Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bến Bình Đông nay và xưa

Ngọc Trân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bến Bình Đông, một bến thuyền hiện hữu từ thời xa xưa, là nơi mang dấu ấn sông nước Sài Gòn xưa với nét đặc trưng trên bến dưới thuyền.

Bến Bình Đông nằm bên kênh Tàu Hủ, song song với đại lộ Võ Văn Kiệt, nay thuộc quận 8, TPHCM. Những ngày giáp Tết Âm lịch là những ngày đẹp nhất của bến Bình Đông.

Ghe đầy hoa cho Tết

Ghe chở hoa từ Bến Tre tới bến Bình Đông, quận 8, để bán cho cư dân TPHCM chưng Tết.

Ghe thuyền đậu san sát nhau, đầy hoa đủ màu xanh đỏ tím vàng… làm rực rỡ cả một đoạn đường, dòng kênh. Thường là ghe thuyền chạy từ miền Tây lên.

Trước Covid và những ngày giáp Tết, bến Bình Đông luôn buôn bán rất tấp nập. Và dường như đã trở thành một điểm du lịch “thời vụ” đối với một số du khách trong và ngoài nước. Ưa thích những điều lạ lẫm, họ đến đây để khám phá hoặc chụp ảnh,  quay phim để ghi lại những hình ảnh khung cảnh trên bến dưới thuyền của những ngày cận Tết Âm lịch

Đối với tôi, năm nào cũng vậy, đều đến đây để chụp ảnh và quay video gởi cho người thân, bạn bè phương xa xem. Họ nhớ Sài Gòn nhưng không phải lúc nào cũng rủng rỉnh hầu bao mà bay về đây được. Lại nữa, trong thời kỳ này, do Covid-19, mà quy định dành cho người nhập cảnh quá ngặt nghèo nên họ cũng cho biết là không về, dù đã để dành tiền đủ để bay một chuyến về thăm quê.

Trước đây, khi đến bến Bình Đông, tôi luôn thả bộ tà tà ở cuối con đường dẫn ra mé rạch Chợ Lớn để chụp ảnh, quay phim cũng như trò chuyện với một số người hành nghề thương hồ.

Nhớ lại nhiều năm trước, tôi cũng từng tới đây, thấy cảnh buôn bán ồn ào, có khi cả tiếng quát tháo chói tai của người dưới ghe với người trên bờ, và ngược lại.

Rõ là cảnh trên bến dưới thuyền, rất sinh động.

Hồi xa xưa ấy, tôi thường đi từ những vựa chành bán gạo và các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ… dọc theo bến Mễ Cốc bên quận 8. Nơi này giống như một ốc đảo, nhiều nơi quanh năm bị ngập nước, mỗi khi có triều cường. Khi nước lên mà gặp trời mưa nữa thì cả khu vực biến thành biển nước. Người sống ở đây, muốn đi chợ, phải dùng xuồng, y như đi chợ nổi miền Tây vậy!

Ghe cũng là nhà

Vào đầu những năm 1980, tại vùng đất ven rạch Lò Gốm, còn thấy trồng rau muống; một số nơi, cỏ năn mọc đầy y như thời xưa hàng trăm năm trước, chưa bóng dáng con người.

Hãy quay lại với bến Bình Đông. Ngày bình thường, mỗi chiếc ghe, con thuyền cũng là một ngôi nhà của khách thương hồ. Những chiếc ghe, con thuyền đó đến từ những tỉnh miền Tây Nam Bộ như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang… Hàng hóa chở lên TPHCM thường là các loại trái cây, hoa, nông sản…

Mùa nào thức nấy, hầu hết các loại trái cây của miền Tây đều có mặt ở bến Bình Đông như chuối, mít, dừa, xoài, đu đủ, chôm chôm… Hàng hóa từ ghe thuyền dưới kênh được chuyển lên ngay trên bến và bán tại chỗ. Nơi đây hình thành một không gian chợ.

Khách mua hàng chỉ cần dừng xe trên bến là có thể mua được hàng. Hàng hóa ở đây được chở thẳng từ những miệt vườn miền Tây lên thành phố nên giá rẻ hơn trong các chợ và siêu thị.

Mặc dù qua những đổi thay của thời gian, thủy lộ không còn là chính yếu, bến thuyền không còn tấp nập như xưa, nhiều khi khá vắng vẻ; song nơi đây vẫn là điểm đến và là nơi neo đậu của những con thuyền buôn bán từ phương xa tới Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Và khi mặt trời dần dần khuất xuống thì cũng tạo nên một khung cảnh nên thơ ở chợ hoa bến Bình Đông.

Bến Bình Đông được hình thành từ thế kỷ XIX, trong quá trình phát triển đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn, là cửa ngõ giao thông và giao thương quan trọng của đất Sài Gòn và các vùng lân cận. Nơi đây từng là chỗ buôn bán nhộn nhịp nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới