Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Truyền hình tìm cơ hội từ giáo dục trực tuyến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Truyền hình tìm cơ hội từ giáo dục trực tuyến

Đình Nghĩa

(TBVTSG) - Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình qua giao thức Internet (IPTV) đang cố gắng tìm kiếm cơ hội trong thị trường ngách, thông qua việc cung cấp dịch vụ giáo dục, giải trí trực tuyến tại gia.

Thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền đang có dấu hiệu bão hòa khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này như Tổng công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom), Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông (VNPT), Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG)… Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường buộc các doanh nghiệp phải tìm những hướng đi mới để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Cơ hội từ thị trường ngách

Ông Đỗ Hồ Huy, Giám đốc Công ty Dịch vụ Trực tuyến số (Digionline), cho biết kể từ khi cho ra mắt thiết bị truyền hình IPTV dành cho máy tính xách tay với tên gọi TVZone vào giữa tháng 11 năm ngoái, đến nay công ty có khoảng 3.000 khách thuê bao. Lượng khách hàng chính của doanh nghiệp là các sinh viên tại TPHCM. Để xem được truyền hình, người sử dụng phải mua thiết bị với giá khoảng 300.000 đồng kèm theo trả phí thuê bao hằng tháng khoảng 30.000 đồng.

Theo ông Huy, do tốc độ đường truyền lệ thuộc vào nhà mạng viễn thông nên dịch vụ này vẫn chưa có lợi thế cạnh tranh so với các trang web cung cấp phim trực tuyến miễn phí. Doanh nghiệp hiện đang hợp tác với các hãng phim, đài truyền hình để nâng cao chất lượng nội dung cung cấp đến khách hàng.Trong thời gian tới, Digionline sẽ tiếp tục theo đuổi lĩnh vực truyền hình di động và có kế hoạch hợp tác với hai công ty truyền hình cáp là SCTV và HTVC để tăng nguồn phim cho TVZone, kèm theo đó là việc đầu tư cho đội ngũ chăm sóc khách hàng.

Chọn cho mình một hướng đi khá đặc biệt, Công ty Công nghệ Điện tử Viễn thông Elcom bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng với sản phẩm eHotel từ cuối năm 2010. Đến nay, doanh nghiệp này có khoảng 1.000 khách thuê bao, trong đó có khu nghỉ dưỡng Vinpearl Land và Mia ở Nha Trang, Phi Lao ở Vũng Tàu.

Ông Cao Quốc Đạt, Phó giám đốc kinh doanh của Elcom, nói rằng chỉ riêng dịch vụ eHotel đã đem về nguồn thu cho công ty 3 tỉ đồng vào năm 2012, tăng 20% so với năm trước đó. “Tuy nhiên, thị trường này đang có dấu hiệu chững lại do chủ các khách sạn đang cắt giảm đầu tư cho khoản này”, ông Đạt nói.

Theo Sách trắng công nghệ thông tin - truyền thông năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông, lượng khách thuê bao truyền hình cáp trên cả nước là khoảng 2,5 triệu, truyền hình số mặt đất khoảng 2 triệu, trong khi truyền hình số vệ tinh chỉ khoảng 500.000. Bên cạnh đó, cũng theo thống kê của bộ này, tổng số hộ gia đình thành thị và gần thành thị tính từ tỉnh Khánh Hòa trở vào phía Nam khoảng 8,7 triệu.

Từ những số liệu kể trên, Giám đốc Công ty Dịch vụ Trực tuyến Vân Phong (Iwind), bà Phạm Thị Minh Trang, ước tính cả nước có khoảng 5 triệu hộ gia đình có thu nhập từ trung bình khá trở lên có khả năng chi trả hằng tháng cho dịch vụ truyền hình.

Giáo dục trực tuyến –– hướng đi mới

Công ty Vân Phong (Iwind) đã thực hiện một cuộc khảo sát và cho biết, tại phân khúc thị trường truyền hình IPTV, Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC có khoảng 200.000 khách thuê bao, chủ yếu ở khu vực gần các thành phố lớn. Trong khi đó, thị phần của các nhà cung cấp còn lại như FPT, Viettel, VTC Digicom (thuộc VTC) không đáng kể. Do vậy, khoảng 3 triệu hộ gia đình còn lại chưa sử dụng truyền hình IPTV là một thị trường khá lớn khi Iwind đang hướng đến việc cung cấp dịch vụ truyền hình với tính năng giải trí, giáo dục trực tuyến trong thời gian tới.

“Chúng tôi đã hợp tác với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông tại Trung Quốc, để kinh doanh thiết bị chuyển đổi ti vi LCD thành ti vi thông minh thông qua một bộ giải mã tín hiệu truyền hình IPTV. Ngoài việc xem phim, truyền hình, duyệt web, người tiêu dùng có thể chơi trò chơi trực tuyến, mua hàng qua mạng, đọc sách báo điện tử, học ngoại ngữ trực tuyến…”, bà Trang nói.

Bên cạnh đó, thiết bị chạy trên nền tảng Android này còn giúp các bậc cha mẹ có thể quản lý việc các con mình chọn lựa các bộ phim, trò chơi trực tuyến sao cho mang tính giáo dục, ngăn chặn các kênh giải trí có nội dung không lành mạnh.

Không chỉ Iwind, ngay cả Elcom cũng có tham vọng thâm nhập thị trường tiềm năng kể trên. Cụ thể, trong quý 1-2013, Elcom bắt đầu xây dựng kênh phân phối bằng việc hợp tác với các hãng bán lẻ hàng điện máy, các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet để đưa thiết bị với tên gọi eBop đến tay người tiêu dùng.

Tuy không tiết lộ về kinh phí đầu tư cho dự án mới này, nhưng ông Đạt cho biết, Elcom đã đầu tư cho khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) khoảng 3 tỉ đồng.

Trong khi đó, bà Trang cho biết Iwind đã hợp tác với trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM trong việc kiểm định chất lượng, sửa chữa thiết bị cũng như hợp tác với nhà mạng VNPT để tăng cường chất lượng đường truyền Internet phục vụ khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp này dự kiến sẽ liên kết với Cục Thuế TPHCM để cung cấp dịch vụ tư vấn thuế qua ti vi cho các hộ gia đình.

Cơ hội kinh doanh tuy nhiều nhưng theo các doanh nghiệp kể trên, một khó khăn mà họ cần giải quyết trước tiên nếu muốn thành công tại các phân khúc mới là chinh phục niềm tin của người tiêu dùng. Hiện tại, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng dịch vụ truyền hình cáp hơn so với truyền hình IPTV vì chất lượng ổn định. Trong khi đó, dịch vụ truyền hình IPTV lại phụ thuộc vào đường truyền Internet của các hãng viễn thông và thỉnh thoảng vẫn xảy ra sự cố kỹ thuật mặc dù công nghệ truyền thông thế hệ thứ ba 3G – cho phép truyền tải các dữ liệu, âm thanh, hình ảnh chất lượng cao – đã được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới