Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các đối tác của Apple mở rộng sản xuất ở Đông Nam Á

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Foxconn Technology Group và Pegatron Corp, hai đối tác sản xuất chính của Apple, có trụ sở ở Đài Loan, đưa Đông Nam Á vào kế hoạch mở rộng công suất của họ trong năm 2023. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất gia công hàng điện tử lớn của toàn cầu sẽ tiếp tục chuyển bớt các dây chuyền ra khỏi Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro kinh tế và địa chính trị.

Logo của Foxconn bên ngoài văn phòng của tập đoàn này ở Đài Bắc, Đài Loan. Foxconn cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất ở Đông Nam Á trong năm 2023. Ảnh: Reuters

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển quy mô của mình ở Trung Quốc đại lục, châu Mỹ và Đông Nam Á, và những nỗ lực này sẽ được thực hiện vào năm 2023”, Young Liu, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Foxconn (hay còn gọi là Hon Hai Precision Industry Co.) cho biết tại một sự kiện của công ty vào hôm 15-1.

Cùng ngày, trao đổi với báo chí ở thành phố Đài Bắc, các lãnh đạo của Pegatron, đối thủ nhỏ hơn của Foxconn, cho biết phân bổ 300-350 triệu đô la Mỹ trong năm nay cho ngân sách đầu tư, một phần để tăng công suất ở Đông Nam Á và tăng sản xuất linh kiện ô tô ở Mexico. Pegatron cũng là nhà cung cấp của hãng xe điện Tesla.

Johnson Teng, đồng giám đốc điều hành của Pegatron, nói: “Đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một xu hướng đang diễn ra”.

Ngoài việc sản xuất iPhone ở Trung Quốc, cả Foxconn và Pegatron hiện sản xuất một số thiết bị cầm tay của Apple ở Ấn Độ. Apple cũng dựa vào Việt Nam như một cơ sở sản xuất thay thế cho các sản phẩm khác bao gồm tai nghe AirPods.

Phó chủ tịch Pegatron Jason Cheng cho biết trong năm nay Pegatron sẽ bổ sung công suất tại Việt Nam và Indonesia, nơi công ty đã lập các nhà máy. Pegatron hiện không sản xuất các sản phẩm của Apple ở cả hai nước này. Trong khi đó, Foxconn không tiết lộ rõ sẽ mở rộng hoạt động sản xuất ở những nước Đông Nam Á nào.

Các nhà sản xuất gia công hàng điện tử lớn bắt đầu thiết lập sự hiện diện đáng kể của họ bên ngoài Trung Quốc dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã áp chính sách thuế quan cứng rắn đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như một phần của cuộc chiến thương mại với nước này. Sau đó, một số nhà cung cấp đã đẩy nhanh các nỗ lực đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc trong bối cảnh các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19 kéo dài ở nước này làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Cả Foxconn và Pegatron đều đối mặt với vấn đề gián đoạn sản xuất liên quan đến Covid-19  ở Trung Quốc. Pegatron có thời điểm phải tạm thời ngừng sản xuất và Foxconn chịu áp lực bởi một cuộc biểu tình của công nhân ở tổ hợp nhà máy chính của công ty này ở thành phố Trịnh Châu, làm gián đoạn hoạt động iPhone, khiến Apple phải cảnh báo sản lượng iPhone có thể thấp hơn kế hoạch.

Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, Nikkei Asia đưa tin Foxconn đã âm thầm hoàn tất kế hoạch điều chuyển một số hoạt động sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Động thái này của Foxconn, được lên kế hoạch từ cuối năm 2020, có thể trở thành hiện thực trong năm nay, với những sản phẩm đầu tiên dự kiến được xuất xưởng ở nhà máy tại tỉnh Bắc Giang vào đầu tháng 5-2023.

Cả Foxconn và Apple đều chưa chính thức xác nhận thông tin trên. Tuy nhiên, kế hoạch này phù hợp với chiến lược của Apple nhằm đưa Việt Nam trở thành nhà lắp ráp cuối lớn nhất cho các sản phẩm của hãng bên ngoài Trung Quốc đại lục. Foxconn đã có 60.000 nhân viên tại Việt Nam và đã công bố khoản đầu tư 270 triệu đô la vào năm ngoái để thành lập một công ty con mới tại đây.

Sumit Vakil, người đồng sáng lập Resilinc, một công ty tư vấn về lập bản đồ và giám sát chuỗi cung ứng, cho rằng tình hình bất ổn và sự phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các nhà cung cấp trở thành tâm điểm chú ý trong các cuộc họp hội đồng quản trị của các công ty công nghệ. Ông nói: “Chúng ta không thể quay lại cách các chuỗi cung ứng vận hành trước đại dịch Covid-19”.

Các nhà sản xuất toàn cầu, vốn giúp củng cố danh tiếng của Trung Quốc là “công xưởng của thế giới” về mọi thứ, từ dù giấy trang trí cho ly cocktail, quần áo cho đến phụ tùng máy bay, đã giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong vài năm qua.

Nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang trở thành vấn đề cấp bách do sự kết hợp của nhiều yếu tố: chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc, thuế quan mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc và tình trạng gián đoạn sản xuất do chính sách ‘zero Covid’ trước đây của Trung Quốc.

Theo kết quả cuộc khảo sát gần đây với hơn 2.600 chuyên gia chuỗi cung ứng từ hơn 20 nước về xu hướng ngành vận tải biển và chuỗi cung ứng trong năm 2023, 67% số người được hỏi tin rằng Ấn Độ và Việt Nam sẽ nổi lên như những trung tâm vận chuyển container trong năm nay. Cuộc khảo sát do Container xChange, một nền tảng trực tuyến cho thuê và mua bán container của Đức, thực hiện và công bố hồi đầu tháng này.

Kết quả cuộc khảo sát củng cố thêm các bằng chứng cho thấy hai quốc gia châu Á này đang ngày càng trở thành sự lựa chọn hàng đầu  đối với các công ty đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phân tán rủi ro chuỗi cung ứng của họ.

Theo Bloomberg, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới