Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh lợi nhuận quí 1 và sự phân hóa của dòng tiền

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bất chấp công bố lợi nhuận quí 1 lãi lớn, tăng trưởng mạnh mẽ, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp vẫn lao dốc không phanh trong đợt điều chỉnh chung của thị trường vừa qua. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục và tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới hấp dẫn hơn.

Eximbank có mức tăng trưởng đứng đầu với lợi nhuận trước thuế 278% so với cùng kỳ, dù số tuyệt đối chỉ có 809 tỉ đồng. Ảnh: N.K

Bức tranh lợi nhuận vẫn sáng màu

Tính đến cuối tháng 4-2022, đã có khoảng 790 doanh nghiệp trên cả ba sàn HOSE, HNX và UpCom công bố báo cáo tài chính quí 1. Thống kê sơ bộ cho thấy bức tranh lợi nhuận quí 1-2022 khá tươi sáng, khi phần lớn doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm 2021, nhờ vào việc nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi ổn định trở lại sau những ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 và giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài trong quí 2 và quí 3 năm ngoái.

Cụ thể, có đến 675 doanh nghiệp duy trì lợi nhuận với tổng mức lãi trước thuế tạo ra hơn 112.211 tỉ đồng, và chỉ 115 doanh nghiệp báo lỗ, chiếm tỷ trọng 14,6%, với tổng mức lỗ là 797 tỉ đồng. Nếu tính riêng trên sàn HOSE và HNX, chỉ 59 doanh nghiệp báo lỗ, chiếm tỷ trọng 11,2%. Trong số 567 doanh nghiệp báo lãi trên hai sàn HOSE và HNX, có gần 300 doanh nghiệp, tức hơn 50%, báo tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận dương so với cùng kỳ năm 2021.

Xét theo lợi nhuận tuyệt đối, nhóm ngân hàng vẫn là các ông vua lợi nhuận, khi trong tốp 10 doanh nghiệp tạo lãi lớn nhất trên sàn, có đến 9 cái tên là ngân hàng, doanh nghiệp còn lại là Tổng công ty cổ phần (CTCP) Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM). Ngoài ra, 10 doanh nghiệp kế tiếp sau tốp 10 thì ngân hàng cũng đã chiếm đến 6 cái tên. 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn đã tạo ra đến 85.224 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 76% tổng lợi nhuận trước thuế của 675 doanh nghiệp.

Khi các doanh nghiệp báo lãi lớn nhưng chủ yếu nhờ hoạt động thoái vốn, lãi từ hoạt động đầu tư tài chính, còn hoạt động kinh doanh chính vẫn đang thua lỗ, đây có lẽ không phải là một thương vụ đầu tư tốt.

Đặc biệt, VPBank lần đầu tiên vượt qua Vietcombank để leo lên ngôi quán quân lợi nhuận quí 1, với mức lãi trước thuế hơn 11.146 tỉ đồng, tăng vọt 178% so với cùng kỳ và đã đạt gần 67% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, nếu xét theo tốc độ tăng trưởng thì Eximbank mới đứng đầu với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 278% so với cùng kỳ, dù số tuyệt đối chỉ có 809 tỉ đồng.

Ngoài nhóm ngân hàng, nếu xét các doanh nghiệp có lãi ròng sau thuế tuyệt đối từ 100 tỉ đồng trở lên, CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất với lãi 647 tỉ đồng, gấp 147 lần so với mức lãi ròng khiêm tốn 4,4 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2021. Hay như CTCP Bibica (BBC) lãi 131 tỉ đồng, gấp 17,5 lần so với cùng kỳ; DPM lãi 2.114 tỉ đồng, gấp 12,4 lần.

Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp khác có lãi ròng sau thuế trên 100 tỉ đồng và đạt mức tăng trưởng từ ba chữ số trở lên so với cùng kỳ, có thể kể đến các doanh nghiệp có các mã cổ phiếu như IDI, DGC, VHC, PHR, ANV, HAH, VGC, TMS, BCG, ORS, MBS,… Có thể thấy trong nhóm này là các doanh nghiệp thuộc ngành thủy sản, vận tải biển, hóa chất, phân bón, chứng khoán,…

Không tránh khỏi xu hướng chung

Dù công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ và đạt tiến độ kế hoạch cao, không ít cổ phiếu của các doanh nghiệp trong số này vẫn không thể thoát khỏi xu hướng điều chỉnh chung của thị trường, đã lao dốc trong những tuần qua. Như cổ phiếu VPBank đã giảm hơn 18% từ đỉnh cao hôm 7-4 đến ngày 26-4, trước khi bật trở lại theo thị trường chung trong những ngày cuối tháng 4 trước kỳ nghỉ lễ.

Lợi nhuận của CII trong quí 1 dù tăng mạnh, nhưng giá cổ phiếu vẫn chưa thể hiện được nhiều, khi báo cáo cho thấy lãi lớn quí 1 của doanh nghiệp này chủ yếu nhờ có gần 776 tỉ đồng từ chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính, còn hoạt động cốt lõi vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Đây cũng là điều mà các nhà đầu tư cần lưu ý, khi các doanh nghiệp báo lãi lớn nhưng chủ yếu nhờ hoạt động thoái vốn, lãi từ hoạt động đầu tư tài chính, còn hoạt động kinh doanh chính vẫn đang thua lỗ. Đây có lẽ không phải là một thương vụ đầu tư tốt.

Hay như nhóm cổ phiếu ngân hàng, dù báo lãi lớn nhưng giá cổ phiếu của nhóm này cũng chìm sâu trong đợt điều chỉnh vừa qua và vẫn chưa phục hồi được bao nhiêu, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại áp lực lãi suất đang tăng trở lại sẽ khiến biên độ lãi của nhóm này bị thu hẹp trong thời gian tới, cùng với chính sách tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ hết thời hạn thực hiện vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thị trường đang chờ đợi gói hỗ trợ lãi suất 2% sớm được ban hành và có thể trở thành chất xúc tác đẩy giá cổ phiếu cho nhóm này.

Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán dù liên tiếp báo lãi lớn nhưng giá cổ phiếu cũng lao dốc mạnh trong những tuần qua, khi nỗi lo ngại không chỉ từ việc xu hướng tăng của thị trường đã bị bẻ gãy sẽ khiến hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới, mà còn đến từ việc các công ty này có thể có nguy cơ đối mặt với các đợt thanh, kiểm tra về hoạt động tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cũng như có thể dính dáng đến hoạt động thao túng giá của một số lãnh đạo doanh nghiệp trên thị trường.

Riêng với nhóm cổ phiếu phân bón, thủy sản, vận tải biển, sau khi liên tục tăng nóng và thiết lập những đỉnh cao mới, cũng đã chứng kiến đợt điều chỉnh mạnh trong tuần thứ 3 của tháng 4. Dù vậy, dòng tiền sau đó vẫn rót mạnh vào giúp nhóm này bật lại mạnh mẽ ngay sau đó.

Có thể thấy những đợt lao dốc mạnh vừa qua cũng mang đến cơ hội giúp nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục. Theo đó, những doanh nghiệp lãi lớn quí đầu năm có thể trở thành điểm đến của dòng tiền với kỳ vọng giá cổ phiếu của nhóm này có khả năng bật lại nhanh nhất và mạnh nhất.

Tuy nhiên, cũng sẽ có những nhà đầu tư tận dụng thời cơ công bố thông tin lãi lớn của doanh nghiệp trong quí 1 vừa qua để quyết định chốt lời với nguyên tắc “tin ra là bán”, đồng thời cũng để chuẩn bị sẵn nguồn lực tìm kiếm cơ hội mới, nhắm vào những ngành nghề, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô sắp tới và có lợi nhuận vượt trội trong những quí còn lại của năm nay.

Quá khứ từ trước đến nay cũng cho thấy trong các mùa công bố báo cáo tài chính, thị trường không ít lần bị đạp “thê thảm”. Trong hoàn cảnh thị trường bị bán tháo mạnh mẽ như thế, nhiều nhà đầu tư vì bị call margin nên buộc phải bán theo thị trường, hoặc do tâm lý yếu và thiếu thông tin nên cũng phải thoát hàng, dù cổ phiếu đang nắm giữ có chất lượng và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ.

Ở chiều ngược lại, nhà tạo lập, đội tự doanh của các công ty chứng khoán và các nhà đầu tư tổ chức vì có lợi thế tiếp cận thông tin tốt hơn và khả năng đánh giá, phân tích hiệu quả hơn, nên đã tận dụng cơ hội mua vào những cổ phiếu được định giá tốt mà đã bị bán tháo theo thị trường chung.

1 BÌNH LUẬN

  1. Mới quý 1 mà công bố lãi lớn, vô cùng ầm ĩ, thì cũng chỉ để tham khảo … cho vui thôi. Không có ý nghĩa gì. Nếu thị trường cứ mãi chạy theo đuôi tập quán PIO (Profit is OK/ Lãi là OK) thì cũng có nghĩa đang tự mắc bẫy, hoặc tự huyễn hoặc lấy mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới