Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo vệ người tiêu dùng trong thị trường ảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo vệ người tiêu dùng trong thị trường ảo

Vân Oanh

(TBVTSG) – Thương mại điện tử ở Việt Nam đang có sự tăng tốc, thể hiện qua sự phát triển nhanh chóng của các loại hình mua bán, giao dịch thông qua môi trường điện tử trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, những hạn chế và rủi ro của loại hình thương mại này cũng ngày càng bộc lộ rõ nét và một trong những nguyên nhân chính đó là thiếu một hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng.

Từ nhu cầu của thực tế, vào cuối tháng 11 tại Hà Nội, hai đơn vị thuộc Bộ Công Thương là Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã phối hợp tổ chức cuộc hội thảo về chủ đề bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, nói rằng tình trạng gian lận, thiếu minh bạch và không tôn trọng cam kết giữa người bán và người mua trong hoạt động kinh doanh trực tuyến đã trở thành nguyên nhân chính làm cho người tiêu dùng e ngại việc mua hàng hóa trên mạng.

Là người có dịp tham dự nhiều cuộc hội thảo quốc tế liên quan đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, nhìn nhận rằng ở Việt Nam vẫn còn thiếu một hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Năm 2005, Việt Nam đã ban hành Luật Giao dịch điện tử và sau đó một loạt các nghị định, thông tư liên quan đến giao dịch điện tử trong các hoạt động tài chính cũng đã ra đời. Tuy nhiên, các quy định của luật chủ yếu tập trung vào việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại và chống thư rác. Bà Nga cho rằng trong thời gian sắp tới, người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến sẽ được bảo vệ tốt hơn bởi Luật Bảo vệ người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua hồi tháng trước và sẽ có hiệu lực từ đầu tháng Bảy năm sau. Trong luật này có một số nội dung liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

So sánh giữa giao dịch thương mại điện tử với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại một số quốc gia

Bà Nga dẫn chứng Điều 8 của luật này quy định, người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc của hàng hóa và các thông tin liên quan cần thiết khác. Bên cạnh đó người tiêu dùng còn được bảo đảm an toàn bí mật thông tin khi tham gia giao dịch mua bán, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Luật cũng quy định rõ trong trường hợp các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng phải có trách nhiệm thông báo công khai, rõ ràng trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích thu thập và sử dụng thông tin của họ và phải sử dụng thông tin đúng mục đích đã thông báo, khi chuyển giao thông tin kể trên cho bên thứ ba cần bảo đảm tính an toàn, chính xác và phải được sự đồng ý của người tiêu dùng… Ngoài ra, luật cũng quy định vấn đề giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử. Trong trường hợp có cách hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì đơn vị có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Ông Trần Vũ Thạch, Phó trưởng Phòng Pháp chế, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, nói thêm rằng năm 2008, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư quy định về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên trang web thương mại điện tử. Tuy nhiên, để nâng cao yêu cầu về việc bảo vệ người tiêu dùng, bộ đang soạn thảo thông tư quản lý hoạt động của các trang web bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến. Dự kiến thông tư sẽ được ban hành vào cuối năm nay và sẽ tạo điều kiện để công tác quản lý các trang web thương mại điện tử cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.

Bên cạnh sự bảo vệ của pháp luật, ông Linh cho rằng người tiêu dùng phải tự nâng cao khả năng tự bảo vệ mình và đây là yếu tố quan trọng. Ngoài việc cần cân nhắc và cẩn trọng khi công bố thông tin cá nhân trên môi trường điện tử, người tiêu dùng cần tham khảo kỹ các điều khoản sử dụng trang web, chính sách mua hàng, thanh toán, vận chuyển cũng như chính sách hoàn trả, bảo hành, giải quyết khiếu nại, thắc mắc… của nhà cung cấp dịch vụ.Bà Nga tư vấn rằng khách hàng cần xác định rõ mức chi phí mua bán và có bước so sánh giá bán, phí vận chuyển tại nhiều trang web khác nhau, kiểm tra lại giá trị thanh toán, địa chỉ giao hàng… và sau khi thực hiện giao dịch, tuyệt đối không trả lời thư điện tử (e-mail) hay bất cứ yêu cầu nào về việc cung cấp thông tin tài chính, cá nhân. Sau khi thanh toán chi phí cần kiểm tra thông tin tài khoản ngân hàng để biết chính xác số tiền đã chuyển đến nhà cung cấp dịch vụ. Nếu tài khoản có dấu hiện bị hao hụt nhiều hơn so với khoản phí cần thanh toán thì người mua nên liên hệ ngay với ngân hàng phát hành thẻ để tạm thời đóng thẻ lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới