sử dụng dầu đang phải trợ giá cho những người dùng xăng.
Nghị định 80 rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn bảy ngày, đồng thời, thay đổi thời gian rà soát, công bố chi phí xăng dầu từ nước ngoài về cảng, hay từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ sáu tháng xuống còn ba tháng giúp giá xăng cập nhật với diễn biến thị trường hơn. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu đạt được mục tiêu bình ổn giá của nó.
KTSG: Vẫn phải thừa nhận, Nghị định 80 đã có những quy định nhằm siết chặt vấn đề quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp, chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn theo thông báo điều hành của Bộ Công Thương. Hay thương nhân đầu mối phải báo cáo hàng tháng, báo cáo có kiểm toán hai lần/năm về tình hình sử dụng quỹ... Theo ông, những thay đổi này có giúp chấm dứt những băn khoăn từ trước tới nay về tính minh bạch của quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không và tại sao?
- Đầu tiên, số lượng doanh nghiệp đầu mối rất lớn. Việc ngăn chặn những sai phạm, tiêu cực sẽ khó khăn hơn và tốn nhiều nguồn lực.
Bên cạnh đó, nếu muốn gian lận quỹ bình ổn giá xăng dầu, doanh nghiệp chỉ cần lựa chọn thời điểm khi được phép sử dụng quỹ, ngân hàng mở phong tỏa cho tài khoản quỹ này. Vì vậy, những sai phạm trước kia liên quan tới quỹ bình ổn giá xăng dầu hoàn toàn có thể lặp lại như cũ. Những quy định nêu trên, về lý thuyết, có thể chặt chẽ hơn nhưng thực tế có thể chưa giải quyết được vấn đề.
Cần xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia
KTSG: Ông đã từng phát biểu thẳng thắn, quỹ bình ổn giá xăng dầu là sáng tạo riêng có của Việt Nam. Vậy các quốc gia khác sử dụng biện pháp nào để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường?
- Thông thường, các nước xây dựng các kho dự trữ xăng dầu với sức chứa rất lớn, khi giá dầu thế giới tăng vọt, họ xả kho dự trữ, tăng nguồn cung trên thị trường nội địa, từ đó làm cho giá giảm xuống. Khi giá dầu xuống thấp, họ mua vào tích trữ để đảm bảo trữ lượng dự trữ điều tiết giá thị trường trong những lần kế tiếp. Kho dự trữ xăng dầu là các dự án cấp quốc gia, được xây dựng, bảo vệ, vận hành bởi tổ chức được nhà nước giao quyền.
Kho dự trữ dầu của Mỹ có thể chứa 714 triệu thùng dầu, tương đương nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Mỹ trong khoảng 36 ngày. Tổng thống Mỹ quyết định bán dầu từ kho dự trữ trong các tình huống đáp ứng các quy định của Đạo luật Bảo tồn và Chính sách năng lượng của Mỹ, ví dụ, khi OPEC+ cắt giảm sản lượng năm 2022.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, kho dự trữ có thể xả ra một số lượng dầu giới hạn dựa trên thỏa thuận với các thực thể không trực thuộc chính phủ liên bang, nhằm giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung khẩn cấp, ngắn hạn. Tuy nhiên, cuối cùng, kho dự trữ dầu phải thu được về lượng dầu nhiều hơn lượng dầu giải phóng.
Về kinh phí xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia, nguồn kinh phí này được hình thành nhờ đóng góp của ngân sách nhà nước, doanh thu trích từ việc sản xuất dầu thô hoặc đều đặn trích lập số tiền rất nhỏ trong giá xăng dầu...
Tóm lại, nếu muốn bình ổn giá xăng dầu thì Nhà nước phải xây kho dự trữ. Để doanh nghiệp phải tự xây khi dự trữ xăng dầu đảm bảo nguồn hàng 20 ngày là không phù hợp bởi việc ấy không phải thuộc chức năng của doanh nghiệp, kể cả đó là doanh nghiệp nhà nước.
Một số điểm mới trong Nghị định 80
Về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu: điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ sáu tháng xuống ba tháng nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa.
Về thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu: rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống bảy ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.
Về quyền và nghĩa vụ của đại lý bán lẻ xăng dầu: cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa ba nguồn (so với chỉ một nguồn như trước đây) nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Về quỹ bình ổn giá xăng dầu: thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng) theo quy định tại nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Định kỳ sáu tháng, trước ngày 15-8, ngày 15-2 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về quỹ bình ổn giá xăng dầu về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
Định kỳ trước ngày 15 hàng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tình hình thực hiện quỹ bình ổn giá xăng dầu của tháng trước liền kề. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu, thông tin báo cáo.