Thứ Ba, 18/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bài học từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nâng cao năng lực đề xuất, ban hành chính sách phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi là bài học kinh nghiệm quan trọng nhất sau hai năm triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội (Chương trình).

Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 vào thứ Bảy, ngày 25-5-2024. Ảnh: TTXVN

Được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất trong bối cảnh đặc biệt, Nghị quyết 43 tập hợp những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, quyết liệt, mang tính đặc thù, chưa từng có tiền lệ nhằm đạt mục tiêu kép: vừa hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19; vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch. Ngày bế mạc kỳ họp bất thường (ngày 11-1-2022) cũng chính là ngày Nghị quyết 43 có hiệu lực thi hành để Chính phủ sớm triển khai thực hiện.

Hai năm qua, Nghị quyết 43 trở thành điểm tựa quan trọng, đưa kinh tế nước ta phục hồi tích cực. Trong Báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43, Đoàn giám sát của Quốc hội khẳng định “nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong nghị quyết này cơ bản hoàn thành”. Trong đó, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,05% – tuy không đạt mục tiêu Quốc hội giao song cũng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, giảm lãi suất cho vay đã góp phần hỗ trợ dòng tiền, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng thực hiện đạt 44.458 tỉ đồng, bằng 90% số dự kiến; lãi suất cho vay giảm khoảng hơn 1%/năm so với cuối năm 2022. Ngân sách trung ương hỗ trợ cho 59/60 địa phương để hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,2 triệu lượt người lao động với tổng số kinh phí 3.679,3 tỉ đồng, đạt 56% dự kiến. Đến hết năm 2023, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân cho vay các chương trình tín dụng đạt 38.400 tỉ đồng cho hơn 615.600 lượt khách hàng, đạt 100% tổng quy mô chính sách.

Triển khai giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 tại thời điểm này – bên cạnh việc đánh giá kết quả, làm rõ nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, thì điều quan trọng không kém là phải rút ra các bài học kinh nghiệm ban hành chính sách trước tình huống bất thường, khó khăn, thách thức của đất nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết 43 còn một số hạn chế đã được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ rõ. Trong đó, đáng chú ý là công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu của Nghị quyết 43. Danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến khi trình Quốc hội ban hành nghị quyết này. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn của chương trình.

Cùng với đó, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án đầu tư không bảo đảm thời hạn quy định trong hai năm 2022-2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm nên Chính phủ đã kiến nghị và được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn của Chương trình.

Một số chính sách được người dân, nhất là công nhân lao động và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và chờ đợi thì kết quả lại hết sức khiêm tốn. Ví dụ, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 3,05% kế hoạch. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cũng chỉ đạt 56%, phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác. Chính sách sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích chưa thực hiện giải ngân được như dự kiến. Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã được tăng vốn điều lệ nhưng cũng chưa được sử dụng hiệu quả.

Việc không triển khai đúng hạn và đầy đủ các dự án, các gói ưu đãi của Chương trình khiến các giải pháp chính sách không đạt mục tiêu như kỳ vọng. Hơn nữa, vào thời điểm ban hành Nghị quyết 43, điều kiện của đất nước hết sức khó khăn, nhưng Chính phủ, Quốc hội đã cố gắng cân đối, dành nguồn lực cho Chương trình. Thực tế, chúng ta chưa sử dụng hết, chưa sử dụng hiệu quả nguồn lực này thì cũng có thể xem là một sự lãng phí.

Trong số những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện Nghị quyết 43 chưa đạt được kết quả mong đợi mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra, yếu tố con người, hay nói cách khác là nguyên nhân chủ quan, chiếm phần đáng kể. Bên cạnh tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả thì một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng chưa sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách.

Đặc biệt, hạn chế trong năng lực đề xuất, ban hành chính sách đã dẫn đến một số chính sách chưa sát thực tế. Ví dụ, các dự án đầu tư phát triển bị chậm tiến độ một phần do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đăng ký các dự án chưa có trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 (255/264 dự án). Hoặc, Nghị quyết 43 đầu tư 14.000 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng…

Tuy nhiên, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc dự kiến đầu tư các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng không bám sát thực tiễn. Thực tế trong các dự án lĩnh vực y tế được duyệt không có dự án nào dành cho trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng theo nội dung chính sách đầu tư phát triển về y tế được nêu tại Nghị quyết số 43. Hiện nay cũng chưa có quyết định thành lập và chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng nên chưa thể thực hiện đầu tư và đăng ký vào danh mục của chương trình.

Cho đến nay, hầu hết các chính sách theo Nghị quyết 43 đã kết thúc, chỉ còn chính sách về đầu tư phát triển đang tiếp tục thực hiện do Quốc hội cho phép kéo dài đến 31-12-2024 và chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đến 30-6-2024. Triển khai giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 tại thời điểm này – bên cạnh việc đánh giá kết quả, làm rõ nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, thì điều quan trọng không kém là phải rút ra các bài học kinh nghiệm ban hành chính sách trước tình huống bất thường, khó khăn, thách thức của đất nước. Nâng cao năng lực đề xuất, ban hành chính sách phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi có lẽ là một trong những bài học quan trọng nhất, cần được các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận tại hội trường về Báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 vào thứ Bảy tuần này (25-5-2024).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới