Thứ Năm, 9/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần Thơ – trung tâm chế biến thực phẩm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần Thơ – trung tâm chế biến thực phẩm

Huỳnh Kim

TS. Võ Hùng Dũng.

(TBKTSG) – Nói đến một thành phố hay một địa phương nào đó, người ta thường nhắc đến một hai điểm mạnh của nó. Ví dụ Đà Lạt là du lịch hay trồng hoa, Paris là thời trang, Bangkok là giải trí hay Macao là đánh bạc. Đó là thế mạnh hay nói cách khác là năng lực lõi của mỗi địa phương, cần được xác định và đầu tư đúng để phát triển. Vậy năng lực lõi của Cần Thơ là gì? Dưới đây là trao đổi giữa TBKTSG và TS. VÕ HÙNG DŨNG, Giám đốc VCCI Cần Thơ, về đề tài này.

TBKTSG: Nhắc tới Cần Thơ, người ta thường nhắc tới “Tây đô” hay “bến Ninh Kiều”… của ngày xưa. Theo ông, vì sao như vậy?

– TS. VÕ HÙNG DŨNG: Lịch sử hình thành và phát triển của mỗi địa phương thường gắn liền với một vài tên gọi như là “điểm nhấn” mà khi nhắc đến người ta liên tưởng đến địa phương đó. 

Các điểm nhấn này có thể là công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, hay sản vật địa phương. Ví dụ, khi nói đến Đà Lạt người ta nghĩ đến hoa, chợ hoa, khi nói đến Sài Gòn người ta lại nghĩ đến chợ Bến Thành, khi thấy biểu tượng của chợ Bến Thành người ta nghĩ ngay đến Sài Gòn hay TPHCM ngày nay.

Ta thường nghe người địa phương, mỗi khi nhắc tới Cần Thơ là hay nhắc tới những tiếng gọi như “Tây đô” hay “bến Ninh Kiều”. Đó đều là những tên gọi đã có từ thuở xa xưa gợi đến địa danh đất Cần Thơ. Nhưng hai từ này không nói gì đến thế mạnh của Cần Thơ, dĩ nhiên là nó cũng không ám chỉ năng lực lõi của Cần Thơ xưa hay thành phố Cần Thơ ngày nay. Những điểm nhấn nói trên thường là biểu tượng dễ nhận thấy nhưng chưa phải là phần cốt lõi nhất hàm chứa giá trị nội tại của mỗi địa phương.

Chế biến rau củ tại một doanh nghiệp ở Cần Thơ. Thành phố này đang có nhiều điều kiện để phát triển lĩnh vực dịch vụ và chế biến.

TBKTSG: Có phải vì vậy mà lâu nay Cần Thơ vẫn chưa tìm ra được thế mạnh của riêng mình để đầu tư phát triển?

– Năng lực cốt lõi của mỗi địa phương là sức mạnh ẩn chứa bên trong được thể hiện qua khả năng thích nghi, tính năng động, sáng tạo và năng lực cạnh tranh của địa phương trên thị trường.

Sự năng động của địa phương là nguồn khởi phát cho nhiều hoạt động kinh doanh biểu hiện qua sự đa dạng và chuyên sâu trong nhiều phân khúc của hàng hóa, dịch vụ. Môi trường kinh doanh cạnh tranh là nơi sàng lọc, chọn ra những ngành có năng lực cạnh tranh nhất tạo nên lợi thế cạnh tranh của địa phương đó khi tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Michael Porter cho rằng không một địa phương nào có thể sở hữu tất cả các thế mạnh trong nhiều ngành sản xuất. Mỗi địa phương chỉ có thể có một vài loại hoặc thậm chí chỉ là một phân khúc của một loại hàng hóa nào đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mà nó đem lại lợi ích lớn nhất cho địa phương đó.

“Tây đô” chỉ là sự hoài niệm về quá khứ, nó không giúp được gì cho sự phát triển hay tạo dựng lợi thế cạnh tranh của địa phương. Nhấn mạnh nhiều đến tính chất “thủ phủ” miền Tây đôi khi còn gây sự khó chịu ở những địa phương khác trong vùng. Vấn đề quan trọng là tìm cho được cái khác biệt, cái nổi trội và có kế sách thực hiện để có được hình ảnh của một thành phố Cần Thơ trung tâm của vùng ĐBSCL, có tác dụng thúc đẩy kinh tế của cả vùng, trở thành đầu mối trong liên kết kinh tế giữa ĐBSCL với TPHCM và các trung tâm kinh tế khác.

TBKTSG: Vậy theo ông, có thể xác định năng lực lõi của thành phố Cần Thơ là gì?

– ĐBSCL có lợi thế so sánh của các sản phẩm như lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái. Nhưng những sản phẩm này đang ở dạng thô, chưa có sản phẩm ở những phân khúc chế biến sâu, giá trị gia tăng cao.

Xuất khẩu những sản phẩm với lợi thế so sánh như vậy không giúp ĐBSCL trở nên giàu có. Điều đã xảy ra với hầu hết các nước trên thế giới là nơi nào, nước nào tận dụng lợi thế so sánh (sản phẩm thô, dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ) để xuất khẩu hàng hóa thì chỉ có thể có những bất ngờ trong vài năm đầu, những năm sau đó đều rơi vào khó khăn, thua thiệt. Bài học rút ra ở nhiều nước là phải chuyển sang tạo dựng năng lực cạnh tranh (cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực, trình độ công nghệ, môi trường kinh doanh cạnh tranh), chuyển sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao, xây dựng các thương hiệu riêng biệt.

Thành phố Cần Thơ là nơi tập trung nhiều trường đại học, cơ sở nghiên cứu, có cơ sở hạ tầng tốt hơn hẳn so các tỉnh khác trong vùng, thì chiến lược phát triển nên đi vào lĩnh vực dịch vụ và chế biến. Trong dịch vụ là giáo dục, y tế, sức khỏe; trong công nghiệp chế biến là phân khúc giá trị gia tăng cao. Thay mặt cho cả vùng, thành phố xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng của vùng thông qua các hoạt động tiếp thị, du lịch, quảng bá hình ảnh của cả vùng và cho thành phố.

Giáo sư Phillip Kotler năm 2007, khi trả lời câu hỏi Việt Nam nên như thế nào khi Trung Quốc là “công xưởng”, Ấn Độ là “văn phòng” của thế giới thì ông gợi ý Việt Nam nên trở thành “bếp ăn” của thế giới.

“Bếp ăn” chứ không phải là ô tô, đóng tàu hay máy tính có thể không phải là hướng suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách trong những năm đó. Nhưng gợi ý này liên quan đến nông nghiệp, đến ngành chế biến thực phẩm, liên quan đến thế mạnh của ĐBSCL và bối cảnh sau khủng hoảng kinh tế thế giới, những tác động của biến đổi khí hậu, cũng rất đáng để suy nghĩ, lựa chọn. Nếu được là trung tâm chế biến thực phẩm cho thế giới thì đó cũng là điều tốt, rất tốt với Việt Nam. Và nếu có một trung tâm chế biến thực phẩm để làm “bếp ăn” của thế giới với nhiều món ăn ngon, hấp dẫn du khách ở Việt Nam thì tại sao ở ĐBSCL, thành phố Cần Thơ không là nơi đáng để lựa chọn?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới