Thứ hai, 4/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ ‘dân chủ hóa’ mua sắm trực tuyến bằng mạng lưới thương mại điện tử mở

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ấn Độ đang chuẩn bị khởi động một sáng kiến thương mại điện tử do chính phủ hậu thuẫn để “dân chủ hóa” hoạt động mua sắm trực tuyến, cho phép kết nối người mua và người bán từ các nền tảng khác nhau. Điều này khác với nền tảng thương mại hàng đầu hiện nay, chỉ cho phép người dùng sử dụng các dịch vụ độc quyền của họ để thực hiện các giao dịch.

ONDC được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cuộc chơi trên thị trường thương mại điện tử Ấn Độ. Ảnh: Hubpages

Sáng kiến này là một nỗ lực đầy tham vọng nhằm thách thức sự thống trị của các công ty thương mại điện tử Amazon và Flipkart (thuộc sở hữu của Walmart) tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.

Open Network for Digital Commerce (Mạng lưới thương mại số hóa mở - ONDC), một công ty phi lợi nhuận do Bộ thương mại Ấn Độ thành lập năm ngoái, đang hoạt động thử nghiệm tại hơn 85 thành phố bao gồm trung tâm công nghệ Bangalore trước khi chính thức vận hành trên toàn quốc vào năm tới.

Trong khi các công ty thương mại điện tử hàng đầu như Amazon điều hành các dịch vụ độc quyền, giúp họ kiểm soát mọi thứ từ đăng ký bán hàng của nhà cung cấp, hoạt động giao hàng cho đến trải nghiệm khách hàng, thì ONDC là một mạng lưới nơi người mua và người bán có thể giao dịch bất kể họ đang sử dụng ứng dụng hoặc nền tảng dịch vụ nào.

ONDC sẽ cho phép khách hàng sử dụng một ứng dụng, chẳng hạn như ứng dụng thanh toán di động của Công ty công nghệ tài chính Paytm (Ấn Độ), để tìm và đặt mua hàng tạp hóa từ một nhà cung cấp đã đăng ký hoạt động ở một nền tảng khác, chẳng hạn như eSamudaay, một nền tảng thương mại điện tử dành các doanh nghiệp nhỏ ở Ấn Độ.

Sau đó, hàng đã đặt mua có thể được vận chuyển bởi bất kỳ nền tảng nào bên ngoài, chẳng hạn như dịch vụ giao hàng Dunzo, được đánh giá là có tốc độ giao nhanh nhất và phí thấp nhất ở Ấn Độ.

Giới chức trách Ấn Độ lập luận rằng nỗ lực hỗ trợ các giao dịch trên các nền tảng theo cách này sẽ tạo ra một nhóm người bán và người tiêu dùng lớn hơn rất nhiều, đồng thời dẫn đến chi phí thấp hơn và thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử nhanh hơn ở quốc gia 1,4 tỉ dân này.

Họ xem sự thành công của mạng thanh toán di động UPI, được phát triển vào năm 2016 như là một hình mẫu để phát triển ONDC. UPI (viết tắt của Unified Payments Interface) nói theo cách đơn giản là một hệ thống thanh toán trực tuyến cho phép người dùng tích hợp các tài khoản ngân hàng vào một ứng dụng và chuyển tiền liên ngân hàng theo thời gian thực.

ONDC mở ra cơ hội tham gia thương mại điện tử dễ dàng đối với hàng triệu cửa hàng tạp hóa ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Thampy Koshy, Giám đốc điều hành ONDC, cho biết ONDC có thể cung cấp một giải pháp thay thế cho xu hướng độc quyền của các nền tảng thương mại điện tử lớn vào thời điểm mà các cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang tìm cách kiềm chế sức mạnh và sự thống trị của Big Tech.

“Thương mại trên toàn thế giới đã phát triển giống những khu vườn có tường bao bảo vệ. Điều đó gây ra những lo ngại nghiêm trọng cho các thị trường phát triển và đang phát triển”. Thampy Koshy chia sẻ quan điểm, và theo ông, với ONDC, mọi người sẽ phải cạnh tranh dựa trên những gì họ cung cấp, chứ không phải dựa vào cơ sở người dùng cố định mà họ có.

Theo Ngân hàng đầu tư Jefferies, Ấn Độ có khoảng 200 triệu người dùng thương mại điện tử. Các công ty thương mại điện tử trong nước và quốc tế đã đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ để phát triển nền tảng của họ ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử vẫn tập trung vào các khu vực đô thị tương đối giàu có. Cho đến nay, chỉ 0,1% trong số 12 triệu cửa hàng bán lẻ của Ấn Độ được kết nối kỹ thuật số, theo Ngân hàng Jefferies.

Các cơ quan quản lý Ấn Độ cho biết các rào cản gia nhập thị trường thương mại điện tử còn quá lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ, vì vậy mà họ đang mất thị phần vào tay những tay chơi lớn trên thị trường này.

Giới chức trách Ấn Độ xem việc xóa bỏ các rào cản là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước thông qua các công cụ như UPI và ONDC. Các giao dịch thông qua UPI đã tăng lên hơn 7 tỉ đô la Mỹ mỗi tháng khi các doanh nghiệp giao dịch bằng tiền mặt bắt đầu chuyển sang thanh toán số.

Giới chức trách hy vọng ONDC có thể khuyến khích các cửa hàng truyền thống chuyển sang bán hàng trực tuyến. Công ty này đã huy động được 1,8 tỉ rupee (22 triệu đô la Mỹ) từ một loạt các nhà đầu tư bao gồm Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI) và các các ngân hàng tư nhân như Ngân hàng Kotak Mahindra.

Nhưng các nhà phân tích lưu ý việc vận hành ONDC hiệu quả sẽ khó khăn hơn nhiều. Satish Meena, một nhà phân tích độc lập, nói: “UPI giúp chuyển tiền từ ví kỹ thuật số này sang ví kỹ thuật số khác. Trong khi đó, ONDC liên quan đến việc di chuyển hàng hóa vật chất, vì vậy khó thực hiện hơn nhiều”.

Theo báo chí Ấn Độ, các cuộc thử nghiệm của ONDC đã ghi nhận những khó khăn khi người dùng ở các thành phố phàn nàn về việc hủy bỏ đơn hàng, chậm trễ giao hàng và danh mục hàng hóa lộn xộn.

Meena cũng hoài nghi về khả năng ONDC phá vỡ thế độc quyền nhóm của các nền tảng thương mại điện tử như Amazon và Flipkart. Ông chỉ ra rằng những gã khổng lồ công nghệ như Google Pay của Google và PhonePe (thuộc sở hữu của Walmart) hiện đang thống trị thị phần giao dịch UPI.

Không phải ai cũng hào hứng với ONDC. Trong khi Paytm đã tham gia, Amazon và Flipkart vẫn chưa hoạt động trên nền tảng này dù trước đó cho biết sẽ tham gia.

Thampy Koshy của ONDC cho rằng các công ty thương mại điện tử lớn nhất “sẽ mất nhiều thời gian hơn một chút” để đăng ký hoạt động trên ONDC vì họ cần cân nhắc những ưu và nhược điểm của việc tham gia.

Nhưng ông cho rằng những khó khăn khác trong các cuộc thử nghiệm sẽ được giải quyết. Bởi, ONDC có thể thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng, vì vậy không có lý do nào khiến nó không hoạt động.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới