(KTSG Online) – Khoảng thời gian này 14 năm trước, chiến dịch truy tìm dấu vết tê giác diễn ra rầm rộ với nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước, kể cả chó nghiệp vụ đưa từ nước ngoài vào Việt Nam, sau khi phát hiện một con tê giác Java được cho là bị giết chết ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.
- Hơn 32 kg sừng tê giác qua đường hàng không từ Nam Phi về Việt Nam
- Tê giác Java tại Việt Nam đã tuyệt chủng
- Sau tê giác một sừng là…?
Hàng trăm tin bài đăng trên báo phân tích, mô tả, điều tra xung quanh câu chuyện tê giác Java (còn gọi là tê giác một sừng) bị giết chết. Và phải hơn một năm sau đó, trong một cuộc họp báo, các tổ chức quốc tế và cơ quan hữu trách của Việt Nam mới công bố đó là con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam. Lắm tờ báo giật tít “Tê giác Java tuyệt chủng ở Việt Nam vào năm 2010”, còn thủ phạm giết chết và cắt sừng con tê giác thì cho tới nay vẫn chưa tìm ra.
Nhưng, kể từ đó, theo quan sát của người viết, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt là luật pháp quy định xử phạt hành chính và hình sự trong lĩnh vực động vật hoang dã. Hơn chục năm trước, các vụ việc liên quan tới vi phạm về bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã thì thường là chỉ xử phạt vi phạm hành chính bằng phạt tiền, hiếm có xử lý hình sự.
Một chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã nói với người viết rằng, nếu giả sử vụ án con tê giác ấy bị giết chết vào thời điểm hiện nay và cơ quan luật pháp tìm ra kẻ săn trộm thì rất có khả năng, kẻ vi phạm bị phạt tù lên tới 7 năm hoặc hơn.
Tại Việt Nam, hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ sừng tê giác dưới 50 gram (0,05 kg) trong trường hợp vi phạm lần đầu sẽ bị xem xét xử phạt hành chính từ 300 -360 triệu đồng. Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sừng tê giác có khối lượng từ 50 gram (0,05 kg) trở lên, có thể bị mức phạt lên đến 15 năm tù.
Nhưng không chỉ tê giác, các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm Nhóm 1B hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có hình phạt rất nặng, có thể bị xử phạt đến 15 năm tù, phạt đến 15 tỉ đồng.
Cách nay 5 tháng, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã tiêu hủy 10 tấn động vật hoang dã là ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, xương sư tử trị giá hơn 300 tỉ đồng, được buôn lậu từ châu Phi về Việt Nam trong một vụ án mà kẻ buôn lậu đã nhận bản án 13 năm tù(*).
Hay mới đây, Tòa án Nhân dân huyện Côn Đảo xét xử hai người mua trứng rùa biển, một người cung cấp và một người môi giới về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm” với tổng hình phạt 24 tháng tù và 1,05 tỉ đồng(**).
Nhiều tổ chức về bảo tồn động vật hoang dã nhìn nhận trong vòng 6 năm qua, Việt Nam đã xử lý rất nghiêm khắc các vi phạm luật pháp về động vật hoang dã, những câu chuyện như “con dâu livestream khoe phòng khách, mẹ chồng đi tù” do phòng khách có trưng bày ngà voi; nuôi nhốt trái phép một con khỉ đuôi dài bị phạt 10 triệu đồng; hay tại TPHCM, một người nuôi 64 cá thể rùa loại nguy cấp, quý, hiếm bị tòa án xử hơn 6 năm tù…
Nhiều người lên mạng xã hội rao bán động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã bị xử lý rất nghiêm; nếu phát hiện, bị phạt hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, rất nhiều người rao bán trên mạng lẫn ngoài đời các sản phẩm giả động vật hoang dã cũng bị xử phạt, như trường hợp một người bị phạt nặng vì rao bán mật gấu giả.
Một luật sư cho biết, hành vi quảng cáo, giao dịch trái phép các sản phẩm động vật hoang dã (không phân biệt là hàng thật hay hàng giả), dù là trên mạng xã hội, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng, đủ để thấy luật pháp hiện nay rất nghiêm khắc với những vi phạm liên quan động vật hoang dã.
Thế nhưng, khảo sát của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) tại 16.556 cơ sở kinh doanh tại 10 đô thị lớn trong cả nước cho thấy có 12% số cơ sở vi phạm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã (gồm nhà hàng, quán bar, chợ và cửa hàng thú cảnh)(***). Hoặc chỉ cần gõ từ khóa “săn bắt thú rừng” sẽ ra kết quả hàng ngàn video có nội dung liên quan.
Tôi còn nhớ một chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã đã nói sau khi không tìm ra thủ phạm giết chết con tê giác, rằng “chính chúng ta đã “giết chết” con tê giác, khi mà khu vực sống của nó thu hẹp, quá gần với dân cư, khi mà luật pháp chưa nghiêm, khi mà cộng đồng vẫn còn xem sừng tê giác là thuốc quý...”.
Tôi chợt nhớ câu “Ra đi nhưng không bị quên lãng” in trên áo mà các chuyên gia và tình nguyện viên mặc trong buổi họp báo năm 2011 công bố tê giác đã tuyệt chủng ở Việt Nam.
(*) https://www.sgtiepthi.vn/da-nang-tieu-huy-gan-10-tan-dong-vat-hoang-da-buon-lau-tu-chau-phi-ve-viet-nam
(**) https://www.sgtiepthi.vn/mua-ban-5-trung-rua-bien-phat-24-thang-tu-va-105-ti-dong
(***) https://daidoanket.vn/buon-ban-dong-vat-hoang-da-van-nong-10262949.html