Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần đầu tư đủ tầm và tập trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần đầu tư đủ tầm và tập trung

Quang cảnh hội thảo về việc sử dụng PMNM trong hoạt động tin học hóa của các cơ quan nhà nước. Ảnh: Vân Oanh

(TBVTSG) – Làm sao để đẩy mạnh việc ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) trong các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ quan nhà nước?

Đó là nội dung chính của buổi hội thảo về việc sử dụng PMNM trong hoạt động tin học hóa của các cơ quan nhà nước được Bộ Thông tin-Truyền thông phối hợp với Ban chỉ đạo CNTT của cơ quan Đảng tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua.    

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ Thông tin-Truyền thông, cho biết hiện có rất ít cơ quan nhà nước ứng dụng PMNM có hiệu quả ở phạm vi rộng.

Theo ông Đường, sở dĩ có tình trạng nói trên một phần là do có quá ít công ty làm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ triển khai PMNM chuyên nghiệp cũng như rất thiếu tài liệu hướng dẫn về PMNM. Bên cạnh đó, việc triển khai các chủ trương, chính sách về PMNM của Nhà nước diễn ra rất chậm. Ngoài ra, cơ chế tài chính cho việc triển khai PMNM chưa có nên các cơ quan nhà nước muốn ứng dụng PMNM không biết lấy nguồn tài chính từ đâu.

Có một loạt lý do nữa làm cho PMNM chưa được ứng dụng nhiều. Theo ông Đường, hiện các sản phẩm PMNM còn thiếu và chất lượng chưa cao. Số sản phẩm PMNM được nghiên cứu phát triển, bản địa hóa chưa nhiều. Thậm chí nhiều sản phẩm phát triển xong cũng không được đầu tư tiếp để đưa vào thị trường. Một số sản phẩm còn chưa được thân thiện với người sử dụng.

Cái vòng luẩn quẩn

Nhà nước cần đi tiên phong trong việc đầu tư cho ứng dụng phần mềm nguồn mở để tạo thị trường.”

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin-Truyền thông

“ Ông Đường phân tích, việc phát triển và ứng dụng PMNM ở Việt Nam hiện đang gặp phải hai cái vòng luẩn quẩn. Thứ nhất: do thị trường PMNM nhỏ nên có ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ PMNM. Điều này làm cho người dùng thiếu tin tưởng nên đầu tư cho PMNM thấp và ít ứng dụng nên không làm cho thị trường phát triển lên được. Thứ hai: do thị trường nhỏ nên các doanh nghiệp ít đầu tư và thiếu các chuyên gia. Chính vì vậy người dùng không tin tưởng vào các doanh nghiệp nên nhu cầu không được tạo ra, từ đó thị trường không được khuyến khích tăng trưởng.

Để phá vỡ tình trạng này, theo ông Đường, biện pháp mạnh và cần thiết là nhà nước tiên phong đầu tư cho ứng dụng PMNM để tạo thị trường cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm, nghiên cứu giải pháp xây dựng một đội ngũ chuyên gia, hỗ trợ tư vấn cho các đơn vị ứng dụng.

Tại hội thảo, ông Đường cũng cho biết kinh nghiệm thành công của Trung Quốc. Ông Đường nhấn mạnh, Trung Quốc khá thành công khi triển khai ứng dụng PMNM, nhờ sự đầu tư của chính phủ nước này đủ tầm và tập trung. Và Trung Quốc cũng có những chương trình phát triển một phiên bản PMNM GNU/Linux riêng (tương đương với Windows).

Cùng lúc đó, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư một số trung tâm đánh giá, kiểm định, tư vấn về PMNM để khuyến nghị sử dụng trong các cơ quan nhà nước và cung cấp các tài liệu, dịch vụ hỗ trợ. Các trung tâm nghiên cứu và phát triển PMNM được đầu tư đủ tầm sau đó chuyển dần sang mô hình công ty kinh doanh. Và yếu tố quan trọng là tại Trung Quốc, nhà nước có chính sách khuyến khích các cơ quan nhà nước mua các phần mềm sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Trung Quỳnh, đại diện Bộ Khoa học-Công nghệ, cho rằng việc triển khai PMNM trong các cơ quan nhà nước nên làm theo lộ trình. Giai đoạn từ nay đến năm 2010 nên tập trung vào các ứng dụng văn phòng, không nên yêu cầu cao là triển khai ứng dụng PMNM ngay tại máy chủ.

Quyết tâm sẽ thành công

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Tin học của Văn phòng Trung ương Đảng, cho biết PMNM được ứng dụng trong các cơ quan Đảng từ năm 2004. Với quyết tâm ứng dụng có hiệu quả PMNM, đến nay toàn hệ thống cơ quan Đảng có hơn 1.400 máy chủ đang chạy ổn định trên PMNM. Các cán bộ kỹ thuật có đủ năng lực để quản trị các hệ thống máy chủ trên nền nguồn mở. Có 6.000 máy tính để bàn đã chuyển đổi từ hệ điều hành Windows của Microsoft sang hệ điều hành nguồn mở Ubuntu.

Đa số các tỉnh thành đã chuyển đổi thành công từ phần mềm thương mại Microsoft Office sang ứng dụng văn phòng nguồn mở OpenOffice. Từ đầu năm nay, các cơ quan Đảng đã bắt đầu trao đổi dữ liệu định dạng ODF nguồn mở. Trong hệ thống các cơ quan Đảng, một số tỉnh như Hà Nam đã áp dụng triệt để PMNM, chỉ còn lại vài máy tính còn dùng hệ điều hành Windows. Việc triển khai PMNM ở các máy tính để bàn ban đầu cũng gây khó chịu cho người dùng bởi PMNM chưa bằng Windows về độ tiện dụng.

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám đốc iNet Solutions, một công ty chuyên về PMNM, đã cung cấp thông tin về tình hình ứng dụng PMNM trên thế giới. Ông Hiền nói : “PMNM đang có mặt trên 60% các kiến trúc chính của CNTT hiện nay. Microsoft mới chỉ chiếm 50% hệ điều hành. Chi phí cho việc ứng dụng nguồn mở chỉ chiếm 50% so với sử dụng nguồn đóng. Đẩy mạnh ứng dụng PMNM là phát huy nội lực đất nước. Trung Quốc đã ứng dụng PMNM thành công, vậy sao Việt Nam không làm được?”

“Lên tinh thần” cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ PMNM, ông Hiền cho rằng PMNM hay nguồn đóng không quan trọng mà cái quan trọng là các doanh nghiệp PMNM dịch vụ hóa nó như thế nào. Ông Hiền nhấn mạnh, thời điểm này, các đơn vị cần chủ động trong ứng dụng PMNM, không nên để bị “dồn vào chân tường” mới ứng dụng. Trong lúc đó, ở góc độ là doanh nghiệp làm dịch vụ về PMNM, ông Trần Lương Sơn, Giám đốc Công ty Phần mềm Vietsoftware, cho rằng việc triển khai các ứng dụng nguồn mở phổ biến hiện nay chỉ cần có quyết tâm sử dụng là có thể đạt hiệu quả mong muốn.  

VÂN LY

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới