(KTSG Online) - Từ ngày 1-6 tới đây, hàng hóa khi được truy xuất nguồn gốc cần đảm bảo 10 thông tin để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, cơ quan quản lý. Một số tiêu chí cơ bản như tên, hình ảnh của sản phẩm; tên đơn vụ sản xuất, kinh doanh; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số seri sản phẩm (nếu có).
- Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản
- Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chống hàng giả cho doanh nghiệp
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành thông tư quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Thời gian áp dụng là từ ngày 1-6 tới đây.
Văn bản này yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xây dựng dữ liệu phải đảm bảo tối thiểu 10 thông tin gồm tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó là các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (gồm các thông tin như mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn); thời gian sản xuất, kinh doanh; mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số seri sản phẩm (nếu có).
Những thông tin khác cũng cần có nữa là thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.
Thông tin này được in mã gắn trên bao bì sản phẩm, được kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Người tiêu dùng có thể tra cứu hạn sử dụng, nguồn gốc của sản phẩm.
Cổng thông tin do Trung tâm mã số mã vạch quốc gia làm chủ đầu tư, hoàn thành vào năm 2022. Dự kiến, cổng thông tin sẽ được đưa vào vận hành chính thức trong quí 2 năm nay.
Trước đó, Cổng thông tin đã có 10 tháng chạy thử nghiệm. Hệ thống đã kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia. Cổng thông tin sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế; quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống.
Bên cạnh đó, cổng cũng tiếp nhận, xử lý kiến nghị của cá nhân, tổ chức về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đồng thời phân tích trợ giúp cơ quan quản lý đưa chính sách kịp thời dựa trên số liệu báo cáo, thống kê và công nghệ.