Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sửa Luật Đầu tư công: tránh cơ chế ‘xin – cho’

Thùy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo ông, việc sửa đổi luật nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế "xin - cho".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Sáng 29-10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe trình bày tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), TTXVN đưa tin.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lần sửa đổi này hướng đến việc phân cấp, phân quyền theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.

Việc sửa đổi luật cũng nhằm đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế "xin - cho"…

Dự thảo gồm 7 chương, 109 điều với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn.

Đáng lưu ý, dự thảo có nội dung đề xuất cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C).

Tiếp đến là nhóm chính sách về thúc đẩy việc phân cấp, phân quyền gồm phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ; phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương, các khoản vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo cũng đưa ra quy định nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỉ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.

Chính phủ đề xuất phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỉ đồng. Dự án nhóm A từ 10.000 tỉ đồng đến 30.000 tỉ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với nhóm chính sách về thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, luật sửa đổi lần này bao gồm bổ sung quy định về việc cho phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương và kế hoạch vốn cho vay lại của ngân sách địa phương được giải ngân theo quy định về quản lý nợ công, không phụ thuộc vào tỷ lệ cấp phát và cho vay lại.

Cùng với đó là đơn giản hóa nội dung liên quan đến đề xuất dự án; bổ sung hoạt động lập đề xuất dự án vào nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn cho nhiệm vụ này; phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương… về chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý sang kiến tạo phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới