Thứ Năm, 9/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chậm triển khai các giải pháp trung, dài hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chậm triển khai các giải pháp trung, dài hạn

Lê Đăng Doanh

(TBKTSG) – Sáu tháng đầu năm 2010, nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng 6 – 6,1% trong khi thiếu điện nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp là một thành tựu đáng ngạc nhiên.

Không ít doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhà hàng khách sạn đã phải mua máy phát điện và tự cấp điện cho nhu cầu của mình với giá thành cao hơn nhiều lần so với giá điện lưới. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải tổ chức làm đêm khi được cấp điện, song một số không ít doanh nghiệp khác đã phải hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc cắt điện trên diện rộng, kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ở nông thôn và thành thị, đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản và cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Các chuyên gia cũng đã lưu ý việc ngành thống kê đã cộng toàn bộ số vàng xuất khẩu khoảng 35 tấn (nếu tính giá vàng bình quân là 1.200 đô la Mỹ/ounce) vào tăng trưởng GDP cũng như tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2010 là điều khó chấp nhận.

Theo công thức, GDP = C+I+G+X-M (C: tiêu dùng cá nhân, I: tích lũy, G: tiêu dùng chính phủ, X: xuất khẩu, M: nhập khẩu), việc đưa vàng xuất khẩu vào tăng trưởng GDP chỉ có thể áp dụng khi Việt Nam đã tự sản xuất ra và xuất khẩu toàn bộ số vàng đó, trong khi trên thực tế, Việt Nam đã nhập khẩu số vàng đó (khi nhập khẩu vàng có lãi) rồi tái xuất để hưởng chênh lệch giữa giá trong nước và giá vàng thế giới và khoản thu thực tế chỉ là chênh lệch giá. Đóng góp thực của xuất khẩu vàng vào tăng GDP vì vậy, thấp hơn nhiều so với giá trị xuất khẩu đã được báo cáo.

Chỉ số CPI sáu tháng cũng cho thấy việc nâng giá dồn dập trong quí 1 đã không tiếp tục tác động đến chỉ số lạm phát mà chỉ số đó đã giảm ngay từ sau tháng 2 cũng là một hiện tượng kinh tế khác thường, khó giải thích. Bình thường, việc điều chỉnh giá sẽ tiếp tục tác động tới những tháng tiếp theo với độ trễ nhất định.

Chính phủ đã rút được kinh nghiệm từ quí 1-2010 (tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, than, xăng dầu, điều chỉnh tỷ giá, áp dụng chính sách tín dụng chặt và ngưng gói kích cầu với lãi suất ưu đãi) và trong quí 2 đã chỉ thị giảm lãi suất tín dụng xuống dưới mức 12%, nới lỏng tín dụng và nỗ lực ổn định tỷ giá.

Trong sáu tháng đầu năm, vụ 10 tỉnh cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng trên những địa bàn xung yếu về chiến lược đã gây ra sự quan tâm sâu sắc của công luận và Quốc hội. Cùng với những thiếu sót trong việc cấp phép ồ ạt sân golf, nhà máy thép vượt quá xa nhu cầu và quy hoạch đã cho thấy việc phân cấp đầu tư nước ngoài cần được chấn chỉnh lại.

Tương tự như vậy việc cấp hơn 3.000 giấy phép khai thác mỏ từ năm 2007 đến nay và trên cả nước có 6.000 mỏ đang được khai thác đã tàn phá môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Vấn đề này cũng đòi hỏi thể chế quản lý nhà nước phải được xem xét một cách rất nghiêm túc.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn và việc một công ty như Vedan có thể khước từ việc nộp phạt là một thách thức pháp luật.

Điều nổi bật là – bên cạnh những tín hiệu đáng khích lệ – kinh tế sáu đầu năm 2010 vẫn còn tiềm ẩn những bất ổn không thể xem thường như nhập siêu vẫn cao, 6,7 tỉ đô la, bằng 20,9% kim ngạch xuất khẩu. Dự kiến xuất khẩu cả năm có thể đạt 64 tỉ đô la Mỹ, tăng 13%, nhập khẩu đạt 76-77 tỉ đô la Mỹ và thâm hụt thương mại vẫn vào khoảng 13 tỉ đô la. Trong bối cảnh đó, cân đối cán cân thanh toán quốc tế chỉ có thể trông cậy vào kiều hối, giải ngân FDI và ODA với mức độ chủ động hạn chế.

Dự trữ ngoại tệ mỏng sẽ hạn chế khả năng ứng phó trước những biến động kinh tế. Tỷ giá tiền đồng Việt Nam với đô la Mỹ tạm thời đã ổn định trong quí 2-2010, song đang tiềm ẩn khả năng căng thẳng ngoại tệ vào cuối năm khi các doanh nghiệp đã vay ngoại tệ phải tất toán các khoản tín dụng tới hạn.

Đặc trưng của các phản ứng chính sách trong thời gian qua là xử lý các vấn đề ngắn hạn trong khi các vấn đề trung hạn và dài hạn chậm được triển khai. Đề án tái cấu trúc nền kinh tế đã được trình Chính phủ xem xét, song đến nay chưa thấy triển khai bằng hành động. Luật Doanh nghiệp nhà nước sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2010, song việc chuyển đổi, cải cách doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp còn nặng về chuyển đổi hình thức, chưa đi vào cải cách thực chất.

Tình hình kinh tế thế giới đang tiềm ẩn những rủi ro không thể xem thường như khủng hoảng tài chính công ở khu vực đồng euro. Việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ cũng ảnh hưởng tới kinh tế nước ta do Việt Nam nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Trung Quốc.

Hy vọng rằng trong nửa cuối của năm 2010, những nỗ lực của Chính phủ sẽ tiếp tục hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô bằng những giải pháp tái cấu trúc kinh tế, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chưa giải quyết được những điểm nghẽn của nền kinh tế

Kinh tế sáu tháng đầu năm tăng trưởng cao, thu ngân sách tốt, chỉ số lạm phát ở mức hợp lý. Tuy nhiên, những điểm nghẽn của nền kinh tế vẫn chưa giải quyết được. Thứ nhất là nghẽn vốn. Luồng vốn cho sản xuất do lãi suất cao nên nhiều đơn vị không tiếp cận được hoặc có tiếp cận được thì kinh doanh cũng khó khăn. Chính phủ có tuyên bố kéo lãi suất cho vay xuống mức hợp lý 10-12% nhưng chúng ta không thể dùng biện pháp hành chính để xử lý. Thứ hai là phải giảm chi tiêu công và thâm hụt ngân sách xuống mức thấp hơn, giải quyết tình trạng nhập siêu kéo dài và thứ ba là giải quyết những điểm nghẽn khác của nền kinh tế như thiếu điện, giao thông ùn tắc làm cho chi phí sản xuất tăng cao.

Khác hẳn năm trước, việc huy động trái phiếu thời gian gần đây có xu hướng “hút” hàng, điều này cũng không hẳn là dấu hiệu đáng mừng. Do khó khăn về vốn, về sản xuất nên nhiều đơn vị chọn cách an toàn là dùng vốn mua trái phiếu với lãi suất 10-12% – một mức lợi nhuận khá cao trong khi hoạt động sản xuất mà có lợi nhuận 12% sau khi trừ chi phí cũng đã là lớn rồi. Huy động được trái phiếu có mặt tốt là có thể dùng vốn huy động được để “bơm” vào nền kinh tế. Nếu dòng vốn luân chuyển nhanh, nhiều thì tốt và ngược lại chưa cho vay được ngay, dư vốn thì sẽ tác động lên chỉ số ICOR, nợ quá hạn tăng lên.

Tôi cũng e ngại nếu vốn huy động qua kênh trái phiếu lại được dùng để tái khởi động những dự án thiếu tính khả thi đã bị dừng lại trong giai đoạn suy thoái kinh tế thì sẽ để lại hậu quả kéo dài trong những năm tiếp theo. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng ở thời điểm này cần phải được tính toán kỹ hơn, thận trọng hơn trước mới có hiệu quả thật”.

Cao Sỹ Kiêm (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới