Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chấn thương tâm lý do xung đột vũ trang 

Vỹ Du 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiến tranh làm thiệt hại nhân mạng và tàn phá của cải. Hơn thế nữa, tác hại của các cuộc chiến lên tâm lý nạn nhân chiến tranh, người thân của họ và gần như tất cả mọi người khác – trực tiếp lẫn gián tiếp – còn tiếp tục lâu hay rất lâu sau khi một cuộc chiến kết thúc.

Khi chiến tranh bùng nổ, người ta phải chấp nhận điều đó – dù muốn dù không. Chiến tranh không những cướp đi mạng sống của bao nhiêu người, gây tàn phá kinh tế xã hội mà còn khiến nhiều người cảm thấy bất ổn – từ lo sợ trong cuộc sống hàng ngày đến chấn động tâm lý. 

Bất ổn tâm lý là tình trạng chung của người dân đất nước Ukraine, và có lẽ một phần nào đó đối với một số người Nga, trong vòng hơn một năm qua kể từ khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” theo cách gọi của phía Nga bắt đầu từ cuối tháng 2-2022. Cuộc chiến Nga – Ukraine giằng co từ bấy đến nay ngày càng khốc liệt mà chẳng thấy đâu tín hiệu hòa giải khi bên nào cũng khăng khăng với các mục tiêu của riêng mình.

Nói chung, mùa xuân thường mang đến nhiều hy vọng cho con người. Nhưng mùa xuân năm nay ở Ukraine lại gây ra thêm nhiều lo âu chứ không phải hy vọng vì cuộc chiến được tiên liệu sẽ khốc liệt hơn khi mùa xuân đến. Với nhiều vũ khí hơn được cung cấp bởi Mỹ và các nước phương Tây, quân đội Ukraine được cho là sẽ mở một đợt phản công mới nhằm giành lại các phần lãnh thổ hiện nằm trong tay người Nga.

Hiện chưa ai biết diễn biến cuộc chiến sẽ ra sao. Nhưng chắc chắn một điều là sắp tới sẽ có nhiều người – cả người Ukraine lẫn người Nga – thiệt mạng hơn; nhiều người tàn phế hơn từ cả hai phía; nhiều nhà cửa, nhà máy, ruộng đồng bị san bằng thành bình địa dưới bom đạn. Tất nhiên, số nạn nhân tâm lý của chiến tranh cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhiều trẻ em.

Nỗi lo chiến tranh 

Theo một bài viết đăng trên trang mạng (website) của Trường Đại học Y khoa Harvard, nỗi lo chiến tranh (war anxiety trong tiếng Anh), còn gọi là nỗi sợ hạt nhân (nuclear anxiety), là phản ứng rất thường thấy của con người đối với tin tức và hình ảnh về một cuộc xung đột vũ trang nào đó. Ví dụ rõ nhất hiện nay là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, tiếp theo ngay sau đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hai năm, dường như đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý nhiều người Mỹ.

Tác hại đó càng tăng lên bội phần vì rất nhiều người Mỹ [cũng như người ở các nước khác] đã phải chịu căng thẳng cao độ trong đại dịch khiến họ cảm thấy mệt mỏi, lo lắng và cảm giác an toàn rất mong manh. Kết quả một nghiên cứu do Hiệp hội Tâm lý Mỹ (American Psychological Assocation) thực hiện vào tháng 3-2022, cho thấy có đến 80% người tham gia nói họ căng thẳng khi Nga xung đột với Ukraine. Gần 70% lo rằng cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân và cũng xấp xỉ 70% e rằng cuộc chiến này sẽ là khởi đầu cho thế chiến thứ ba.

Chỉ vài ngày trước thời điểm đánh dấu một năm cuộc chiến Nga – Ukraine, website Euronews ước đoán rằng khoảng một phần tư dân số Ukraine đang phải chịu tổn thương sức khỏe tinh thần vì chiến tranh.  

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), điều đó có nghĩa là 10 triệu người Ukraine sẽ đối mặt với lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm lý sau sang chấn, rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt. 

Trong khi đó, chính phủ Ukraine đưa ra con số hơn 60% quân nhân của quốc gia này đang bị chấn động tâm lý và khoảng một nửa dân số Ukraine cần sự hỗ trợ về tâm lý để vượt qua khó khăn gây ra bởi chiến tranh. 

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách hiểu thêm về tác động tâm lý lâu dài của tình trạng bạo lực xảy ra trên diện rộng (có thể là chiến tranh hay bạo động sắc tộc) khi con người quá tải vì lo lắng. Một nghiên cứu ở Phần Lan (nước có hơn 1.000 cây số biên giới chung với Nga) cho thấy các thiếu niên ảnh hưởng bởi nỗi sợ hạt nhân có nguy cơ cao hơn đối với các rối loạn tâm lý kéo dài đến năm năm sau đó. Người càng dễ lo âu càng có khuynh hướng tìm đọc tin về khủng hoảng trên các phương tiện truyền thông, khiến chu kỳ căng thẳng dài hơn. 

Bài viết của Harvard cho biết nỗi lo chiến tranh có thể đến với một người từ từ hoặc xuất hiện bất ngờ. Đây là cách cơ thể đáp lại một tác nhân. Các triệu chứng có thể biểu hiện trong đầu, trong các cơ quan của thân thể hoặc cả hai. Triệu chứng lo âu bao gồm tim đập nhanh, bồn chồn, nôn mửa hay chóng mặt. Một số người bị hoảng loạn toàn diện. Một số khác bị rối loạn cảm xúc, khó ngủ, bất an hoặc gặp ác mộng. Có người cảm thấy tê cóng. Cần nhớ rằng lo âu thường là phản ứng với tác nhân gây căng thẳng và lo âu vừa phải mang tính thích nghi – một cách báo hiệu cho cơ thể biết rằng phải đối phó với nỗi lo một cách nghiêm túc.

Vì sao chiến tranh tàn phá tâm lý con người?

Theo unitedwecare.com, một website chuyên về sức khỏe tinh thần và sức khỏe toàn diện của con người, chiến tranh tàn phá tâm lý con người ghê gớm vì các lý do sau đây:

  • Chiến tranh giữa các quốc gia phá hoại cơ sở hạ tầng, cơ sở chăm sóc sức khỏe, các nguồn cung cấp hàng hóa của các bên liên quan
  • Bom đạn khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa và công việc để bảo toàn tính mạng. Nhiều người dân bị thiệt mạng hay chịu cảnh tàn tật.
  • Người trụ cột của gia đình thiệt mạng cũng tác động xấu đến tâm lý của trẻ em và những thành viên khác. Vì cuộc chiến vẫn đang diễn ra giữa các quốc gia đồng minh và thù địch, các thành viên gia đình này không chắc có được xem như người tị nạn ở các nước khác. 
  • Khi một quốc gia chấp nhận người tị nạn, những người này cần hòa nhập vào cộng đồng mới và phải tìm được việc để kiếm sống. 
  • Thực phẩm rất quan trọng để sinh tồn; nhưng chiến tranh ngăn cản nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa thiết yếu, gây ảnh hưởng đến người dân thường. Nhiều người phải xếp hàng dài đợi cung cấp thức ăn, nước uống, nhiên liệu và nơi ở. Tình trạng lạm phát hàng hóa cũng tác động xấu đến nhiều người. 

Nên làm gì để giảm bớt nỗi lo chiến tranh?

Đã có nhiều lời khuyên đưa ra để giúp người bị chiến tranh ảnh hưởng giảm bớt lo âu. Với những ai không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cần chú ý vài điều sau đây:

Đầu tiên, nên kết nối với người khác. Cần biến sự lo âu của mình thành các kết nối có ý nghĩa. Nếu chúng ta có bạn hay người quen tại quốc gia đang xảy ra chiến tranh, nên nghĩ đến việc hỗ trợ họ. 

Thứ hai, nuôi dưỡng lòng trắc ẩn. Nỗi lo chiến tranh có thể thôi thúc sự căm phẫn, cũng chính là cội nguồn gây mất kiểm soát cảm xúc. Sự tức giận có thể nhắm đến cả một dân tộc, một nhóm thiểu số hay các thành viên gia đình hoặc bạn bè có quan điểm khác biệt. Bên cạnh thiền định, tập thể dục và hít thở, lòng trắc ẩn cũng là một giải pháp giải tỏa cơn bực tức. Nên bắt đầu bằng cách chú trọng đến lòng tốt chung quanh ta, bớt đánh giá chủ quan và cố gắng chấp nhận quan điểm khác biệt. 

Riêng đối với trẻ em bị chiến tranh ảnh hưởng tâm lý, website mhe-sme.org nhấn mạnh rằng các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần học cách nói chuyện với các em về sự xung đột. Các em nhỏ có thể đặt ra vô số câu hỏi về sự bất ổn, lo âu và sợ hãi. Do vậy, cho phép trẻ chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ sẽ rất hữu ích. Từ đó, chúng ta có thể nhận ra cảm xúc của các em. Việc giải thích cách khắc phục xung đột sẽ giúp các em vượt qua nỗi sợ hãi.  

Tóm lại, chiến tranh không chỉ tàn phá nhân mạng và của cải, nó còn ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến tâm lý con người. Mong rằng các bên xung đột, cả Nga lẫn Ukraine, giảm bớt các bất đồng để cuộc chiến chấm dứt càng sớm càng tốt, để người dân không còn phải gánh chịu nỗi thống khổ triền miên và những chấn thương tâm lý kéo dài.

——————-

Nguồn: www.health.harvard.edu; apa.org; www.mhe-sme.org; www.euronews.com; unitedwecare.com 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới