Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Báo động bệnh chổi rồng lây lan các cây ăn trái khác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Báo động bệnh chổi rồng lây lan các cây ăn trái khác

Tạ Minh Tuấn*

Báo động bệnh chổi rồng lây lan các cây ăn trái khác
Nhãn bị bệnh chổi rồng – Ảnh: Minh Tuấn

(TBKTSG Online) – Theo Cục bảo vệ thực vật, bệnh chổi rồng trên cây nhãn đã bùng phát thành dịch ở nhiều tỉnh. Công bố dịch để  tập trung mọi nguồn lực dập dịch “cứu” vườn nhãn và tránh lây sang các loại cây ăn trái khác.

>> Đồng Tháp: Công bố dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn

Lâu nay các nhà khoa học về cây ăn trái cho rằng bệnh chổi rồng thuộc về cây nhãn. Ở nước ta chỉ một vài giống nhãn bệnh chổi rồng và nặng nhất là giống nhãn tiêu da bò.

Một thời gian dài người ta mô tả về sự hiện diện của nhện lông nhung (bản thân nhện này không có bộ lông nhung), kích thích lá cây non tạo ra những “phản ứng” để rồi lá non mọc “nhung”. Lá và hoa teo tóp không phát triển tốt được và cuối cùng tạo thành búi như đầu lân hay “chổi rồng”. Biện pháp quan trọng đã khuyến cáo trước đây là diệt nhện lông nhung: “không có nhện lông nhung, cây không có bệnh”.

Gần đây, tấm màn bí mật về bệnh chổi rồng ngày càng được lộ rõ. Vẫn có sự hiện diện của nhện lông nhung nhưng với vai trò là môi giới truyền bệnh. Ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam cho rằng bệnh chổi rồng do vi khuẩn thuộc nhóm Gamma Proteobacteria và côn trùng  môi giới truyền bệnh là nhện lông nhung Phytoplasma.

Theo ngành bảo vệ thực vật, trong tổng số hơn 34.770 héc ta nhãn, diện tích nhiễm bệnh chiếm khoảng 30%. Trong đó Đồng Tháp là tỉnh nhiễm nặng nhất với 3.650 héc ta, các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre…cũng đã nhiễm bệnh nặng và trên diện rộng.

Theo quan sát của chúng tôi, bệnh chổi rồng có mặt trên cả nước. Ở các vùng, khu vườn chuyên canh nhẹ hơn, ở các vùng trồng rải rác nhãn bị bệnh chổi rồng còn nặng hơn. Nguy hại hơn, khi cây nhiễm bệnh, do gỗ nhãn khô rất cứng, nhà vườn để đó cho đến chết, hệ lụy là tồn dư nguồn bệnh khắp mọi nơi.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Viện phó Viện cây ăn quả miền Nam, bệnh chổi rồng không chỉ gây hại ở mức báo động trên cây nhãn mà hiện còn lây lan sang một số cây trồng khác như chôm chôm, cam, quýt, bồ ngót. Ông Hòa thống nhất nhận định, bệnh chổi rồng do vi khuẩn siêu nhỏ thuộc nhóm Gamma Proteobacteria gây ra và đối tượng môi giới chủ yếu là nhện lông nhung. Hiện chưa có thuốc trị vi khuẩn này nên biện pháp quan trọng đã khuyến cáo trước đây là diệt nhện lông nhung vẫn rất cần thiết. 

Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, Bến Tre thì Chợ Lách đang nhiễm bệnh chổi rồng rất nghiêm trọng, từ 70-90% cây nhãn và đang có dấu hiệu lây lan sang cây chôm chôm.

Các nhà khoa học khuyến cáo nông dân chọn giống sạch bệnh (trong đó sạch vi khuẩn Gamma Proteobacteria), phòng trừ côn trùng môi giới đúng lúc, đúng cách. Chăm sóc tốt để vườn cây khỏe mạnh và thông thoáng. Thăm vườn thường xuyên và khi có dấu hiệu bệnh chổi rồng thì phun thuốc diệt nhện toàn bộ các cây trên vườn. Phun thuốc diệt nhện lông nhung, xịt rất kỹ cây bệnh và càng sớm càng tốt. Sau khi phun thuốc, cắt tất cả cành và hoa bị nhiễm bệnh tiêu hủy.

Riêng về khâu giống, các trại giống cần nhận thấy sự nguy hiểm của việc truyền bệnh chổi rồng qua cây giống đến các tiểu vùng chưa có bệnh, trước mắt là cây nhãn và các cây ăn trái khác. Kiên quyết không dùng cây mẹ đã nhiễm bệnh để làm vật liệu (chiết, ghép) nhân giống.

——————————-

* Chuyên viên Hiệp hội rau quả Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới