(KTSG Online) - Tháng trước, hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới Maersk (Đan Mạch) và hãng công nghệ IBM (Mỹ) tuyên bố sẽ đóng cửa một nền tảng blockchain theo dõi các container vì không đạt được tính khả thi thương mại cần thiết. Các dự án khác đặt cược vào blockchain để giám sát chuỗi cung ứng cũng tiến triển rất chậm chạp.
- Ngân hàng gặp khó khi áp dụng blockchain
- Fintech, blockchain, ESG – điểm đến của dòng tiền đầu tư mạo hiểm
Trong nhiều năm qua, blockchain (chuỗi khối), công nghệ đứng đằng sau đồng tiền ảo bitcoin được nhiều công ty đánh giá là một giải pháp có thể thúc đẩy các dự án tạo ra sự chuyển đổi lớn trong nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm việc theo dõi các tài sản thông qua các chuỗi cung ứng phức tạp.
Tuy nhiên, cho đến nay điều đó chưa thành hiện thực vì nhiều lý do khác nhau bao gồm tính phức tạp của công nghệ blockchain, khó kêu gọi các bên liên quan tham gia dự án, một phần vì chi phí đầu tư tốn kém, thời gian để một dự án đi vào hoạt động quá lâu.
Nỗ lực mới nhất bị đình trệ là một dự án hợp tác giữa hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới Maersk và hãng công nghệ IBM. Dự án ra mắt vào cuối năm 2018 nhằm giúp số hóa các hoạt động liên quan đến vận chuyển container trên một nền tảng có tên gọi là TradeLens, có thể theo dõi toàn cầu dựa vào thông tin an toàn và đáng tin cậy.
Theo một số nhà phân tích, nếu dự án hoạt động suôn sẻ thì sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi, giúp cắt giảm thủ tục giấy tờ liên quan đến hải quan và giúp các chủ hàng có thể theo dõi tình trạng các container trong quá trình vận chuyển theo thời gian thực.
Tuy nhiên, TradeLens chỉ có thể hoạt động với sự hợp tác của một loạt các công ty và quốc gia, điều chưa bao giờ thành hiện thực. Tháng trước, Maersk thông báo nền tảng này sẽ ngừng hoạt động vào quí đầu tiên của năm 2023.
Avivah Litan, nhà phân tích tại Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner, cho biết nhiều dự án blockchain khác cũng cần sự hợp tác của một số lượng lớn các công ty. Tuy nhiên, những dự án này cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút các công ty tham gia. Cá công ty thường có những ưu tiên khác khi nhận thấy ứng dụng công nghệ blockchain đầy phức tạp và tốn kém.
Nhiều chuyên gia cho biết, thành công có thể đến với các dự án nhỏ hơn, có ít người tham gia hơn, với lợi tức đầu tư rõ ràng và không cố tìm cách chuyển đổi đột ngột toàn bộ một lĩnh vực.
Blockchain cho phép lưu trữ dữ liệu giao dịch an toàn và có thể chia sẻ với các bên liên quan. Công nghệ chuỗi khối có thể cung cấp một mức độ tin cậy mà các cơ sở dữ liệu dùng chung khác không có. Tuy nhiên, công nghệ này rất phức tạp, đòi hỏi nhiều sức mạnh điện toán hơn và tốn kém hơn để vận hành so với các cơ sở dữ liệu hiện có.
Một số công ty cho rằng, chưa tìm thấy lý do đủ thuyết phục để sử dụng công nghệ blockchain. Theo Francesco Tinto, cựu Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO) của Walgreens Boots Alliance (Mỹ), công ty vận hành các chuỗi nhà thuốc Walgreens Boots, công ty này đã cân nhắc sử dụng công nghệ này để giám sát hoạt động phân phối vắc-xin trong đại dịch. Tuy nhiên, cuối cùng Walgreens Boots Alliance vẫn quyết định sử dụng các phương pháp khác có thể thiết lập và vận hành nhanh hơn.
Những công ty khác đã thử nghiệm công nghệ blockchain và thu được các kết quả khác nhau.
Năm 2018, Tập đoàn bán lẻ Walmart (Mỹ) đã hợp tác với IBM để bắt đầu theo dõi các mặt hàng nông sản thông qua một nền tảng blockchain. Nỗ lực này được khởi động với các mặt hàng rau xanh nhưng bốn năm sau đó, chỉ có thêm một mặt hàng nữa được theo dõi bằng công nghệ này ớt chuông xanh.
Walmart phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục và nhận được sự đồng ý tham gia của các nhà cung cấp, những người nhận thấy quá trình gia nhập hệ thống theo dõi mới quá vất vả. Nhiều nhà cung cấp không có hệ thống lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số và phải đầu tư trước khoản tiền lớn để xây dựng hệ thống này để thể bắt đầu sử dụng blockchain.
“Rất mệt mỏi”, Jim Kras, Giám đốc điều hành Edible Garden, nhà cung cấp rau xanh cho Walmart nói khi đề cập đến việc tạo ra hệ thống phần mềm kiểm kê hàng hóa kỹ thuật số của riêng mình.
Trong một số trường hợp, Walmart phải bỏ thời gian để đào tạo kiến thức công nghệ blockchain cho các nhà cung cấp.
“Rất nhiều nhà cung cấp vừa và nhỏ không sành về công nghệ. Họ chỉ là những người nông dân. Họ là những người trồng trọt và quan tâm đến việc đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng cho chúng tôi hơn là vấn đề công nghệ”, Tejas Bhatt, giám đốc cấp cao phụ trách về đổi mới an toàn thực phẩm toàn cầu của Walmart nói.
“Không có một công ty nào thực sự cho thấy đã tạo ra được một sự thay đổi quan trọng”, Francesco Bozzano, Phó Chủ tịch nhóm tài chính doanh nghiệp tại Moody’s Investors nói về các nỗ lực ứng dụng blockchain để theo dõi các chuỗi cung ứng.
Walmart dự định sử dụng blockchain để tuân thủ một quy định của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) được ban hành gần đây. Trong đó, yêu cầu nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc đối với hơn một chục nhóm thực phẩm, bao gồm pho mát mềm, trứng và dưa hấu. Các công ty liên quan dự kiến sẽ tuân thủ quy định này vào tháng 1- 2026.
Theo các nhà phân tích, gần đây, Walmart hiếm khi nhắc đến hệ thống blockchain theo dõi rau xanh. Julie Bhusal Sharma, nhà phân tích cổ phiếu tại Morningstar, cho biết IBM cũng ít đề cập đến ứng dụng blockchain cho doanh nghiệp hơn trong các bản công bố thông tin.
“Blockchain cho doanh nghiệp đòi hỏi những thay đổi về cả công nghệ và mô hình kinh doanh mà tôi nghĩ sẽ khiến việc thúc đẩy nó trở nên khó khăn hơn”, Kathryn Guarini, CIO của IBM nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi đầu năm nay và cho rằng blockchain cho doanh nghiệp mang lại sự thay đổi chậm hơn so với dự đoán.
Tuy nhiên, việc ứng dụng blockchain trong phạm vi hẹp hơn đã có tác dụng. Đầu năm nay, chính quyền bang Jharkhand ở miền đông Ấn Độ đã bắt đầu sử dụng blockchain để theo dõi việc phân phối hạt giống cho nông dân.
Theo Avivah Litan, nhà phân tích của Gartner, dự án này hoạt động nhờ tính đơn giản là chỉ theo dõi những hạt giống do chính quyền trực tiếp cung cấp. Ngoài ra, nông dân có động lực tham gia vì rất muốn có hạt giống.
Theo nhiều nhà phân tích, nhìn chung, sự quan tâm đến các sáng kiến blockchain quy mô lớn dành doanh nghiệp đã giảm.
“Đã từng có một khoảng thời gian, có lẽ là bốn năm trước, mọi cuộc phỏng vấn mà tôi tham gia đều có câu hỏi về chuỗi khối và cách UPS sẽ sử dụng công nghệ này. Đã lâu rồi, không có ai hỏi tôi về blockchain. Blockchain chưa bao giờ thực sự cất cánh trong thế giới của tôi”, Juan Perez, hiện là CIO hãng phần mềm Salesforce và trước đây là CIO hãng giao nhận UPS (Mỹ) nói.
Theo WSJ