Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần một sự đột phá về thoái vốn nhà nước

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mới đây đã ban hành danh mục những doanh nghiệp cần thoái vốn trong năm 2023. Cũng như mọi năm, danh sách này lên tới hàng chục doanh nghiệp và là những doanh nghiệp quen thuộc.

Nhựa Bình Minh nằm trong kế hoạch thoái vốn nhiều năm qua nhưng chưa thực hiện được.

Tên tuổi quen thuộc

Cụ thể, có 73 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thoái vốn trong năm 2023, giảm 28 doanh nghiệp so với năm 2022 và giảm 15 doanh nghiệp so với năm 2021. Tuy nhiên, được biết, đây mới chỉ là kế hoạch thoái vốn đợt 1, có khả năng tổng số doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thoái vốn trong cả năm nay ở con số 101 doanh nghiệp, tức tương đương với năm 2022.

Một điểm đáng chú ý là năm nay SCIC công bố kế hoạch thoái vốn ngay từ tháng 4, khá sớm so thời điểm đầu tháng 7 hồi năm ngoái. Có lẽ với thị trường chứng khoán vẫn đang trong quá trình phục hồi, việc công bố kế hoạch sớm vừa đóng góp thêm thông tin tích cực cho thị trường vừa tận dụng cơ hội này để thoái vốn thuận lợi hơn. Còn trong năm ngoái, thị trường lao dốc nặng nề từ đầu tháng 4 đã ảnh hưởng tiêu cực lên động lực thoái vốn của SCIC.

Về danh sách chi tiết, vẫn xuất hiện những cái tên quen thuộc đang niêm yết trên sàn chứng khoán như CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP), CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC), Tổng CTCP Thăng Long (UpCom: TTL), CTCP Vật liệu Xây dựng Bến Tre (UpCom: VXB) Tổng CTCP Thủy sản Việt Nam (UpCom: SEA), Tổng CTCP LICOGI (UpCom: LIC), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UpCom: HND), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (UpCom: QTP), Tổng CTCP Vật liệu Xây dựng số 1 (UpCom: FIC), CTCP Nhựa Việt Nam (UpCom: VNP), CTCP Sách Việt Nam (UpCom: VNB), Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (UpCom: VEC)…

Thực tế cho thấy các đợt thoái vốn trên sàn chứng khoán tại một số doanh nghiệp nhà nước theo hình thức khớp lệnh thay vì thỏa thuận vẫn đạt được hiệu quả nhất định.

Đây là những doanh nghiệp đã nằm trong kế hoạch thoái vốn nhiều năm qua nhưng chưa thực hiện được. Và cũng như năm ngoái, danh sách lần này không xuất hiện những cái tên được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho SCIC, như CTCP FPT (HOSE: FPT), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM), CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) hay CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB)…

Trong số những tên tuổi sẽ thoái vốn trong năm nay, một số doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu cổ phần của SCIC chi phối và có hoạt động kinh doanh ổn định, tài sản ngầm chưa được định giá hấp dẫn, có thể thu hút các nhà đầu tư, như FIC với tỷ lệ sở hữu nhà nước 40%, SEA 63%, VNP 66%, VEC 88%, VXB 50%, LIC 41%.

Nếu mua lại phần vốn này từ SCIC, các nhà đầu tư có thể nắm quyền chi phối và tái cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn. Dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đều đang gặp không ít vấn đề về tài chính, tắc nghẽn dòng tiền, thanh khoản khan hiếm, việc mua trọn lô cổ phần lớn như vậy từ SCIC không còn là bài toán đơn giản như những năm trước.

Cần sự đột phá

Có thể thấy năm nào SCIC cũng đưa ra những tên tuổi quen thuộc này nhưng rồi vẫn không tiến hành thoái vốn. Ngoài những yếu tố khách quan như thị trường khó khăn, thật ra nhìn vào bản danh sách hàng năm cũng biết chắc không thể nào thoái vốn kịp, khi thời gian đưa ra sớm nhất cũng vào quí 2 với số lượng lên tới cả trăm doanh nghiệp. Và dường như cơ quan này chỉ đơn thuần đưa ra một danh sách hàng hóa để nhà đầu tư chọn lựa, nhưng vì một lý do nào đó mà các doanh nghiệp này chẳng bao giờ được chọn hoặc chưa đến lúc để được phép chọn.

Dẫu biết rằng việc định giá doanh nghiệp nhà nước cần thoái vốn phải thực hiện kỹ càng, tránh làm thất thoát tài sản nhà nước, đặc biệt khi vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ trong công tác định giá, đặc biệt liên quan đến các tài sản là đất đai, nhưng tiến độ thoái vốn những năm qua quá chậm, những doanh nghiệp được thoái phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoặc tỷ lệ sở hữu của Nhà nước còn rất thấp.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách thời gian qua không chịu nhiều áp lực, dù nền kinh tế ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng ngân sách vẫn đạt thặng dư do nguồn thu tăng lên trong khi các dự án đầu tư công bị trì trệ, công tác giải ngân luôn không đạt tiến độ mục tiêu đề ra, nên có lẽ công tác thoái vốn nhà nước cũng không chịu sức ép.

Tuy nhiên, với mục tiêu thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn và yêu cầu giải ngân nhanh hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hoạt động thoái vốn cũng cần phải hiệu quả hơn và với tốc độ nhanh hơn để hỗ trợ thêm nguồn thu cho ngân sách.

Vì vậy, có lẽ cần có một sự đột phá về công tác thoái vốn và bản kế hoạch đưa ra phải có tính khả thi hơn.

Cụ thể, không nhất thiết phải đưa ra kế hoạch thoái vốn gồm cả trăm doanh nghiệp như vậy, dù có thể là để phục vụ cho mục tiêu thoái vốn cả trong dài hạn. Thay vào đó, chỉ cần đưa ra 10-20 doanh nghiệp cần thoái vốn mỗi năm và tập trung rốt ráo xử lý ngay trong năm đó.

Số liệu cho thấy tính tới thời điểm 31-12-2022, danh mục đầu tư của SCIC bao gồm 119 doanh nghiệp (114 công ty cổ phần và 5 công ty trách nhiệm hữu hạn), với số vốn nhà nước là 47.831 tỉ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 166.022 tỉ đồng. Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp trước đây thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương và phần lớn là chưa được niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán.

Do đó, bên cạnh việc thoái vốn bằng cách bán nguyên lô cổ phần đang sở hữu như hiện nay, thì sau khi tái cấu trúc hoạt động các doanh nghiệp thành công, SCIC có thể xem xét tiến hành các thủ tục niêm yết chính thức những doanh nghiệp đủ điều kiện lên sàn chứng khoán, để tăng sự chú ý và thu hút, mở rộng đối tượng nhà đầu tư tham gia các đợt thoái vốn do SCIC tiến hành, nhất là với những doanh nghiệp đang còn tỷ lệ sở hữu nhà nước thấp. Thực tế cho thấy các đợt thoái vốn trên sàn chứng khoán tại một số doanh nghiệp nhà nước theo hình thức khớp lệnh thay vì thỏa thuận vẫn đạt được hiệu quả nhất định.

Tính đến cuối năm 2022, SCIC đã tiếp nhận thêm 10 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước là 8.524 tỉ đồng trên tổng vốn điều lệ là 13.548 tỉ đồng, đồng thời đã thực hiện công tác thoái vốn nhà nước và thực hiện bán vốn thành công tại 26 doanh nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp vẫn đang được tiếp nhận thêm, công cuộc thoái vốn của SCIC sẽ là một lộ trình dài hơi vì vậy càng phải có những sự bứt phá mạnh mẽ hơn.

Bất chấp số lượng doanh nghiệp thoái vốn chưa được như kỳ vọng, kết quả kinh doanh của SCIC lại cho thấy khá tích cực, với doanh thu năm 2022 đạt 10.694 tỉ đồng, tăng 51% so với năm 2021 và 35% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, doanh thu từ cổ tức đạt 8.216 tỉ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ và vượt 41% kế hoạch. Doanh thu bán vốn dù chỉ đạt 1.358 tỉ đồng, nhưng cũng hoàn thành kế hoạch năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.836 tỉ đồng, vượt 91% kế hoạch năm 2022.

2 BÌNH LUẬN

  1. Không có nguồn lực huy động vốn từ việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước nguồn vốn tín dụng của ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp ngày càng bế tắc. Mặt khác nạn tham nhũng trong các dnnn sẽ không còn nữa, ngân sách nhà nước không còn phải bù lỗ cho doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả.

  2. Thoái vốn, chỉ là ngôn từ cho hay mà thôi. SCIC được phân công nắm giữ một phần nguồn lực lớn của nền kinh tế đất nước, nhưng thực tế cho thấy có hiện tương “độc quyền” trong việc rao bán vốn nhà nước. Lợi ích mang lại cho ai nhiều nhất, nền kinh tế/ doanh nghiệp.. vẫn chưa được rõ ràng. Độc quyền, luôn sinh ra những dạng thức tiêu cực khác nhau. Nên chăng cần phải xử lý sớm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới