Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chăn nuôi bò sữa hậu “cơn bão melamine”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chăn nuôi bò sữa hậu “cơn bão melamine”

Trại bò sữa Sao Mai của ông Nguyễn Khắc Đạo ở Củ Chi. Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – “Cơn bão melamine” đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường sữa Việt Nam, tuy nhiên các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, đây cũng là cơ hội để phát triển ngành chăn nuôi và nguồn cung sữa trong nước trước áp lực cạnh tranh từ sữa nhập khẩu.  

Việc phát triển đàn bò sữa hay tăng sản lượng sữa tươi cung cấp cho các nhà máy không dễ dàng trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế, cam kết giảm thuế nhập khẩu sữa với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).  

Cơ hội từ “cơn bão melamine” 

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, những “khúc mắc” của nông dân nuôi bò sữa ở xung quanh Hà Nội đã được giải quyết mau chóng sau khi có các công ty cam kết mua hết sữa của họ. Và ông cũng cho rằng, trong “cơn bão melamine” thì việc một công ty vừa có mua sữa trong nước vừa nhập khẩu sữa bị đình trệ kinh doanh do phát hiện có melamine trong sữa nhập khẩu là chuyện bình thường.  

Kéo theo sau là công ty đó sẽ cắt giảm lượng sữa mua của nông dân và đã xảy ra như trường hợp Hanoimilk không thể tiếp tục mua sữa của nông dân đã khiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải can thiệp.

Tuy nhiên, ông Giao cho rằng phải nhìn “cơn bão melamine” một cách tổng thể thì mới thấy đây là cơ hội cho ngành chăn nuôi bò sữa trong nước.  

“Đây chính là cơ hội để người tiêu dùng và bà con nông dân thấy được vai trò thật sự của sữa tươi sản xuất trong nước. Sữa tươi ở nước ta từ trước đến nay đang bị các loại sữa khác “lấn át”, khi chỉ chiếm 25 – 27% lượng sữa tiêu thụ toàn quốc”, ông Giao nói.  

Với kết quả sữa tươi mua của nông dân trong nước không chứa melamine đã được các cơ quan chuyên môn khẳng định sau khi kiểm tra hàng trăm mẫu sữa tươi tại các điểm thu mua của các công ty thì “đây là dịp tốt để khuyến cáo người dân sử dụng sản phẩm sữa tươi nhiều hơn”.  

Việt Nam phát triển ngành sữa từ những năm 1970, nhưng tốc độ phát triển chậm. Tới năm 1980, mức tiêu thụ sữa chỉ đạt 0,3kg/người/năm; đối với thị trường sữa thế giới thì mức tiêu thụ này xem như con số 0. Tuy nhiên, từ 0,5kg sữa/người/năm vào năm 1990 và tăng dần cho đến năm ngoái, mức tiêu thụ sữa của người Việt ước đạt 7kg/người/năm, dù còn thấp so với thế giới và khu vực nhưng lại có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.  

Ông Giao cho biết, tuy ngành chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh trong hơn 10 năm qua nhưng vẫn không tăng theo kịp tốc độ tiêu dùng sữa trong nước, do vậy mà sữa tươi trong nước hiện mới chỉ đáp ứng 25% – 27% nhu cầu. Trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu tăng đàn bò sữa từ 104.000 con hiện nay lên 200.000 vào năm 2010, tương ứng với sản lượng sữa từ 200.000 tấn tăng lên 377.000 tấn.

Dự kiến tới năm 2015, cả nước có 350.000 con bò sữa cho ra sản lượng hơn 700.000 tấn sữa tươi, đáp ứng 40% nhu cầu sữa cả nước.  

Không phải nói là được  

Sữa nhập khẩu bị nhiễm melamine đang là cơ hội để phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước. Ảnh: Hữu Thắng.

Tiến sĩ Đinh Văn Cải (Viện Chăn nuôi), một người gắn bó nhiều năm với bò sữa tại TPHCM, cho rằng mục tiêu tăng sản xuất sữa trong nước của ngành nông nghiệp không quá lớn, nhưng việc thực hiện không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.

Chính sách của Chính phủ về sữa nhập khẩu trong những năm qua, theo ông Cải, chưa thúc đẩy phát triển sữa nội địa. Muốn phát triển sữa nội địa thì phải có chính sách riêng, khuyến khích các công ty chế biến sữa giảm dần lượng sữa bột nhập khẩu cho chế biến, tăng dần tỷ trọng sữa tươi sản xuất trong nước.  

Tuy nhiên, ông Cải cũng cho biết Việt Nam đã gia nhập WTO, nếu dùng chính sách thuế để hạn chế nhập sữa bột sẽ không khả thi, vì vậy cần có những chính sách thích hợp cho lộ trình đến năm 2015 trở đi, nguồn nguyên liệu  từ sữa tươi sản xuất trong nước tối thiểu phải đáp ứng được trên 40% nhu cầu sữa nguyên liệu. Hơn một năm qua, giá sữa bột trên thị trường thế giới luôn biến động, các công ty chế biến sữa như Vinamilk, Dutch Lady đã quan tâm hơn đến phát triển nguồn sữa nguyên liệu tại chỗ.

“Tuy vậy vẫn chưa có gì đảm bảo chắc chắn chương trình tăng tỷ lệ sữa nội địa của họ cho những năm tiếp theo”, ông Cải nói.

Không chỉ sữa nhập khẩu mà ông Cải còn cho rằng, yếu kém của ngành chăn nuôi bò sữa trong nước hiện nay còn bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người chăn nuôi (bên bán) và các công ty chế biến sữa (bên mua). Hệ thống thu mua sữa tươi hiện nay do các nhà máy tổ chức thông qua các đại lý trung chuyển sữa. Vì mục đích lợi nhuận, các điểm thu mua chỉ được thiết lập khi có đủ số lượng bò, đủ lượng sữa để đặt bồn chứa và không quá xa nhà máy để giảm chi phí vận chuyển và bảo đảm an toàn vệ sinh.  

“Đây là khó khăn để mở rộng địa bàn chăn nuôi đến những vùng có tiềm năng đất đai và lao động, trong khi những nơi này nếu phát triển chăn nuôi bò sữa thì giá thành sữa sẽ thấp”, ông Cải cho hay.

TPHCM là nơi có đàn bò sữa trên 66.000 con, chiếm hơn 50% tổng đàn bò sữa cả nước. Trong vòng 3 năm qua, tốc độ tăng đàn bò sữa ở đây chỉ đạt 7% mỗi năm; những năm tới, tốc độ tăng chậm hơn hoặc không tăng do quá trình đô thị hoá, ông Cải nhận định và cho biết thêm là ở những nơi có tiềm năng quyết định đến tốc độ tăng đàn bò cho cả nước như Củ Chi, Lâm Đồng, Mộc Châu, hiện nay người chăn nuôi đang muốn bán bò đi vì nuôi không có lời.

Việt Nam có 2 công ty thu mua và chế biến sữa chủ yếu là Vinamilk trên 50% và Dutch Lady khoảng 25% lượng sữa sản xuất trong nước, hai công ty này chủ yếu mua sữa ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Ở phía Bắc có Hanoimilk, Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDC) nhưng sản lượng nhỏ. Thống kê cả nước hiện có 10 công ty tham gia mua sữa tươi nhưng ngoại trừ hai công ty lớn là Vinamilk và Dutch Lady, các công ty còn lại có thị phần nhỏ.  

Chính vì có ít nhà máy chế biến thu mua sữa nên các công ty lớn rất dễ độc quyền quyết định giá mua vào và sản phẩm bán ra. Phương thức thu mua sữa giữa các công ty với người chăn nuôi chưa thật rõ ràng, khiến người chăn nuôi luôn có cảm giác phần thiệt thuộc về mình. Người chăn nuôi hoài nghi kết quả đánh giá sữa của họ vì nhà máy thu mua tự kiểm tra chất lượng không có sự chứng kiến của họ.  

Đó là “mâu thuẫn tiềm tàng” giữa bên mua và bên bán. Nhưng ở đây, do người bán là người chăn nuôi bò sữa và không có điều kiện để “chứng minh” sữa của mình có chất lượng ra sao. Mâu thuẫn giá sữa, mà bản chất là cách thu mua và đánh giá chất lượng sữa của nông dân TPHCM với Vinamilk đang diễn ra trong hai tháng qua cũng phần nào nói lên điều này.

Lợi nhuận là nhân tố quyết định để phát triển đàn bò sữa, nhưng hiện nay, theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, lợi nhuận từ chăn nuôi bò sữa thấp bởi vì giá thức ăn cao cùng nhiều chi phí khác đang tăng.

Theo ông Nguyễn Khắc Đạo, chủ trang trại bò sữa Sao Mai ở Củ Chi (TPHCM), hiếm có nước nào giá 1 kg bắp hạt (5.000-5.500 đồng) cao gần bằng một lít sữa (nông dân thực nhận 6.000-6.500 đồng) như ở Việt Nam, trong khi tại Thái Lan người dân bán 1 lít sữa mua được 2 kg bắp hạt; tại Mỹ thì mua được 4,6 kg bắp, Hà Lan 2,6 kg, Úc 2 kg. Sở dĩ bắp hạt được đưa vào tính toán vì đây là nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho bò sữa.  

Ông Đạo cũng cho biết bán 1 lít sữa chỉ mua được 1,1 kg thức ăn tinh (tỷ lệ trao đổi là 1/1,1), còn tại Thái Lan tỷ lệ này là 1/1,5; Mỹ 1/3,3;  Hà Lan 1/2,1; Úc 1/1,6. Đó là chưa kể cùng một trang trại như Sao Mai của ông Đạo nhưng giá sữa mà ông nhận đầu tháng có khi 7.000 đồng nhưng cuối tháng có khi chỉ còn 6.000 đồng, dù điều kiện nuôi bò như nhau giữa đầu hay cuối tháng.

Theo tính toán của Viện Chăn nuôi, với giá thức ăn như hiện nay và giá sữa 6. 000 đồng/lít (thực nhận) thì chỉ những con bò nào có năng suất từ 4.000 kg sữa/năm mới không bị lỗ trong khi năng suất bình quân đàn bò cả nước năm 2007 chỉ đạt 3.800 kg sữa/năm.

Nếu tính đủ chi phí thì tỷ lệ lợi nhuận của người nuôi bò sữa Việt Nam hiện nay bao gồm cả thu nhập từ sữa, phân, bê con… chỉ đạt 3-4%, một mức quá thấp, có thể nói, theo ông Cải, chưa khuyến khích được chăn nuôi.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới