Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bàn tiếp về quy hoạch khoáng sản – trường hợp titan ở Bình Thuận

TS. Nguyễn Thành Sơn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc kết hợp hài hòa giữa quy hoạch khoáng sản với quy hoạch các ngành kinh tế khác, nếu làm tốt, sẽ có tác dụng như đòn bẩy để tất cả cùng phát triển; ngược lại thì sự phát triển của ngành khai khoáng có thể đặt dấu chấm hết cho các ngành khác. Nội dung bài viết đề xuất một số giải pháp xử lý cụ thể các vấn đề có liên quan của quy hoạch thăm dò, dự trữ, khai thác và chế biến titan kết hợp với việc phát triển hiệu quả và bền vững tỉnh Bình Thuận.

Khai thác titan ở Bình Thuận. Ảnh: baobinhthuan.com

Đòn bẩy để phát triển các ngành kinh tế khác

Quy hoạch khoáng sản (QHKS) trước hết phải phù hợp (không xung đột) với các quy hoạch ngành kinh tế khác (nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng…). Ngoài ra, QHKS có liên quan mật thiết với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản được quy hoạch.

Đặc biệt, đối với các tỉnh có tiềm năng lớn về những khoáng sản có giá trị chiến lược, như than đá (Quảng Ninh), than nâu (Thái Bình), bauxite (Lâm Đồng, Đắk Nông), titan (Bình Thuận), đồng (Lào Cai), sự gắn kết một cách hài hòa giữa QHKS với các quy hoạch tỉnh cần được giải quyết một cách tối ưu.

Trong điều kiện nền kinh tế của Việt Nam đang có nhu cầu phát triển cao, bài toán tối ưu hóa các quy hoạch ngành kinh tế (trong đó có khoáng sản) và các quy hoạch vùng lãnh thổ (quy hoạch của các tỉnh) cần được xây dựng để khai thác tối đa các nguồn khoáng sản vốn rất có hạn nhằm cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho phát triển các ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế; đồng thời nâng cao sức cạnh tranh chung của vùng kinh tế và nâng cao mức thu nhập của cư dân trên địa bàn.

Quảng Ninh là một hiện tượng điển hình trong việc phát triển hài hòa giữa ngành than với các ngành kinh tế khác như điện, xi măng, cơ khí, hóa chất, cảng biển, giao thông vận tải, đặc biệt là với du lịch và xây dựng đô thị (phát triển bất động sản).

Bảy đề xuất với ngành titan ở Bình Thuận

Trước hết, định hướng của QHKS có liên quan đến Bình Thuận là hình thành “trung tâm chế biến quặng titan”. Vì vậy, các dự án liên quan đến titan cần được ghi rõ là “khai thác - chế biến” (khai thác gắn liền với chế biến) coi chế biến là điều kiện bắt buộc. Việc chế biến sâu cần có định hướng phát triển hiệu quả tương tự như các dự án tuyển than ở Quảng Ninh. Đặc biệt, QHKS cần tiến tới mục tiêu hình thành một khu kinh tế đặc biệt dưới dạng một “thung lũng titan” của Việt Nam ở Bình Thuận.

Thứ hai, cũng giống như than ở Quảng Ninh, các dự án khai thác và chế biến titan trên địa bàn Bình Thuận cần được quy hoạch với quy mô công suất lớn để có điều kiện đầu tư các công nghệ khai thác và công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại theo định hướng của nền kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, quy hoạch không nên đưa ra giới hạn về tổng công suất của khâu chế biến để phù hợp với chủ trương khuyến khích chế biến nhằm tạo cơ hội cho mọi đối tượng và thành phần kinh tế đầu tư vào khâu chế biến titan.

Trước hết, định hướng của QHKS có liên quan đến Bình Thuận là hình thành “trung tâm chế biến quặng titan”. Vì vậy, các dự án liên quan đến titan cần được ghi rõ là “khai thác - chế biến” (khai thác gắn liền với chế biến) coi chế biến là điều kiện bắt buộc.

Với công nghệ khai thác lộ thiên, các mỏ quặng sa khoáng ở Bình Thuận nên được quy hoạch với công suất tối thiểu (tính theo khoáng vật nặng) không dưới 0,5 triệu tấn/năm.

Trên thế giới, chu kỳ đổi mới công nghệ khai thác các mỏ lộ thiên hiện nay bình quân là dưới 8 năm, chu kỳ đổi mới công nghệ chế biến bình quân là dưới 10 năm. Các dự án khai thác và chế biến trên thế giới thường có 3-5 chu kỳ đổi mới công nghệ. Hay nói cách khác, thời gian tồn tại (đời sống kinh tế) của các dự án khai khoáng là 24-50 năm.

Như vậy, mỗi dự án khai thác - chế biến titan cần được quy hoạch với trữ lượng công nghiệp ít nhất là 12-25 triệu tấn (tính theo khoáng vật nặng). Vì vậy, việc quy hoạch khoáng sản ở Lương Sơn huyện Bắc Bình với 13 dự án là không có cơ sở. Nên giữ nguyên như trong các quy hoạch trước.

Thứ ba, để tránh tình trạng “chồng lấn” quy hoạch (vốn có) và tránh mâu thuẫn (sẽ có) giữa trung tâm chế biến quặng titan với trung tâm du lịch - thể thao biển, QHKS lần này cần xử lý/giải quyết dứt điểm các vấn đề cụ thể có liên quan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo tinh thần thống nhất giữa tỉnh Bình Thuận với Ban Kinh tế Trung ương. Cụ thể như sau:

- Đối với các dự án đã cấp phép khai thác titan có khả năng ảnh hưởng đến các quy hoạch du lịch và năng lượng: các chủ giấy phép đang còn hạn khai thác được chuyển đổi giấy phép sang khu vực mới theo hướng sáp nhập để hình thành thành một dự án mới có quy mô lớn hơn kèm với chế biến sâu được triển khai trong phạm vi khu mỏ Lương Sơn III, huyện Bắc Bình.

- Một số không nhiều các dự án đã cấp phép khai thác, nằm trong khu vực có khả năng ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển du lịch và năng lượng, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không có công nghệ chế biến sâu và/hoặc không có khả năng chế biến sâu nên được đưa ra khỏi QHKS lần này.

Thứ tư, QHKS cần ưu tiên khuyến khích các chủ đầu tư và/hoặc các dự án phát triển đồng bộ, khép kín theo nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh như đã được chỉ ra trong Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.

Theo đó, cần xác định trong QHKS việc bắt buộc hình thành các dự án “tuần hoàn” và “xanh” trên cơ sở tận dụng các diện tích/khu vực đã khai thác để phát triển các dự án như nông nghiệp công nghệ cao, và/hoặc điện gió, và/hoặc điện mặt trời, và/hoặc du lịch/bất động sản, nhằm mang lại lợi ích cao nhất trong sử dụng các nguồn tài nguyên đất; QHKS cần đưa ra các mục tiêu (dự kiến) quy hoạch phát triển các dự án xanh (như nông nghiệp, hay điện gió, hay điện mặt trời) được triển khai ngay trong các quy trình hoàn thổ và đóng cửa mỏ của các chủ đầu tư, để tận dụng những diện tích thải ra từ ngành khai khoáng thành đầu vào cho phát triển các ngành kinh tế khác.

Thứ năm, để giảm thiểu đến tối đa việc chiếm đất và xâm hại đến môi trường trong hoạt động khoáng sản, ngoài việc gắn chặt khai thác với chế biến về mặt công nghệ, QHKS cũng cần gắn chế biến với khai thác về mặt không gian - chế biến tại chỗ, chế biến ngay trên bờ mỏ (trong cùng một mặt bằng công nghiệp). Điều này còn có ý nghĩa về mặt kinh tế - giảm chi phí vận tải.

Thứ sáu, QHKS cần tính đến khả năng tận dụng các khoảng không đã khai thác titan và điều kiện tự nhiên (nguồn nước khoảng 400 triệu mét khối từ sông Lũy sau thủy điện Đại Ninh và thủy điện Bắc Bình đang đổ lãng phí ra biển hàng năm) để thiết lập các hồ chứa nước ngọt nhân tạo (giống như các hồ tự nhiên Bầu Ông, Bầu Bà), nhằm bổ sung nguồn nước ngọt vốn đang rất khan hiếm ở Bình Thuận để trước hết cấp nước sinh hoạt cho khu đô thị Phan Rí Cửa và tạo ra các cảnh quan cho phát triển du lịch và/hoặc bất động sản.

Thứ bảy, với công nghệ khai thác lộ thiên các mỏ sa khoáng bằng sức nước, đất đá bóc chính là cát sạch đã qua rửa nước, nhưng thường có độ hạt rất mịn, không thể sử dụng trong sản xuất bê tông, song rất phù hợp cho san lấp mặt bằng, trong khi Bình Thuận còn tương đối nghèo về tài nguyên đất. Vì vậy, trong QHKS cũng nên xem xét, khuyến khích việc tận dụng cát mịn để phát triển quỹ đất (lấn biển như ở Quảng Ninh). Điều này nếu được thực hiện còn tạo ra nhiều khoảng không để hình thành các hồ chứa nước ngọt trên đất liền (giống như các mỏ than đã đóng cửa ở Quảng Ninh).

(*) Tổng giám đốc Công ty Tư vấn New Technology Solutions.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới