Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần tháo gỡ “rào cản” để phát triển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần tháo gỡ “rào cản” để phát triển

Vân Ly

Trung tâm dịch vụ hỗ trợ khách hàng, một trong những loại hình dịch vụ CNTT mới hiện nay.

(TBVTSG) – Thời gian gần đây, các loại hình dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam đã trở nên đa dạng, phong phú và có chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, để cho các dịch vụ này phát triển tới mức chiếm 40 – 60% trong tổng doanh số của toàn bộ lĩnh vực CNTT như ở các nước thì Việt Nam cần tháo gỡ nhiều “rào cản” về chính sách hơn nữa…

Đó là nội dung chính của cuộc hội thảo “Chính sách quản lý và hỗ trợ phát triển dịch vụ CNTT tại Việt Nam” do Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức vào cuối tháng Sáu vừa qua tại Hà Nội.

Chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Hiện nay có khoảng 10.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ CNTT tại Việt Nam. Và theo dự báo, con số này sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin-Truyền thông, chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp thực sự có hoạt động và  doanh thu năm 2008 của mảng dịch vụ CNTT ước tính khoảng hai tỉ đô-la Mỹ.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin-Truyền thông, nhận xét mặc dù số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ CNTT là rất lớn nhưng chưa có doanh nghiệp lớn, chuyên sâu về một số loại hình dịch vụ nhất định.

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cung cấp dịch vụ CNTT như trung tâm dữ liệu, cho thuê phần mềm, trung tâm dịch vụ khách hàng… nhưng vẫn còn một số loại hình dịch vụ phát triển tự phát, không manh tính hệ thống như tư vấn CNTT, phân phối máy tính…

“Mức độ đầu tư của các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ còn thấp (chủ yếu là vốn tự có), việc huy động vốn qua các kênh như ngân hàng, cổ phiếu… vẫn còn hạn chế,” ông Đường cho biết.

Sự đầu tư trực tiếp của Nhà nước cho ngành dịch vụ CNTT cũng chưa nhiều, chủ yếu là đầu tư gián tiếp qua các chương trình ứng dụng CNTT. Trong khi đó, mức đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng dần. Ông Đường cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này bởi quy mô phát triển hiện chưa tương xứng với tiềm năng.

“Việt Nam là thị trường tiềm năng cho lĩnh vực này với dân số đông, lao động trẻ, tỷ lệ dân số sử dụng Internet cao và tăng trưởng nhanh, hạ tầng viễn thông tốt,” ông Đường nói.

Rào cản

Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ CNTT chưa phát triển mạnh tại Việt Nam do môi trường pháp lý chưa hoàn thiện. Cụ thể: thiếu các hướng dẫn thực hiện Luật CNTT, thiếu các quy định cụ thể cho các loại hình kinh doanh dịch vụ CNTT (một số loại hình cần có quy định điều kiện kinh doanh nhưng nay đang phát triển tự phát), chưa có quy định cụ thể về hoạt động dịch vụ tư vấn dự án CNTT, dịch vụ an toàn-an ninh thông tin…

Bên cạnh đó, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết về các loại hình dịch vụ CNTT hiện chưa rõ ràng. Nhiều loại hình chưa có trong hệ thống mã ngành nghề sử dụng trong đăng ký kinh doanh của Việt Nam khiến các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình đăng ký kinh doanh.

Việc sử dụng và cung cấp dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước cũng chưa có quy định rõ ràng, dẫn đến việc không kiểm soát được chất lượng dịch vụ, gây khó khăn cho cả người sử dụng lẫn doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ.

Riêng dịch vụ tư vấn dự án CNTT cũng có những điều bất cập như: các doanh nghiệp đều có thể cung cấp dịch vụ này mà không cần có chứng chỉ hành nghề, hoặc nhiều doanh nghiệp chấp nhận tư vấn miễn phí (bên cạnh dịch vụ chất lượng thấp) để mong nhận được hợp đồng. Thậm chí một số cơ quan quản lý tư vấn dự án xây dựng cơ bản lại cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn CNTT (kết quả là một số đơn vị có chứng chỉ nhưng không thực chất).

Thực tế này dẫn tới tình trạng khó phát triển ngành tư vấn CNTT chuyên nghiệp, làm cho thị phần của các dự án tư vấn lớn bị chiếm lĩnh bởi các công ty nước ngoài. Các công ty trong nước chủ yếu đóng vai trò nhà thầu phụ, trong khi họ có khả năng và hiểu rõ  thị trường Việt Nam hơn.

Ông Trần Việt Hưng, Phó giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), thì cho rằng, thủ tục đầu tư cho các dự án CNTT có rất nhiều điểm chưa hợp lý khiến thời gian thực hiện kéo dài, do đó, có tình trạng công nghệ có thể đã lạc hậu khi hệ thống CNTT còn chưa kịp đi vào khai thác, sử dụng.

Giải pháp

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, dịch vụ CNTT đã trở thành xu hướng mới cho việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, để các đơn vị đi thuê dịch vụ CNTT chỉ tập trung vào việc kinh doanh chính của mình. Có thể thuê các dịch vụ liên quan hoặc dựa trên CNTT từ các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.

Ông Đường cho rằng, để lĩnh vực này có thể phát triển tại Việt Nam, Nhà nước cần tháo gỡ các rào cản hiện có, cần xây dựng nghị định quy định điều kiện hoạt động, cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ CNTT.

Với kinh nghiệm cung cấp dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước, ông Hưng đề nghị, Nhà nước cần đổi mới các thủ tục đầu tư dự án CNTT theo chiều hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan nhà nước được giao làm chủ đầu tư; cho phép và tạo điều kiện để thuê các cơ quan tư vấn có uy tín trên thế giới cũng như trong nước để thực hiện công tác tư vấn triển khai dự án CNTT; cho phép mời thầu sử dụng dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp có hạ tầng mạng tốt, có uy tín về cung cấp dịch vụ CNTT cũng như có khả năng về tài chính để sẵn sàng đầu tư theo kịp các yêu cầu về phát triển.

Bên cạnh đó, cũng cần ban hành các quy định hướng dẫn việc thuê CNTT tại các cơ quan nhà nước; đưa chi phí liên quan đến việc sử dụng các dịch vụ CNTT vào kế hoạch chi phí hoạt động định kỳ hằng năm của các cơ quan; xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng các dịch vụ CNTT…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới