Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nước Caribe hạ ‘giá bán’ quốc tịch cho giới siêu giàu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nước Caribe hạ ‘giá bán’ quốc tịch cho giới siêu giàu

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Các quốc gia đảo vùng biển Caribe thuộc Nam Mỹ vốn nổi tiếng với các chương trình đầu tư định cư, đang chào bán hộ chiếu với giá hạ để nhanh chóng có nguồn tiền vượt qua khủng hoảng Covid-19. Một vài quốc gia cũng bắt đầu tiếp cận với nhu cầu đầu tư định cư tại Việt Nam.

Các nước Caribe hạ 'giá bán' quốc tịch cho giới siêu giàu
Một bãi tắm ở đảo Barbados thuộc vùng biển Caribe. Ảnh: Getty Images

Giảm giá hơn 20%

Quốc gia đảo Saint Kitts & Nevis sẽ bán chương trình đầu tư định cư cho gia đình 4 thành viên với giá chỉ 150.000 đô la Mỹ, giảm từ con số 190.000 đô la trước đây, tức giảm hơn 20%. Thời hạn thực hiện chương trình giảm giá này đến ngày 1-12-2020.

Nhà đầu tư buộc phải mua bất động sản trị giá ít nhất 200.000 đô la và không được bán trong vòng ít nhất 7 năm.

Hộ chiếu của đảo quốc này có thứ hạng ngang với hộ chiếu của Mexico – theo bảng xếp hạng toàn cầu của Passport Index. Tuy nhiên, ngay cả người Mỹ hiện cũng thích hộ chiếu của Saint Kitts & Nevis bởi nó cho phép họ đi đến Liên minh châu Âu (EU) và Anh quốc cùng nhiều nước khác mà không cần visa.

Cần phải nhắc lại rằng, EU và nhiều nước khác hiện đang cấm không cho người Mỹ nhập cảnh bởi e ngại về nạn dịch Covid-19 chưa được kiểm soát ở đất nước này.

“Trong tình hình hiện nay, khi du lịch hầu như không có khách, chúng tôi phải tìm cách kiếm ra tiền để duy trì guồng máy kinh tế”, Les Khan, CEO của Saint Kitts & Nevis Citizenship Investment Uni, nói với hãng tin Bloomberg.

Nhu cầu tăng hơn 40%

Các đảo quốc trong khu vực – bao gồm Saint Lucia, Antigua & Barbuda, Grenada và Dominica – cũng có những chương trình thu hút đầu tư tương tự. Tất cả đều mong muốn có được nguồn tiền mặt dồi dào hơn. Theo hãng tư vấn về đầu tư định cư Henley & Partner có trụ sở ở London, số đơn nộp xin đầu tư để có quốc tịch với các nước vùng Caribbe đã tăng 42% trong thời gian vừa qua.

Số vốn đầu tư ngày càng tăng và những thay đổi trong chính sách nhập cư mới nhất của Mỹ đã khiến mọi người thay đổi ý định bỏ tiền vào các chương trình đầu tư EB-5 (Employment Base Fifth) ở Mỹ. Trong khi đó, dịch bệnh đã khiến số hồ sơ xin hộ chiếu Mỹ tồn đọng lên đến con số 1,5 triệu. Tuy nhiên, những ai muốn việc đi lại đến Mỹ dễ dàng hơn có thể phải trả nhiều tiền hơn.

Malta, một quốc gia ở vùng biển Địa Trung Hải vốn nổi tiếng với giới siêu giàu, có thứ hạng hộ chiếu chỉ sau Italy, Canada và Na Uy, hiện đang chào mời mua quốc tịch giá mềm hơn. Hộ chiếu Malta cũng cho phép du lịch đến EU và Mỹ mà không cần visa.

Thay đổi sau dịch

Một giải pháp đắt tiền hơn đã trở thành sự lựa chọn của nhiều người sau dịch mùa dịch, đó là chọn các quốc gia có thành tích chống dịch tốt để định cư.

“Đầu tư định cư đã thay đổi lớn. Trước đây, mọi người chỉ chăm chú việc đi nghỉ ngơi và làm ăn mà không cần visa. Nay họ hướng đến tầm nhìn tổng quát hơn, bao gồm cả việc chăm sóc sức khỏe và an toàn”, Tiến sỹ Christian Kalin, Giám đốc của Henley & Partners nói với tờ Robb Report.

Tuy vậy, xu hướng giảm giá trong năm nay có lẽ sẽ không kéo dài quá lâu. “Trong quá khứ, đã từng có xu hướng giảm giá, nhưng mức độ giảm giá hiện nay chỉ là tạm thời và có liên quan đến Covid-19”, luật sư tư vấn Beatrice Gatti của hãng luật CS Partners chuyên giúp giới siêu giàu săn tìm quốc tịch thứ hai, khẳng định với hãng Bloomberg.

Người Việt bắt đầu chuyển hướng khỏi EB5

Người Việt thường chuộng các chương trình đầu tư vào khách sạn, nhà hàng hay bất động sản ở Mỹ theo chương trình EB5 với số tiền đầu tư tối thiểu hiện nay là từ 900.000 đô la.  Hàng năm, chính phủ Mỹ phê duyệt 10.000 hồ sơ EB5 trên toàn thế giới và mỗi nước chỉ được nhận hạn ngạch 7%, tức 700 visa.

Đây là mức cao nhất mà các nhà đầu tư từ Việt Nam có thể nộp hồ sơ để được xét duyệt. Chủ đầu tư cùng những người phụ thuộc sẽ được tính chung trong hạn ngạch này.

Theo trang eb5investors.com, trong năm 2018, chính phủ Mỹ đã cấp cho 693 người Việt Nam visa diện EB5. Điều này, có nghĩa khi chạm mức trần hạn ngạch 700, việc xử lý hồ sơ sẽ chậm hơn trước.

Tuy nhiên, Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) đã linh động sử dụng hạn ngạch mà nhiều nước chưa sử dụng hoặc không tham gia EB5 để cấp cho Việt Nam và Trung Quốc – hai nước có sự tăng trưởng mạnh nhất về số lượng đơn EB5 trên toàn thế giới.

Ông Brady Thuận Phạm, Giám đốc Công ty Top Ten Immigration có trụ sở tại TP.HCM, cho biết thời gian chờ được duyệt EB5 tại Việt Nam sau khi nộp đơn đã lâu hơn trước nhiều.

“Trong những năm 2015-2016, thời gian chờ chỉ trong vòng dưới 3 năm. Đến năm 2019, việc chờ đến trên 5 năm là bình thường. Số đơn ngày càng nhiều đã khiến thời gian chờ đối với hồ sơ nộp trong năm nay được dự báo là 7-8 năm”, ông Thuận nói.

Số vốn đầu tư cao – hơn 20 tỉ đồng – và tình hình ở Mỹ đã buộc nhiều nhà đầu tư Việt Nam chuyển hướng sang EU, Canada, Úc, New Zealand và nay là các nước vùng biển Caribe. Ông Thuận cho biết số tiền đầu tư càng ít, thời gian chờ ngắn càng thu hút các doanh nhân Việt Nam.

Ông nói, Top Ten Immigration đã thực hiện thành công “vài vụ đầu tư định cư tại Antigua & Barbuda” cho các doanh nhân tại TPHCM.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới