Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh năng lượng mới của châu Âu sau cuộc khủng hoảng khí đốt

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bức tranh thị trường năng lượng châu Âu nhanh chóng thay đổi sau cuộc khủng hoảng khí đốt nghiêm trọng năm 2022 do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Dự trữ khí đốt của khu vực giờ đây dồi dào hơn so với những năm trước nhờ các kho dự trữ mới và các nền kinh tế châu Âu đang vận hành dựa vào năng lượng tái tạo nhiều hơn. Điều đó giúp châu Âu hóa giải nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng năng lượng, với giá khí đốt trong khu vực đang giảm.

Các bồn trữ khí đốt ở gần cảng Hamburg của Đức. Ảnh: Shutterstock

Trong tháng này, một đợt không khí lạnh tràn qua châu Âu và nhiều tàu chở nhiên liệu phải chuyển hướng khỏi Biển Đỏ để tránh rủi ro trúng hỏa lực của phiến quân Houthi ở Yemen. Những diễn biến bất lợi như vậy đáng lẽ ra đẩy giá khí đốt trong khu vực tăng cao, nhưng thực tế, giá tiếp tục giảm. Đó một dấu hiệu rõ ràng cho thấy, cơn ác mộng tồi tệ nhất khiến hóa đơn năng lượng tăng vọt và đẩy lạm phát của khu vực sử dụng đồng euro lên mức cao nhất trong nhiều năm đã là quá khứ.

Châu Âu đang hưởng lợi nhờ tích trữ lượng khí đốt kỷ lục vào năm ngoái, cùng với sự trợ giúp từ năng lượng tái tạo và một mùa đông tương đối ôn hòa, ngoại trừ một số đợt lạnh. Tăng trưởng kinh tế chậm chạp cũng góp phần làm hạn chế nhu cầu năng lượng ở các cường quốc công nghiệp lớn như Đức.

Điều đó củng cố niềm tin rằng, châu Âu đang có nền tảng đủ ổn định để vượt qua phần còn lại của mùa đông với lượng khí đốt dự phòng còn dồi dào. Giá khí đốt chuẩn ở châu Âu hiện giao dịch dưới mức 30 euro/MWh, chỉ bằng 1/10 mức cao nhất được thiết lập trong năm 2022.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), vào cuối mùa đông này, các cơ sở dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến còn đầy hơn một nửa.

Tuy nhiên, sau khi vượt qua được cuộc khủng hoảng khí đốt, châu Âu bước vào một thực tế mới với những thách thức riêng. Khu vực đang phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng tái tạo.  gồm điện gió và điện mặt trời, và sẽ phải đối mặt với tình trạng sản xuất không liên tục của nguồn năng lượng này do thời tiết biến động thất thường. Sau khi Nga siết chặt nguồn cung khí đốt, châu Âu cũng phải tìm các nhà cung cấp khác để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu. Điều đó có nghĩa là châu Âu phải cạnh tranh mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ thị trường quốc tế.

“Chỉ cần nhìn vào giá cả khí đốt, chúng ta thấy có vẻ như cuộc khủng hoảng năng lượng đã kết thúc. Tuy nhiên, hiện nay, châu Âu lại phụ thuộc vào các yếu tố  toàn cầu, có thể thay đổi nhanh chóng”,  Balint Koncz, người đứng đầu bộ phận kinh doanh khí đốt của MET International ở Thụy Sĩ, bình luận. Ông cảnh báo, giá khí đốt có thể tăng trở lại nếu nguồn cung LNG bị gián đoạn đột ngột hoặc thời tiết lạnh kéo dài.

Một rủi ro chính là nguồn cung LNG từ Trung Đông trong bối cảnh lực lượng Houthi liên tục tấn công tàu thương mại ở Biển Đỏ, tuyến đường mà Qatar sử dụng để vận chuyển LNG tới châu Âu. Các tàu chở dầu và khí đốt đang tránh khu vực này, thay vào đó, chọn đi vòng qua mũi phía nam của châu Phi. Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler, trong một ngày thông thường, khoảng hai đến ba tàu chở LNG sẽ sử dụng tuyến đường này.

Tại châu Âu, giá khí đốt giảm gần 60% vào năm 2023 và giảm thêm 12% từ đầu năm đến nay, giúp giảm đáng kể hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng. “Đây là mùa đông thứ hai châu Âu trải qua mà không có khí đốt của Nga. Châu Âu đã vượt qua mùa đông năm 2022-2023 mà không gặp rắc rối đáng kể nào về năng lượng”, bà Kim Fustier, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu khí châu Âu của ngân hàng HSBC, cho biết.

Cuộc chạy đua triển khai dự án năng lượng tái tạo ở châu Âu khiến tỷ trọng khí đốt trong cơ cấu năng lượng của lục địa này ngày càng giảm. Cùng với sự phục hồi sản xuất hạt nhân của Pháp vào năm ngoái, số lượng gia tăng của các tuốc-bin điện gió xa bờ và nhà máy điện mặt trời đã giúp giảm nhu cầu nhiên liệu ở châu Âu.

Nhưng nỗ lực xây dựng tính độc lập năng lượng của khu vực vẫn còn chặng đường dài phía trước, với nhiều thách thức tiềm ẩn. Thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga đi qua đường ống ở Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay, và khó có thể được gia hạn. Có nghĩa là châu Âu thậm chí có thể nhận được ít khí đốt hơn từ Nga.

Dù hàng loạt dự án sản xuất LNG được triển khai trên toàn cầu nhưng phần lớn công suất mới sẽ không chưa tung ra thị trường cho đến năm 2025 và 2026. Và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở nên thường xuyên hơn, gây căng thẳng cho hệ thống điện và đôi khi thúc đẩy nhu cầu khí đốt.

Ở châu Á, lượng khí đốt tồn kho còn lớn, nên giá nhiên liệu này cũng giảm và đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. Những khách hàng mua LNG tại Nhật Bản, nước nhập khẩu nhiên liệu siêu lạnh lớn thứ hai thế giới, đang tích cực bán lại các  lô hàng LNG sau khi mua dự trữ quá nhiều. Một số lô hàng đó có khả năng sẽ cập cảng ở châu Âu. Dù nhu cầu khí đốt vẫn tăng ở một số nơi, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng các giao dịch mua chủ yếu đến các thương nhân đang tìm kiếm giá hời.

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Mỹ, nơi giá khí đốt kỳ hạn giảm khoảng 20% trong tuần trước do lượng dự trữ vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm. Gần đây, thời tiết lạnh giá đã thúc đẩy nhu cầu điện và làm đóng băng một số giếng khí đốt ở Mỹ, nhưng giá khí đốt tương lai vẫn không nhúc nhích.

Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn và tắc nghẽn ở hai tuyến vận chuyển LNG quan trọng, Kênh đào Suez, nằm phía trên Biển Đỏ. và Kênh đào Panama đang bị hạn hán, đã kéo dài hành trình của các tàu LNG, làm tăng thêm chi phí vận chuyển. Thị trường chưa lo ngại lắm về vấn đề này, nhưng sẽ thay đổi nếu các  gián đoạn kéo dài.

Quỹ đạo giảm giá khí đốt đã đi từ mức đỉnh trong năm 2022, trải qua các đợt biến động mạnh trong ngắn hạn do tác động từ các cuộc đình công ở các nhà máy xuất khẩu LNG ở Úc, từ tình trạng gián đoạn sản xuất LNG ở Mỹ cho đến cơn bùng nổ chiến sự giữa Israel và Hamas. Những diễn biến đó cũng là lời nhắc nhở rằng sự yên bình hiện tại của thị trường khí đốt không đảm bảo kéo dài.

“Chúng tôi vẫn rất thận trọng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông Stefan Rolle, người đứng đầu chính sách năng lượng của Bộ Năng lượng Đức, nói tại Hội nghị thượng đỉnh năng lượng châu Mỹ ở TP. New Orleans, bang Louisiana (Mỹ) hôm 18-1.

Theo Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới