Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Câu hỏi đặt ra từ cây cà phê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Câu hỏi đặt ra từ cây cà phê

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới với diện tích hơn 540.000 héc ta, sản lượng hàng năm lên đến hơn 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 1,7 tỉ đô la Mỹ. Năm nay, giá cà phê trên thế giới tăng cao, doanh nghiệp, nông dân phấn khởi, mở rộng thêm diện tích trồng cà phê để xuất khẩu.

Tuy nhiên, tại hai cuộc hội thảo về cà phê được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê vừa diễn ra tại Daklak, một số chuyên viên kinh tế, nhà khoa học trong và ngoài nước đã cảnh báo những hệ quả từ thực trạng sản xuất và kinh doanh cà phê hiện nay tại Việt Nam.

Diện tích cà phê hiện nay đã vượt quá quy mô định hướng của Chính phủ. Các nông trường, nông dân thâm canh quá mức để khai thác triệt để năng suất, rút ngắn thời gian chăm sóc và thu hoạch khiến giá thành tăng cao nhưng chất lượng cà phê lại ngày càng giảm. Tỷ lệ diện tích cà phê già cỗi và sâu bệnh phải tái canh hiện lên đến 30% tổng diện tích, trong lúc đó nạn phá rừng để trồng cà phê vẫn chưa ngăn chặn được.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê nguyên liệu (cà phê nhân), không có thương hiệu, tỷ lệ lên đến 95%, trong khi ở Brazil 50% sản lượng cà phê thu hoạch được chế biến rồi mới xuất khẩu. Chính vì vậy lợi nhuận thu được của nông dân, doanh nghiệp Việt Nam rất thấp.

Một nghịch lý nữa là Việt Nam có 50 nhà máy chế biến cà phê với tổng công suất lên tới 80.000 tấn nhưng chỉ chế biến được khoảng 3% sản lượng cà phê của cả nước, chủ yếu tiêu thụ trên thị trường nội địa.

“Bức tranh cà phê” ở Việt Nam cho thấy sản xuất và kinh doanh còn mang tính “phong trào”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Giả sử đến một thời điểm nào đó, giá cà phê thế giới rớt liên tục do cung vượt cầu như 10 năm trước thì tình hình sẽ ra sao? Nhà nước đến nay chưa có giải pháp lâu dài về quy hoạch, khắc phục nạn trồng cà phê tràn lan và chưa có các chính sách khuyến nông thích hợp để bảo vệ lợi ích của người trồng cà phê.

Do không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, nông dân phải bán cà phê trước thời điểm thu hoạch nên lợi nhuận rất thấp. Nông dân trồng cà phê ít áp dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong quá trình canh tác, thu hoạch. Bằng chứng là hiện nay tỷ lệ diện tích cà phê có chứng nhận sản xuất bền vững chỉ 10%.

Những vấn đề đặt ra từ cây cà phê cũng là những vấn đề đặt ra đối vối việc phát triển nông nghiệp ở nước ta. Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai, suy thoái kinh tế trên toàn cầu, việc phát triển nông nghiệp bền vững là chiến lược rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Có nhiều câu hỏi đặt ra: là một nước xuất khẩu gạo thuộc loại hàng đầu thế giới tại sao nông dân miền Tây vẫn nghèo và chưa bao giờ chất lượng gạo cũng như giá xuất khẩu của Việt Nam bằng Thái Lan? Trái cây Việt Nam có thừa nhưng tại sao vẫn mãi loay hoay ở thị trường nội địa? Là nước xuất khẩu điều số một thế giới nhưng vì sao nông dân vẫn “lên bờ xuống ruộng” và thường xuyên chặt cây điều trồng cây khác?…

Lời giải cho những câu hỏi đó thuộc về Chính phủ với chiến lược lâu dài và toàn diện để định hướng cho nền nông nghiệp đi đến sự phát triển bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới