Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lao xao tiếng chợ: Rao như hát, mặc cả như thơ

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Với người Mông, mỗi tuần đi chợ một lần không chỉ để mua bán mà còn là để gặp bạn, để vui chơi sau một tuần lao động nặng nhọc. Chợ miền núi luôn mang đậm phong vị: đa sắc màu văn hóa, người dân thật thà, chất phác trong mua bán, có sao nói vậy chứ tịnh không có cảnh chao chát, lọc lừa.

Người bán kẻ mua khoác vai thân tình để mặc cả. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Những người đàn ông Mông mặc cả chân chất, thật thà; khoác vai, ghé vào tai nhau thủ thỉ nài bớt cho nhau vài giá; lúc chốt giá thì vung tay bắt tay nhau đánh bốp rồi ngồi ngay xuống sân chợ đếm từng sấp tiền xòe như nở hoa.

Con bò nâng đỡ kẻ khó

Hơn chục người đàn ông đang quây quanh một con bò đực màu đen tuyền. Chủ bò là Sùng Hùng Páo, 39 tuổi, ở thôn Nà Kìm, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Đây là con của một con bò mẹ của nhà đẻ ra, Páo nuôi từ bé đến nay đã được 2,5 tuổi. Páo dắt bò đi từ lúc năm giờ rưỡi, bảy giờ rưỡi xuống đến chợ là lập tức làm rộn ràng một góc. Người xúm vào vuốt ve chân, lưng, đầu, tai bò; người xuýt xoa bình phẩm.

- Bán bao nhiêu? - Có tiếng hỏi.

- Hai lăm triệu. - Páo phát giá.

- Xuống hết giá đi xem nào!

- Nói hai mốt, mười chín lấy tiền.

Người đàn ông trả giá liền ra khoác vai Páo, cười cười thủ thỉ:

- Bớt cho nhau vài trăm tiền đi đường đi!

- Đúng giá mới bán! - Páo quả quyết.

- Ồ, thế là em không muốn bán cho anh rồi.

Người bán kẻ mua khoác vai thân tình để mặc cả. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Páo cười hiền hiền không nói, vẻ mặt cương nghị. Một người đàn ông khác tiến lại định cầm cái thừng buộc bò từ tay Páo, báo hiệu của một cuộc thương lượng mới. Thấy vậy, nhanh như cắt, người đàn ông mặc cả từ đầu đẩy tay người đó ra, giằng lấy cái thừng buộc bò từ tay Páo và hô to: “Ra kia đếm tiền luôn!” Cuộc mua bán đã được ấn định. Páo cùng hai người bạn, người mua và một người bạn nữa; năm người kéo nhau ra một góc chợ, người dắt bò đi buộc, người giở túi tiền ra đếm.

Từng xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng được rút ra trao tay nhau. Mấy người bên Páo đếm tiền xếp thành từng triệu một rồi để ngay xuống mặt đất. Giữa chợ búa đông người, ồn ã bán mua mà không chao chát, những người đàn ông ngồi xổm bình thản đếm tiền xếp từng tụ xòe như cái quạt, gối đầu lên nhau… như nở hoa trên mặt đất, trông thật vui mắt, bình yên và hoang sơ!

Chợ thị trấn Pác Mjầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng họp năm ngày một phiên, vào các ngày mùng 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch hàng tháng. Độc đáo nhất là khu chợ bò, mỗi phiên giao dịch vài trăm con. Tục ngữ người Cao Bằng có câu “Tua mò giò vỏ khỏ” (Con bò nâng đỡ kẻ khó). Đó là vì mua một con bò ít vốn hơn một con trâu. Bò lại dễ nuôi hơn trâu, đẻ tốt hơn trâu. Người Mông ở đây chỉ nuôi bò chứ không nuôi trâu. Giống bò của người Mông to, khỏe, có u lớn, hung dữ, dám húc trâu và thắng cả trâu.

Ông Đặng Văn Bận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, cho biết, tính đến năm 2023, tổng đàn bò của huyện đạt 30.350 con. Với người Mông nơi đây, con bò là tài sản quý giá nhất, gia đình nào cũng nuôi bò, có gia đình nuôi vài chục con. Người Mông chăm sóc bò rất cẩn thận, làm chuồng trại có mái để tránh rét, trồng cỏ để làm thức ăn. Từ bao đời nay, vùng đất Bảo Lâm nổi tiếng với giống bò u của người Mông. Giống bò này không những cày khỏe mà khi đấu nhau còn có chiêu chọi rất độc đáo. Cũng vì thế mà lễ hội Thi bò đẹp và chọi bò được UBND huyện tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng Âm lịch hàng năm trở thành lễ hội đông vui nhất tỉnh Cao Bằng và khu vực miền núi phía Bắc.

Tiêu chuẩn bò đẹp là: toàn thân khỏe mạnh, phát triển cân đối biểu hiện rõ đặc điểm của giống; lông - da mượt; mắt tinh nhanh; ngực sâu; sườn nở; vai rộng; lưng thẳng; hông cân đối; mông dài - rộng; bốn chân chắc khỏe, không vòng kiềng, chạm kheo; đi đứng tự nhiên; đầu - cổ nhẹ nhàng, cân đối; bụng phát triển toàn diện, không sệ; bộ phận sinh dục - vú phát triển tốt.

Con ngựa cũng như con người

19 giờ 30 phút, yên vị trên ô tô giường nằm khởi hành từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) đi bến xe Bắc Hà (Lào Cai), tôi nghe thấy rất nhiều du khách nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Thái, tiếng Việt trò chuyện với nhau về chợ Bắc Hà. Họ cũng như tôi, đi chuyến xe xuyên đêm này để kịp sáng sớm mai, Chủ nhật, đi chơi chợ phiên.

Tám giờ, chợ bắt đầu nhộn nhịp. Hàng trăm người đổ dồn vào chừng 100 con ngựa xem xét, bình phẩm, thử, ngã giá… Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Năm giờ sáng, tiếng nhạc ngựa leng keng rộn rã kéo tôi ra khỏi phòng. Chợ Bắc Hà nằm ở trung tâm một thung lũng rộng thuộc thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, họp Chủ nhật hàng tuần. Ngựa đi thành đoàn dài, thồ, kéo hàng hóa, chở người xuống chợ. Móng ngựa gõ cộc cộc xuống mặt đường hòa với tiếng người líu lo thổ ngữ làm nhộn nhịp cả không gian.

7 giờ 30 phút, Tráng Seo Ký, 53 tuổi, người Mông, từ thôn Tẩn Chư, xã Tả Van Chư buộc con ngựa đực một tuổi hai tháng, màu nâu vào một chiếc cọc sắt. Từ nhà xuống chợ, đi xe máy chỉ hết 30 phút nhưng vì đi bộ dắt ngựa nên ông Ký mất đến hai giờ. Buộc ngựa cho nó nghỉ rồi ông thảnh thơi đi dạo một vòng xem người, xem cảnh, ngồi xuống chiếc ghế gỗ ở một cái quán, ăn bát phở, uống chén rượu, rít một điếu thuốc lào phả khói trắng cả râu tóc, cười khoan khoái. Các chủ ngựa lục tục đến, người ríu ran, ngựa hí vang, ngựa nhai cỏ rau ráu, ngựa thở pừ pừ, mài móng quèn quẹt… Tám giờ, chợ bắt đầu nhộn nhịp. Hàng trăm người đổ dồn vào 100 con ngựa đủ kích cỡ, màu sắc.

Một ông khách tiến đến xem con ngựa của ông Ký. Đi một vòng ngắm nghía toàn thân con ngựa; sờ tay vào bờm, lông; vỗ vào lưng, mông, bụng; kéo chân ngựa, kéo mõm ngựa lên xem… Sau năm phút săm soi, ông cất tiếng:

- Béo quá nhỉ! - Ông khách tìm cớ dìm hàng.

- Mùa này (là) mùa cỏ non mà ngựa không béo nữa thì chỉ có tại thằng người thôi. - Ông Ký đáp. Rồi ông tâng tiu con ngựa của mình:

- Một tuổi hai, chín mươi cân, 18 triệu. Trả bao nhiêu?

- 14 triệu thôi.

- Ồ, không được đâu. 17 triệu.

- 14 thôi.

- Ây dà. 16.

Người mua lắc đầu. Ông Ký xuống giá:

15.

Người mua định bỏ đi. Ông Ký liền ôm vai kéo lại rồi cười nói: “Giảm 500. Bắt tay!” Ông Ký chìa tay ra, người kia giơ tay bắt để giao ước rồi thò tay vào túi rút cọc tiền, hai người ngồi xổm ngay xuống cạnh chỗ buộc ngựa cởi dây chun buộc, đếm tiền. Giao - nhận đủ 14.500.000 đồng, ông khách móc túi lấy chiếc điện thoại di dộng bấm máy gọi: “Bảo mẹ dọn cái chuồng ngựa cho bố nhé!” 8 giờ 30 phút, bán xong ngựa, đút cẩn thận cọc tiền vào túi, ông Ký hỉ hả đi chơi chợ.

Khắp chợ ngựa dài chừng 500 mét vang lên những lời bình phẩm:

Ngực nở, con này thồ thì số một rồi. Ăn tốt nên nó béo. Nhưng chỉ sợ nó không biết đẻ.

Nghe thế, người chủ ngựa lập tức phản bác:

Ô, đẻ chứ, ở nhà có con cái của nó mà.

Rời con ngựa cái màu nâu, tám tuổi được phát giá 25 triệu đồng ấy, tôi lại vui chân sang đám khác. Trước một con “Bạch mã mao như tuyết/ Tứ túc cương như thiết” được phát giá 18 triệu đồng. Người mua ướm hỏi:

- Con này mang đi đua được không?

- Năm ngoái đua Bắc Hà mà. - Người chủ ngựa trả lời.

- Già lắm rồi nhỉ?

- Chưa thay răng đâu. (Ngựa được ba tuổi bắt đầu thay răng - NV)

Tôi lại sang một đám khác. Thấy tôi chăm chú xem ngựa, ông chủ mời chào:

- Mua con bé không?

- Mấy tuổi rồi? - Tôi hỏi.

- Chưa được một tuổi.

- Bao nhiêu?

- 12 triệu.

- Nó nhát quá nhỉ!

- Toàn để ở chuồng, có mang ra ngoài đâu mà. Anh thử mang ra ngoài hai ngày xem.

Tôi cười, cảm ơn rồi đến một đám ồn ã nhất chợ. Một ông trung niên đang tay trái kéo chân trước con ngựa đen cho ngửa gan bàn chân lên rồi tay phải nắm nắm đấm đấm bịch bịch vào đó. Con ngựa không kêu, không lồng. Tôi hỏi người phụ nữ đứng bên cạnh xem ý nghĩa của hành động ấy. Vàng Thị Tiền, 36 tuổi, người Mông ở thôn Na Áng A, xã Na Hối, giải thích: “Sợ chân nó đau đấy. Người cũng phải xem chân, ngựa cũng phải xem chân”.

Chị Tiền xuống chợ mua ngựa về thồ, xuống từ 8 giờ mà đến 9 giờ 15 phút rồi vẫn chưa mua được con nào. Xong màn thử chân, người đàn ông kia liền lấy tay phải bóp mũi con ngựa một lúc rồi thả ra, theo Tiền, làm thế để xem con ngựa hơi có dài không, thở có đều không. Tiếp đến, ông đó tháo dây cương ngựa đang buộc ở thân cây muồng hoàng yến, dắt ra đường, nhảy phắt lên lưng ngựa, giật dây cương, ngựa tung vó phi nước đại về phía cuối chợ. Chừng mười phút sau, ông lỏng dây cương cho ngựa đi nước kiệu quay về chỗ cũ. Vậy là đã kết thúc màn cưỡi ngựa phi để xem bước chạy, dáng chạy, tai, mắt, hơi thở của nó. Ưng ý nên ông buộc ngựa về chỗ cũ rồi mặc cả:

- Xuống 200 nhé.

- Xuống 100 thôi. - Người chủ ngựa kiên quyết.

Vậy là sau đến 30 phút, cuộc mua bán mới xong. Người bán, người mua ngồi xuống đếm tiền. Người mua khắt khe đó là Tráng Seo Ly, 61 tuổi, người Mông, ở thôn Tả Van Chư, xã Tả Van Chư. Ông đã “mua được hai con cái: con bốn tuổi, 20 triệu; con bảy tuổi, 21 triệu. Mua về để thồ,” ông nói.

Chợ ngựa náo nhiệt đến tầm 11 giờ 45 phút. Người hỉ hả vì mua được những con ngựa béo tốt, khỏe; người dắt ngựa xuống mà “không có ai mua thì mang về nuôi”.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, cho biết: Toàn huyện Bắc Hà hiện có 4.253 con ngựa, là địa phương nuôi nhiều ngựa nhất của tỉnh Lào Cai. Người Bắc Hà có truyền thống nuôi ngựa từ lâu đời. Chợ buôn bán đại gia súc như ngựa, trâu, bò tại trung tâm thị trấn Bắc Hà và một số xã trong huyện được hình thành, phát triển với quy mô lớn, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ gia súc trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, Bắc Hà cung cấp cho thị trường từ 1.000 con đến 2.000 con trâu, bò, ngựa.

Vào Chủ nhật hàng tuần, không kể trời nắng hay mưa, người dân từ các bản làng của 20 xã, một thị trấn lại lũ lượt chảy từng đoàn về thung lũng Bắc Hà để họp chợ, buôn bán, vui chơi.

Chợ cũng thu hút đông đảo người buôn bán ngựa trong vùng và từ cả các tỉnh, thành phố xa xôi như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… Có người đến chợ chọn mua ngựa về nuôi, người mua ngựa để buôn bán kiếm lời.

Con ngựa tiếng Mông gọi là tu nểnh, là tài sản quý, có giá trị cao trong gia đình nên chọn mua ngựa là một việc hệ trọng. Con ngựa gắn bó thân thuộc với người Bắc Hà như thế nên họ có rất nhiều tri thức dân gian độc đáo về việc chọn ngựa, nuôi ngựa. Chọn ngựa, trước hết phải nhìn tổng quan thân hình rồi mới xem xét đến từng chi tiết. Ngựa có thân hình béo khỏe, lông mượt, mình dài, bốn chân to khỏe, ngực vạm vỡ, khuôn mặt cân đối… là yêu cầu bắt buộc. Ngựa sung sức nhất là trong thời kỳ sáu đến tám tuổi, những con ngựa ở độ tuổi này luôn được bán với giá cao nhất.

Tráng Seo Ly, người Mông, ở thôn Tả Van Chư, xã Tả Van Chư, đúc kết: “Con ngựa cũng giống như con người, phải ăn làm, làm ăn thì mới khỏe và có ích; chỉ ăn ngủ, ăn chơi thì vừa nhàm chán vừa mang bệnh”.

Người Mông có hơn 30 họ, trong đó có sáu họ lấy tên các loài vật như: Sùng (gấu), Hầu (khỉ), Lồ (lừa), Giàng (dê), Lùng (rồng) và Má (ngựa). Ở huyện Bắc Hà có một số địa danh được đặt theo tên ngựa, như Si Ma Cai (chợ ngựa mới), Mã Tuyển (suối ngựa), Má Tả Phình (bãi ngựa bằng)…

Trong đám tang, hình tượng ngựa cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Ngựa giúp đưa người chết tìm đường về với tổ tiên. Cáng người chết chính là biểu tượng ngựa. Chiếc cáng ấy được làm từ tre trúc thuở mới khai thiên lập địa làm thành ma ngựa (nênhl đangz). Trong số những bài tang ca mà các thầy cúng dùng để cúng cho người chết có nguyên một bài Tre làm ma ngựa nói về việc lấy tre làm ma ngựa, diễn giải quá trình xuất hiện và những chặng đường gian nan mới lấy được giống tre hiếm hoi này.

Người đông như nêm cối. Người lèn người chặt đến nỗi lồi cả bốn mắt cá chân. Người hỉ hả vì mua bán được hàng hóa; người vui vẻ vì thõng tay đi chợ nghe tiếng lao xao ồn ã, ngắm người chen vai thích cánh, hàng hóa ngồn ngộn, đa sắc, hít hà mùi chợ căng hai cánh mũi. Đói rồi, mệt rồi, đi uống rượu thôi!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới