Thứ Sáu, 30/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù cho dự án Cảng quốc tế Cần Giờ?

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do TPHCM trình lên Chính phủ đã qua những bước thẩm định đầu tiên về tính pháp lý và hợp lý. UBND TPHCM đã đề xuất áp dụng phương án lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế đặc thù hoặc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt cho dự án 128.000 tỉ đồng này.

Hoàn thiện đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

‘Siêu cảng’ Cần Giờ và những điều cần lưu ý

Thêm cảng nhưng không “chồng lấn” nhau

Mới nhất, Bộ GTVT cho biết đã đồng ý với UBND TPHCM về tiến trình xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong Báo cáo thẩm định dự án trình Chính phủ 20-8 vừa qua.

Theo Bộ GTVT, qua rà soát, kết quả nghiên cứu đề án và lập quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4 (gồm cảng biển TPHCM) phù hợp về lượng hàng, tỷ lệ trung chuyển thông qua khu bến cảng Cần Giờ và quy mô đầu tư khai thác bến cảng giai đoạn đến 2030 và giai đoạn sau 2030 đến 2050.

Đường vào Rừng Sác- Cần Giờ , nơi dự kiến xây Siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần GiờẢnh: HP
Đường vào Rừng Sác- Cần Giờ , nơi dự kiến xây Siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Ảnh: HP

Xác định Cảng Cần Giờ là cảng trung chuyển quốc tế, UBND TPHCM đã thống kê, đánh giá lượng hàng trung chuyển tại Cái Mép hiện chỉ đạt khoảng 324.587 TEU, chiếm dưới 5% tổng lượng hàng container thông qua, chủ yếu từ Campuchia vận chuyển bằng sà lan thông qua các tuyến đường thủy nội địa. Đề án trên cũng nhìn nhận khối lượng hàng trung chuyển tại khu vực hiện nay rất nhỏ. Nguyên nhân của thực trạng này là do chưa có hãng tàu nào có kế hoạch thiết lập đầu mối trung chuyển tại Cái Mép để gom hàng từ các nước trong khu vực về trung chuyển tại đây mà chủ yếu khai thác dựa trên nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải nhận định đề án nghiên cứu, đánh giá khá kỹ tác động của việc đầu tư khai thác cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đến các khu bến cảng, cảng biển lân cận.

Theo đề án, lượng hàng thông qua khu bến cảng Cần Giờ hướng đến loại cảng chuyên về trung chuyển với tỉ lệ trung chuyển từ 75% là hàng trung chuyển quốc tế mang từ nước khác về và 25% là hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam do hãng MSC đang đảm trách chuyên chở, phần lớn đến từ các cảng liên doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và của Công ty CP Cảng Sài Gòn.

Vì vậy, bộ đề nghị trong quá trình triển khai đầu tư khai thác, nhà đầu tư có cam kết và các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ để đảm bảo đúng tỉ lệ hàng trung chuyển khai thác tại khu bến Cần Giờ như tại đề án, tránh ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các cảng khác tại khu vực.

Do vậy, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất với mục đích khai thác phần lớn là hàng trung chuyển quốc tế. Đây là yếu tố tạo sự khác biệt rất lớn về phân khúc thị trường so với các cảng trên cả nước hiện nay.

Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam được tính toán trên cơ sở dự báo hàng hóa xuất nhập khẩu. Do vậy, khối lượng hàng hóa qua các cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần như không ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển theo quy hoạch của cảng biển Việt Nam nói chung và khu vực Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu ) nói riêng. Tuy nhiên, sau khi hình thành cảng Cần Giờ, các tàu của hãng MSC đang làm hàng tại cảng Cái Mép sẽ chuyển sang làm hàng tại cảng Cần Giờ trong tương lai.

Làm rõ khả năng thu xếp vốn của nhà đầu tư

Đề án về Cảng trung chuyển Cần Giờ dự kiến cần nguồn vốn đầu tư 128.000 tỉ đồng, do nhà đầu tư tự thu xếp bằng vốn tự có hoặc vốn vay theo lộ trình đầu tư khu bến cảng. Trong đó giai đoạn I (đầu tư xây dựng trước 2030) gồm 2 bến chính với 4 cầu cảng, 2 khu bến xà lan với kinh phí 38.500 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (sau 2030) hoàn thành 13-15 cầu cảng và 2 bến sà lan với kinh phí gần 90.000 tỉ đồng.

Đề án đã tính toán việc thu xếp vốn hạ tầng cơ bản phục vụ khai thác cảng dự kiến 240 tỉ đồng cho giai đoạn đến 2030 và 1400 tỉ đồng cho giai đoạn hoàn thiện thực hiện bằng nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư huy động. Các dự án hạ tầng có liên quan được xác định bằng vốn ngân sách hoặc vốn hợp tác đầu tư PPP.

TPHCM cũng lập hồ sơ đề xuất áp dụng phương án lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết 98/2023/QH về thí điểm một số cơ chế chính sách, đặc thù phát triển thành phố hoặc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng quyết định nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiền lực về tài chính và thu hút được hàng hóa trung chuyển.

Hiện nay, liên danh nhà đầu tư do Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC) và Terminal Investment Limited Holding S.A-TIL (đơn vị thành viên của hãng tàu biển lớn bậc nhất thế giới là Mediterranean Shipping Company – MSC) đang được UBND TPHCM nhắm đến và đề xuất lựa chọn.

MSC là hãng tàu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Geneva (Thụy Sỹ). Hãng tàu có năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu TEU/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới. Các tuyến dịch vụ của MSC đang kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới