(KTSG Online) - Theo biên bản cuộc họp chính sách hồi tháng 1, các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ lo ngại rằng nếu giảm lãi suất quá sớm, áp lực giá cả có thể tăng trở lại.
- Hết hy vọng Fed giảm lãi suất sớm, nhà đầu tư bán tháo trái phiếu
- Fed ‘dội nước lạnh’ vào kỳ vọng giảm lãi suất sớm
“Hầu hết các quan chức Fed tham gia cuộc họp đều lưu ý rủi ro về việc hành động quá nhanh để nới lỏng chính sách tiền tệ”, biên bản về cuộc họp của Fed hồi cuối tháng 1 cho hay. Chỉ có hai thành viên của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, cảnh báo các rủi ro liên quan đến việc duy trì lãi suất cao trong thời gian quá lâu.
Biên bản cho biết các quan chức Fed không chắc chắn về việc cần duy trì mức lãi suất cao trong bao lâu để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% của Fed.
Trong hai năm qua, Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập niên để chống lạm phát, vốn cũng tăng lên mức cao nhất trong 40 năm. Kể từ tháng 7 năm ngoái, khi lạm phát bắt đầu hạ nhiệt, các quan chức Fed giữ nguyên mức lãi suất chuẩn ở biên độ từ 5,25- 5,5%, gần mức cao nhất trong 23 năm. Mức lãi suất này ảnh hưởng đến các chi phí đi vay khác trong toàn bộ nền kinh tế, bao gồm vay khoản thế chấp, vay thẻ tín dụng và các khoản vay kinh doanh.
Tại cuộc họp báo tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng các quan chức Fed khó có thể xem xét giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 3 tới.
Dữ liệu kinh tế được công bố trong ba tuần qua đã nhấn mạnh thêm lý do tại sao các quan chức Fed tìm cách đẩy lùi kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng giảm lãi suất sớm. Bộ Lao động Mỹ ghi nhận, trong tháng 1, nền kinh tế tạo thêm gấp đôi số việc làm so với dự đoán tháng 1 và lạm phát cũng cao hơn kỳ vọng.
Một tháng trước, các nhà đầu tư tin rằng Fed có thể sẽ tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên trong cuộc họp tháng 3. Nhưng hiện tại, họ nhận thấy Fed có thể đợi đến tháng 6 để làm điều đó.
“Trong những tháng gần đây, lạm phát vẫn dai dẳng nhưng diễn biến chung về giá cả trong năm nay dường như không biến động lớn. Nhà đầu tư sẽ chứng kiến giá cả giảm trong năm nay, tạo cơ hội cho Fed hạ lãi suất vào giữa năm”, Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng của LPL Financial, cho biết trong một báo cáo hôm 22-2.
Ông Powell nhấn mạnh, các quan chức Fed muốn thấy thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang quay trở lại mục tiêu 2% của Fed trước khi quyết định hạ lãi suất.
“Dữ liệu sắp tới chỉ cần vẫn tốt, chứ không cần phải tốt hơn những gì chúng tôi đã thấy hoặc thậm chí tốt bằng”, ông Powell nói trong phỏng vấn với chương trình “60 Minutes” của đài truyền hình CBS trong tháng này.
Tuần tới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ báo cáo những thay đổi về giá cả trong tháng 1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của Mỹ, loại trừ các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ biến động giá, được dự báo tăng 2,9% trong tháng 1 so với một năm trước đó. Mức tăng này sẽ tương đương đương mức tăng trong tháng 12 năm ngoái.
Các quan chức Fed đang cố gắng cân bằng hai rủi ro. Một là họ hành động quá chậm trong việc nới lỏng chính sách, khiến nền kinh tế suy sụp dưới sức ép của lãi suất cao. Hai là họ nới lỏng tiền tệ quá quá sớm và quá nhiều khiến lạm phát ở mức cao hơn mục tiêu 2% trong thời gian dài.
Theo biên bản cuộc họp của Fed hồi tháng trước, một số quan chức nhận thấy những cải thiện gần đây về lạm phát phản ánh những diễn biến chỉ xảy ra một lần.
“Tuy nhiên, họ cho rằng có những tiến bộ đáng kể trong thời gian gần đây về xu hướng lạm phát quay trở lại mục tiêu dài hạn của FOMC”, biên bản cho hay.
Bên cạnh đó, các quan chức Fed cũng cảnh báo rủi ro tiến bộ về đà giảm của lạm phát có thể bị đình trệ hoặc đảo ngược nếu chi tiêu của người tiêu dùng mạnh hơn dự đoán hoặc nếu chi phí vay giảm và các điều kiện tài chính khác quá dễ dàng.
Họ lưu ý, động lực trong tổng cầu của nền kinh tế có thể mạnh hơn so với đánh giá hiện tại, đặc biệt là trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ đáng ngạc nhiên hồi năm ngoái.
Trong cuộc họp hồi tháng 12, hầu hết các quan chức Fed dự đoán họ có thể thực hiện 3 đợt giảm lãi suất trong năm nay, với điều kiện họ nhận thấy lạm phát sẽ giảm xuống dưới 2,5% vào cuối năm.
Fed thường cắt giảm lãi suất vì hoạt động kinh tế đang chậm lại rõ rệt, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy lạm phát đã được kiểm soát. Nhưng trong các phát biểu gần đây, các quan chức Fed đề cập đến các kịch bản có thể hạ lãi suất ngay cả khi tăng trưởng vững chắc. Đó là bởi vì khi lạm phát giảm, lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát, hay còn gọi là lãi suất thực sẽ tăng nếu lãi suất danh nghĩa được giữ ổn định.
Theo WSJ, Reuters, CNN