Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Canh tác tôm – lúa: Lợi thế của vùng đất mặn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Canh tác tôm – lúa: Lợi thế của vùng đất mặn

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Canh tác kết hợp tôm - lúa ở các tỉnh ven biển ĐBSCL là mô hình canh tác sử dụng rất ít phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên tiện lợi để áp dụng sản xuất theo Gap (VietGap, GlobalGap - thực vhành sản xuất nông nghiệp tốt). Tuy nhiên, việc có quá nhiều giống lúa được gieo sạ thật sự là một thách thức đối với xây dụng thương hiệu cho hạt gạo của vùng.

Canh tác tôm – lúa: Lợi thế của vùng đất mặn
Nông dân thu hoạch lúa - Ảnh: TC.

Đó là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều nhà chuyên môn tại hội nghị: “Phát triển lúa và xây dựng thương hiệu gạo trên vùng luân canh tôm- lúa ven biển ĐBSCL” được tổ chức sáng 5-10 tại Sóc Trăng.   

Ưu thế sản xuất Gap

Tại hội nghị, phó giáo sư- tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý rất độc đáo, vừa nuôi được tôm vừa trồng được lúa trong cùng một vùng mà không phải quốc gia nào cũng có được.

“Việc canh tác tôm- lúa ở vùng ven biển ĐBSCL, người nông dân đã biến cái được xem là “hạn chế” (nước mặn)  trở thành nguồn tài nguyên quý giá để cải thiện đời sống của họ”, ông Dư cho biết.

Mô hình canh tác tôm – lúa không chỉ giúp tăng thu nhập, giảm thiểu rủi ro cho người nông dân, nhiều nhà chuyên môn tham dự hội nghị còn cho rằng, canh tác tôm- lúa rất thuận lợi trong việc hướng đến phát triển sản xuất theo Gap.

“Qua khảo sát, đánh giá mô hình canh tác tôm – lúa của tỉnh, chúng tôi thấy lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được người nông dân sử dụng giảm 70 – 80%. Đây thật sự là một ưu thế để ngành nông nghiệp hướng người nông dân tiến tới sản xuất theo Gap”, đại diện ngành nông nghiệp Kiên Giang cho biết.

Ông Dư từ Cục trồng trọt, cho biết ưu điểm của mô hình này là người nông dân tuân thủ rất nghiêm vấn đề sử dụng hóa chất nông nghiệp vì nếu  sử dụng hóa chất sẽ ảnh hưởng đến tôm nuôi.

“Áp dụng mô hình, không còn cách nào khác người nông dân bắt buộc phải áp dụng giải pháp “quản lý tổng hợp”, tức là ít sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp trong sản xuất lúa, vì vậy ít gây hại đến môi trường tự nhiên để tôm phát triển, phù hợp sản xuất nông nghiệp tốt (Gap)”, ông Dư cho biết

Nhiều giống, khó có thương hiệu

Theo ông Dư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch nâng diện tích canh tác mô hình tôm – lúa đến năm 2015 đạt 200.000 héc ta với sản lượng lúa khoảng 800.000 tấn.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là có quá nhiều giống lúa được các địa phương ven biển ĐBSCL áp dụng gieo trồng, gây khó khăn trong xây dựng thương hiệu và tiêu thụ.

Cụ thể, chỉ riêng vùng canh tác tôm – lúa của Sóc Trăng có khoảng 20 giống lúa của bộ giống ST (giống lúa do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng nghiên cứu, lai tạo) được nông dân sử dụng gieo trồng, chẳng hạn ST 1, 2, 5, ST 20…Ngoài ra, nhiều địa phương khác cũng sử dụng nhiều giống khác nhau như: một bụi hồng ở Bạc Liêu… 

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: “Ở Sóc Trăng hiện có bộ giống ST của kỹ sư Cua (Hồ Quang Cua, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng) là loại giống tiêu thụ trong nước được, xuất khẩu cũng được. Tuy nhiên, bộ giống có đến 20 thứ giống thì lộn xộn quá”.

Theo ông Phong, ông đã nhiều lần lấy gạo của bộ giống ST chào hàng thử nghiệm nhưng các nước nhập khẩu cứ phàn nàn tại sao lúc thì ST 5, lúc thì ST 9, rồi có lúc thì ST 20.

“Bây giờ mình phải xác định giống lúa ST nào là chủ lực để có tính toán sản xuất, xây dựng thương hiệu thì mới thành công được”, ông Phong nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết: “Hướng tới đây, chúng ta chỉ nên sản xuất một hoặc hai giống thôi nhưng phải là giống chất lượng thật cao, năng suất có thể thấp, chỉ 3 tấn/héc ta thôi cũng được”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới