(KTSG Online) - Thủ tướng Chính phủ ký văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương quyết liệt hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả; kiểm tra xử nghiêm cán bộ, công chức chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Doanh nghiệp mất 32,2 giờ để thực hiện một thủ tục đất đai
- Vòng xoáy nhà ở xã hội: Vốn chờ nhà, nhà chờ thủ tục
- TPHCM rút ngắn thời gian làm thủ tục, tăng tốc giải ngân đầu tư công
Theo Baochinhphu.vn, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Văn bản 493/TTg-KSTT ngày 1-6 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.100 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia... Tính đến tháng 5-2023, tổng số thủ tục hành chính của cả nước là 6.422, giảm 376 thủ tục hành chính so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, theo ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và phản ánh người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Các thủ tục hành chính nội bộ chưa được quan tâm rà soát, cắt giảm; việc giải quyết thủ tục hành chính còn qua nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, ách tắc trong thực hiện; công tác công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính một số nơi chưa nghiêm, có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, đặt thêm thủ tục ngoài quy định làm tăng thời gian, chi phí xã hội, giảm hiệu lực quản lý.
Quochoi.vn thông tin, qua các phiên họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến những tồn tại, hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành các quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục, bởi còn tới 44 điều khoản của 37 luật, pháp lệnh chưa được Chính phủ và 15 bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết.
Việc chậm, nợ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã phần nào trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến thực thi chính sách của nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp.
Vì vậy cần sớm có quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao nếu xảy ra tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tại phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Tại văn bản 493/TTg-KSTT, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục nội bộ và cắt giảm ít nhất 20% chi phí theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Nghiên cứu đề xuất cắt giảm ngay các thủ tục, các bước trung gian không cần thiết; các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không định lượng được để minh bạch trong đánh giá, kiểm tra, thẩm định, xét duyệt; kiên quyết chỉ ban hành thủ tục hành chính mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện thống kê, rà soát, ban hành các quy định pháp luật kịp thời, đầy đủ, tránh tình trạng nợ đọng, chậm văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục, cung cấp dịch vụ công; kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà, nhất là làm phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp xã hội hóa các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện; hoàn thành và trình Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa trước ngày 30-9.
Cắt giảm. Cải thiện. Vẫn là không đủ. Nói mãi vẫn chưa thể thông thoáng được. Bởi vì giải pháp này chỉ mang tính tình thế, không đi sâu vào bản chất vấn đề để giải quyết triệt để các trở ngại, vướng mắc, tới nơi đến chốn. Mặt khác, trong bối cảnh sợ trách nhiệm, sợ lao lý… bao trùm khắp nơi thì con người công vụ là nhân tố quan trọng nhất, nhưng đang bị vô hiệu hóa. Muốn chấm dứt hiện tượng này thì chỉ có cách là phải đổi mới, thay thế bộ máy và con người. Cách chức vài người né tránh trách nhiệm, cứu vãn được vô số người khác đang tận tụy với công việc. Cũng là việc nên làm.