Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bát ngát tràm chim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bát ngát tràm chim

Tràm Chim mùa nước nổi – Ảnh: ĐHT

(TBKTSG Online) – Đến Tràm Chim vào mùa nước nổi, ngồi vỏ lải chạy vòng quanh, hoặc xuyên qua những cánh đồng, những khu rừng, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của một vùng đồng bưng hoang dã, xen kẽ giữa những cánh rừng tràm và đồng cỏ năn, những lung sen, những đồng lúa ma và  những dòng kênh dài xa tít tắp.  

Trên đường từ TPHCM về miền Tây, gần đến cầu Mỹ Thuận, rẽ phải vào tỉnh lộ 30, đi khoảng 30 km thì tới thành phố Cao Lãnh, tỉnh lỵ của Đồng Tháp. Từ đây lại đi tiếp 30 km dọc theo sông Tiền là tới thị trấn Thanh Bình, rồi tiếp tục đi tới thị trấn huyện Tam Nông. Vậy là chỉ còn 4km nữa là đến Tràm Chim.  

Sau buổi cơm chiều ở thị trấn huyện, chúng tôi đến trụ sở của Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim lúc trời chập choạng tối. Trên một cây tràm rậm phía sau nhà nghỉ, một con bồ nông rất to đang vỗ cánh xành xạch như chào khách lạ. “Con chim nầy trước đây bị thương, anh em giữ rừng mang về chăm sóc. Khi lành vết thương, nó thường về thăm chúng tôi….”, anh bảo vệ khu nhà nghỉ cho biết. Chú  bồ nông nầy nặng chừng 15 kg, trông vẻ thân thiện, dạn dĩ.  

Buổi tối, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Vườn quốc gia mời xem phim giới thiệu về Tràm Chim. Đây là một loại rừng ngập nước thiên nhiên rất hiếm hoi, còn sót lại với sinh cảnh độc nhất vô nhị ở Đông Dương; là vùng đất “sáu tháng đi bằng chân, sáu tháng đi bằng tay” (*), là một bảo tàng sinh học, thu hút đông đảo khách tham quan, học tập, nghiên cứu…   

Mùa khô, chim sếu lại tụ tập về đây kiếm ăn rất đông. Du khách đến Tràm Chim cũng ngày một nhiều. Ảnh: ĐHT

Vườn quốc gia Tràm Chim là một trong 8 vùng chim quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm khoảng một phần tư số loài chim có ở Việt Nam; trong đó, nhiều loài chim đang bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt là loài sếu đầu đỏ (sếu cổ trụi, hạc).  

Đến thăm Tràm Chim vào mùa nước nổi, từ tháng 8 đến tháng 11, ngồi vỏ lải chạy vòng quanh, hoặc xuyên qua những cánh đồng, những khu rừng, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của một vùng đồng bưng hoang dã, xen kẽ giữa những cánh rừng tràm và đồng cỏ năn, những lung sen, những đồng lúa  ma và  những dòng kênh dài xa tít tắp.  

Vào mùa khô, từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 hằng năm, là lúc những đàn sếu đầu đỏ từ các cánh đồng ở Campuchia, thậm chí tận bên Thái Lan bay về Tràm Chim quần tụ và tìm thức ăn. Củ năn là món khoái khẩu của loài sếu, có rất nhiều ở vùng tràm chim này, nên dù phải vượt hàng trăm cây số, chúng cũng về đây khi nước rút.  

Đến Tràm Chim, bạn sẽ tận mắt chứng kiến những cảnh tượng lạ mắt và vô cùng hấp dẫn. Nhiều con sếu đầu đỏ cao tới gần 2 mét, lông xám mượt, chân và cổ cao, đôi cánh dang rộng, cặp chân xuôi chiều khi bay. Chiều chiều, khi mặt trời đỏ ửng phía chân trời, chúng tụ tập trên những bãi đất rộng, thoáng trên cánh đồng năn, bay lượn xập xoè chấp chới, nhảy múa nhịp nhàng với những tiếng kêu, gọi bạn tình.  

Theo ông Hùng, người đã có rất nhiều năm gắn bó với Tràm Chim, những trận cháy rừng ở Tràm Chim – nếu kiểm soát được – cũng có những lợi ích cho môi trường thực vật nơi đây: lớp thực bì (cỏ khô, lá rụng) được giải quyết cho mặt đất thông thoáng, tạo điều kiện cho cỏ năng và rừng tràm mọc tốt hơn, tạo một nguồn phân tro hữu có tác dụng ém phèn rất tốt. Tất nhiên, cháy rừng sẽ là thảm họa nếu vượt ngoài tầm kiểm soát, khống chế của con người hại, và rất nguy hiểm cho các loài động vật hoang dã.  

Đài quan sát ở Tràm Chim. Ảnh: ĐHT

Những thước phim mà anh Hùng cho chúng tôi xem làm tăng thêm sự háo hức muốn khám phá. Ngày mai, chúng tôi sẽ được đi vào “rốn” của Tràm Chim! Đêm tĩnh lặng trôi qua, tôi thiếp vào giấc ngủ ngon lành, trong mơ hồ vọng lại tiếng  gió vi vu qua những cánh đồng mênh mông bát ngát.    

Nắng lên. Chúng tôi dùng vỏ lãi đi vào khu A1 của Tràm Chim. Vỏ lải chạy tốc độ vừa phải để khách tham quan hai bên đường. Nước kênh đục ngầu, màu vàng quạch bởi phèn trên đồng, trong rừng tràm tuôn đổ xuống. Chim chóc rất nhiều đi kiếm ăn trên những cánh đồng xâm xấp nước. Nghe tiếng động cơ, một bầy le le hàng trăm con, vụt bay vút lên cao rồi xoải cánh hướng về cụm rừng tràm xanh thẳm phía xa.  

Có mấy chú bói cá xanh biếc, thản nhiên đậu trên những nhánh tràm gie ra kênh, đang rình cá. Vài con chim trích mồng đỏ tươi, lông xanh thẩm, đuôi vanh vảnh thoắt ẩn hiện trong những đám cỏ ven bờ kênh. Có một con rắn khá to lội băng ngang thật nhanh trước mũi ghe làm chúng tôi giật mình. “Nó qua sông, núp bóng xuồng ghe để tránh bị bìm bịp gắp đó”, anh cầm lái vỏ lải giải thích. Quy luật sinh tồn  khắc nghiệt của rừng đã dạy cho các loài cách phòng thân và kiếm sống!  

Ra tới cánh đồng năn bạt ngàn, chiếc vỏ lải xé nước phóng tới. Trải ra trước mắt chúng tôi những lung sen mênh mông, cả bông súng, lúa ma, năng, lác… nhìn đâu cũng có. Các loài chim như cò, diệc, vịt trời, cồng cộc… tung cánh bay từng đàn giữa không gian bao la thoáng đãng.  

Sau khi vượt hết một phần con kênh vành đai của Tràm Chim, chúng tôi vẹt từng lá sen cho vỏ lãi chậm chậm tiến vào một con rạch nhỏ, sen mọc chen chúc, kín lối.. Đi chừng non hai cây số thì đến đài quan sát đúc bê tông sơn màu nâu đất sừng sững bên bờ kênh. Rừng tràm nguyên sinh trùng trùng, lớp lớp, thân to cả ôm, cao vút, lá vi vu, xạc xào trong gió sớm. Từ trên đài quan sát, phóng tầm mắt vòng quanh 360 độ, một màu xanh ngút ngàn với những mảng đậm, nhạt, tối, sáng mênh mông mở ra tận chân trời…    

Cá lóc nướng than hồng, đặc sản Tràm Chim. Ảnh: ĐHT

Chúng tôi đi theo hành lang độc đạo ghép bằng thân gỗ tràm, đến một căn nhà sàn cao và rộng ở giữa rừng. Mớn nước của mùa lũ trước còn in trên những thân tràm như chỉ giăng! Nhà sàn nầy là chỗ cho khách nghỉ ngơi và ăn uống. Tôi tha thẩn đi men theo rừng, hít thở và cảm nhận không khí tinh khiết, trong lành, nghe lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng.    

Bữa cơm giữa rừng Tràm Chim được dọn ra với các món độc đáo của Đồng Tháp Mười: cá lóc nướng than hồng gói lá sen non, ốc bươu luộc sả, rắn bông súng nướng lèo (mọi), chuột ướp chao nướng, bông súng chấm mắm kho… Khi ngà ngà với mấy ly rượu nếp than nấu bằng gạo đặc sản Huyết Rồng (còn gọi là Châu Hạng Võ) có màu tím than đỏ đục thật tuyệt vời… Một cô gái trẻ mặc áo bà ba, vấn khăn rằn cất tiếng ca ngọt ngào như ru lòng người. Tiếng vỗ tay tán thưởng, nồng ấm vang lên khi cô gái vừa xuống hết câu vọng cổ…

Về Đồng Tháp, đến Tràm Chim ngắm đàn sếu đầu đỏ, nghe rừng tràm xào xạc gió ru, nhìn những đầm sen bát ngát, đi qua những cánh đồng năn mênh mông, thưởng thức các món ẩm thực dân dã, mang bóng dáng thời khẩn hoang, Tràm Chim sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên!

Đồng Tháp Mười. Ảnh: ĐHT

Vườn quốc gia Tràm Chim nằm giữa vùng đất trũng của Đồng Tháp Mười, thuộc địa phận huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp; với diện tích tự nhiên 7.588 héc ta, trong đó, gần 3.000 héc ta tràm, 1.000 héc ta lúa ma, sen, súng, cỏ năn, lác, lau sậy… Vào mùa mưa, toàn vùng ngập nước mênh mông, có nơi sâu gần 3mét. Mùa nắng, đồng đất khô hạn gắt gao, thường xảy ra cháy rừng.  

Tràm Chim có 198 loài chim nước, hơn 50 loài cá và bò sát. cùng với 191 loài thực vật; trong đó, 32 loài chim có giá trị bảo tồn, 12 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam như: ngan cánh trắng, diều mào, diều lửa, cú lợn lưng nâu, đại bàng đen, chích choè lửa, rồng rộc vàng….  

Hiện nay, Vườn quốc gia Tràm Chim được đầu tư, nâng cấp mở rộng thành một bảo tàng thiên nhiên, một trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn. Nhiều tổ chức quốc tế đã tài trợ để duy trì, phát triển và bảo vệ Tràm Chim. Đặc biệt, Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã có những chương trình khảo sát, nghiên cứu nhằm hỗ trợ Vườn quốc gia Tràm Chim trong công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học ở vùng đất này.

(*) Sáu tháng mùa khô và sáu tháng mùa nước nổi. Vào mùa nước nổi, việc đi lại phải dùng tay chèo xuồng.

ĐẶNG HOÀNG THÁM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới