Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các phương thức mua bán, ký gửi cà phê trên thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các phương thức mua bán, ký gửi cà phê trên thị trường

Phạm Quang

Thu hái cà phê – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Ký gửi cà phề từ nông dân tới đại lý, đại lý tới công ty hoặc nông dân trực tiếp gửi kho công ty đã được chuyên trang Nông sản, TBKTSG Online đề cập khá nhiều thời gian gần đây.

Để làm rõ hơn tại sao nông dân hay đại lý phải gửi kho và chọn phương án mua bán chốt giá sau, tòa soạn xin giới thiệu bài viết của ông Phạm Quang, Giám đốc Trung tâm thương mại nông sản Quang Trinh – Dak Lak, từng buôn bán cà phê và hiện nay là chủ website chuyên cung cấp dịch vụ giá cả nông sản www.tincaphe.com .

>>Giá để chốt trong việc ký gởi cà phê chốt giá sau căn cứ vào đâu?

>>Ký gửi cà phê: Nông dân sống chung với lũ

>>Câu chuyện ký gửi cà phê

>>Sự hình thành và cách làm ăn của các đại lý cà phê

>>Hơn 18.000 tấn cà phê gửi kho: Kẻ nói có người nói không

Các loại hợp đồng mua bán cà phê phổ biến

– Hợp đồng trừ lùi: là một loại hợp đồng giữa người bán và mua tự thỏa thuận và đưa ra mức trừ lùi giữa giá sàn London chênh lệch với giá Việt Nam (người bán trở thành nhà đầu cơ). Đi kèm là các phương cách chốt giá mà hai bên lựa chọn.

Chốt trước – mua sau ( nếu đoán giá xuống). Mua trước – chốt sau (nếu đoán giá lên). Các bên sẽ ký hợp đồng giao hàng tại cảng TPHCM và người bán ứng 70% tiền không tính lãi từ nhà nhập khẩu và chờ đợi giá mong ước. Khi đến hết tháng chốt qui định mà vẫn không đạt được mức giá mong muốn thì hai bên sẽ chuyển từ tháng gần sang tháng xa với mức phí chênh lệch khoảng 40 đô la/tấn. Chốt giá ngoại – mua giá nội (nếu giá nội thấp hơn giá ngoại).

– Hợp đồng giao ngay: là hợp đồng mà người mua và người bán thỏa thuận giao hàng ngay sau khi ký hợp đồng từ 3 đến 15 ngày thì hợp đồng sẽ được thực hiện. Người Anh gọi là hợp đồng giáp lưng (Back to back – hợp đồng nối hai đầu).

– Hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn: là hợp đồng hàng bảo hiểm qua sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài. Trong hợp đồng này việc mua bán dựa trên các chứng từ đặt lệnh mà không phải giao dịch hàng thật. Mức tiền ký quỹ chỉ bằng 10% so với giá trị hàng thật nhưng mức độ rủi ro thì cao hơn 50 lần.

Nguyên nhân là do giá giao dịch hàng hóa London hay New York thường căn cứ theo giá thiết lập đóng cửa cuối phiên để làm cơ sở cho việc đóng tiền ký quỹ hoặc rút của ngày hôm sau. Thời hạn để bổ sung tiền ký quỹ là trước giờ mở cửa của phiên hôm sau. Vì thế người giao dịch thường bổ sung một số tiền rất lớn để duy trì hợp đồng của họ. Tiền ký quỹ chỉ bằng 10% giá trị hàng thật nhưng khi biên độ dao dộng trong một phiên gần 10% vì thế không đóng thêm tiền ký quỹ sẽ mất luôn tiền cọc. Nếu người giao dịch không biết quản lý rủi ro hoặc lượng sức mình thì sẽ không thể nuôi mãi hợp đồng được.

– Hợp đồng gửi kho giữa nông dân – đại lý, đại lý – công ty hay nông dân – công ty bản chất là hợp đồng hay một dạng giao kết đầu cơ giá lên. Nếu người gửi dự đoán giá lên thì anh ta có thể gửi kho chịu lãi suất theo hợp đồng gửi kho nhưng thu được lợi nhờ giá lên so với giá ngay tại thời điểm gửi.

Vì sao phải ký gửi cà phê?

Các vùng trồng cà phê của Việt Nam chủ yếu của dân di cư từ các vùng đồng bằng lên đất mới Tây Nguyên. Buổi đầu xây dựng kinh tế mới với sự liên kết giữa nông trường với công nhân, nống dân với đại lý rất thuận lợi.

Cây cà phê 1 năm cho trái một lần nhưng sự nuôi dưỡng và chăm bón từ chi phí đến công nhân đều phải chi trả quanh năm. Nông dân trồng nhiều cà phê thì mới có lãi lớn nhưng không phải ai cũng đủ tiền trang trải các khoản đầu tư chăm sóc thường xuyên hàng năm, vì thế hình thành thói quen vay tiền các đại lý cà phê và đến mùa sau khi thu hái xong trả nợ và vay lại.

Bảng 1: Ưu và nhược của nông dân khi ký gửi

Ưu

Nhược

+ Không bị lấy trộm cà phê tại kho nhà, không thất thoát do độ ẩm cao do không hiểu cách bảo quản sản phẩm sau thu hoạch .

+ Là một chính sách tiết kiệm không mua sắm tiêu dùng quá mức vì không có tiền trong nhà.

+ Tạo được ấn tượng tốt với đại lý thu mua càp hê vì sau khi bán hết cà phê vẫn có thể vay mượn được tiền để chăm sóc cà phê, mua bán bất động sản, vay tiền mua đất, mua sắm các thiết bị đồ dùng sinh hoạt gia đình bằng tiền mượn từ đại lý.

+ Đại lý cà phê có thể huy động vốn vay từ nông dân (đại lý vay tiền của nông dân nhưng quy ra cà phê gửi kho) với lãi suất cao gấp 2-3 lần so với lãi suất ngân hàng. Trước năm 2009 khi ngân hàng cho vay 1%/tháng thì nông dân gửi tiền đại lý 3%/tháng. Nay ngân hàng cho vay lãi suất 1,7%/tháng thì đại lý có thể huy động vay 4% – 6%/tháng

+ Bị rủi ro lớn nếu đại lý bị phá sản. Một trăm người dân gom vốn (bằng cà phê hoặc bằng tiền quy ra cà phê) cho một đại lý có lòng tham thì họ sẽ xù.

+ Hợp đồng gửi kho giá thấp hơn hàng bán giao ngay. Do hàng đã gửi thì hầu như không thể rút ra bán cho người khác. Nếu lấy hàng ra chi phí lưu kho và lãi vay, nếu có rất lớn.

+ Chịu lãi suất cao hơn nếu như vay lại tiền đầu tư từ đại lý, nếu không vay tiền mà vay cà phê từ đại lý thông thường chịu lãi suất 20-40%/tấn càphê/năm. Ví dụ: Vay 1 tấn cà phê từ đầu vụ, cuối năm thu hoạch trả 1,2 – 1,4 tấn theo thỏa thuận vay cà phê nhân.

+ Hợp đồng kinh tế và giấy gửi kho có nhưng rất ít, chủ yếu dựa vào chữ tín. Trong trường hợp đại lý ký nhận hàng không trả tiền khi nông dân chốt giá thì người gửi hàng trở thành người đi xin lòng thương xót từ đại lý.

Bảng 2: Ưu và nhược của đại lý khi nhận gửi, huy động vốn của nông dân

Ưu

Nhược

+ Hiểu rõ được từng người dân trong vùng về tính cách, tập quán bán hàng của từng gia đình.

+ Mua được số lượng cà phê lớn trong vùng sau khi thu hoạch.

+ Có một lượng hàng của nông dân làm vốn xoay vòng sẽ hạn chế được tiền vay từ ngân hàng.

+ Có kế hoạch đầu tư phân bón và tài chính từng thời vụ để kinh doanh.

+ Nông dân bán nhỏ lẻ làm kế hoạch thu chi tiền bất thường. Rất khó biết chính xác về khoản lời lãi trong năm.

+ Nếu nông dân không trả nợ cũ thì rất khó đòi. Nếu họ không bán hoặc gửi lại cà phê cho mình mà bán cho đại lý khác thì không thể thu hồi được công nợ.

+ Hệ thống sổ sách kế toán và xác nhận công nợ giữa nông dân và đại lý nếu không thực thiện đối chiếu công nợ (bằng văn bản) dưới 24 tháng thì không có giá trị pháp lý.

+ Nông dân từ trước đến nay nếu phải đi vay mượn là những người nghèo vì thế khả năng thu nợ rất thấp.

Ngoài nông dân và đại lý cung ứng cà phê cho nhà xuất khẩu, còn một thành phần khác là người thu mua cho công ty. Họ có thể là nhân viên cung ứng của công ty, hoặc cũng có thể là người có mối quan hệ đặc biệt với công ty, họ đứng giữa để gom cà phê từ nông dân, đại lý cho công ty khi công ty cần những lô hàng lớn.

Cái hay là nông dân hay đại lý nếu bán trực tiếp cho công ty cũng bằng giá cà phê giao cho nhà cung ứng, còn giá cà phê mà công ty mua của nhà cung ứng thường cao hơn giá phát hàng ngày cho nông dân, đại lý.

Bảng 3: Ưu và nhược của những người chuyên đi thu mua cho công ty

Ưu

Nhược

+ Được hưởng các phúc lợi công đoàn của công ty và được trả lương, được ứng tiền của công ty thay vì phải vay ngân hàng như đại lý.

+ Mua được số lượng cà phê thì được hưởng hoa hồng.

+ Thăm viếng các đại lý cà phê và động viên họ giao hàng về công ty.

+ Được gặp gỡ nhiều người và am hiểu từng người về bổn phận và trách nhiệm của họ

+ Quản lý tiền của công ty đưa ra mua hàng và giao hàng không bị thiếu về chất lượng và số lượng.

+ Nhận hàng về giao kho thường chênh lệch về chất lượng và số lượng.

+ Cống tác vận chuyển và giao nhận vào mùa rất vất vả do số lượng lớn, hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn tấn, trong khi đại lý thì chỉ vài trăm hay cao lắm là vài ngàn tấn.

Rủi ro trong buôn bán cà phê

Khi tham gia buôn bán cà phê thực chất là tham gia giao dịch cà phê trên sàn quốc tế. Vì giá cà phê trong nước được định giá bởi sàn giao dịch cà phê London hay New York. Do vậy, người bán không thể căn cứ vào đâu để xác định giá nào là cao nhất hoặc thấp nhất của hợp đồng.

Thị trường cà phê không chỉ bị tác động bởi cung cầu trên thị trường mà còn bị chi phối bởi những thông tin kinh tế, chính trị, thời tiết… và kỹ thuật. Trong khi giao dịch trên thị trường cà phê thế giới là tự do, có nghĩa giá có thể lên cao nhất và thấp nhất mà không có mức mua bảo hộ như một số thị trường khác hay không có biên độ giao dịch như thị trường chứng khoán Việt Nam. Ấy vậy nên đại lý cà phê có khi ngủ qua một đêm tự nhiên trong túi có thêm hàng tỉ đồng nhưng cũng có khi 1 hay 2 đêm là sạt nghiệp.

Muốn kinh doanh cà phê cần có kỷ luật và có tiến trình thời gian, người mua và người bán cần xác định rõ về khả năng tài chính của mình vì không ai có thể biết được anh có bao nhiêu tiền hoặc nợ bao nhiêu tiền. Hay nói cách khác, kinh doanh cà phê bằng việc mở đại lý hay làm nhân viên cung ứng, cũng phải có một thời gian trải nghiệm, xây dựng uy tín cá nhân.

Các công ty thăm các nhà cung ứng hoặc nông dân thì đầu tiên người bán nói rằng chỉ mua bán chốt giá trong ngày. Nếu năm nào giá tăng thì nông dân hay đại lý cũng đầu cơ vài chục đến vai trăm tấn. Nhưng nếu như giá đột ngột tăng cao thì họ tiếc vì đã bỏ qua cơ hội đầu cơ với số lượng lớn hơn để làm giàu. Việt Nam thường có quy trình đầu cơ dây chuyền từ nông dân đến công ty.

Các đại lý buôn cà phê của Việt Nam 90% đi lên từ nông dân và buôn bán theo thói quen, họ không có bằng cấp cao và đào tạo chuyên ngành, nên cũng dễ vướng trường hợp phá sản do biến động giá. V

iệt Nam hàng năm sản xuất 1,2 triệu tấn cà phê robusta, tiêu thụ trong nước dưới 10%, còn lại xuất khẩu nhưng 75 – 80% sản lượng cà phê lại được sản xuất từ nông hộ nhỏ lẻ, do vậy, đây cũng là một trong những lý do tại sao Việt Nam hình thành hệ thống đại lý và phương thức mua bán ký gửi cà phê.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới