Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chẳng mấy ai dẫn bà cụ qua đường!

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Lớp của con có 45 học sinh thì 45 bạn đều dắt bà cụ qua đường, 45 bạn đều có bà mẹ nước da trắng, mái tóc dài, giọng nói dịu dàng…
Nhưng con có muốn vậy đâu!

Vector Black and White, Girl helping old woman cross the street

Môn văn 10 điểm

Một ngày, bạn bất ngờ hết sức khi lớp của con bạn có hơn 80% học sinh đạt điểm 10 môn văn trong kỳ thi cuối năm. Cô giáo vui vẻ thông báo kết quả trong buổi họp phụ huynh khiến ai nấy nức lòng. Cô giáo cũng nhẹ lòng khi đó là một tỷ lệ điểm số vượt yêu cầu của nhà trường.

Con bạn ở trong số đó khi nó học thuộc một bài đọc hiểu trắc nghiệm một văn bản, học thuộc một bài văn mà ở đó mỗi câu đều do cô giáo làm sẵn chỉ chừa ra những dấu ba chấm để học trò điền vào chỗ trống. Cấu trúc, ý tưởng bài văn là một mẫu thức (form) chung mà cô giáo muốn con bạn phải theo.

Ngày xưa, vào thời mà bạn và tôi cắp sách đến trường, ngồi trước một đề văn, chúng ta phải tìm ý, lập dàn bài riêng và viết. Những cuốn sách văn mẫu có chứ, nhưng chỉ cho phép tham khảo, nếu cô giáo tìm thấy trong bài viết của học trò có một đoạn trong văn mẫu là sẽ trừ điểm thẳng tay.

Giờ đây, cuộc chiến chống lại văn mẫu không phải ở trên khẩu hiệu của ngành giáo dục, mà phải ở trong chính trách nhiệm làm nghề của giáo viên. Làm sao để văn mẫu không chi phối tâm trí học trò, không biến chúng thành những cái máy viết chỉ để được điểm.

Một bài văn được gọi là hay, xuất thần của học trò ngày trước chỉ được tối đa 8 điểm. Hiếm có những học sinh làm một bài văn đạt điểm 10, nếu có thì có nghĩa là sức viết, sức diễn đạt và sức sáng tạo trên trang viết phải đạt mức “ngoại hạng” và thường rơi vào những học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Những tờ báo của tuổi học trò ngày đó thường tuyển đăng những bài văn kiểu này. Phải nói là rất hiếm hoi.

Thế rồi các đề thi trắc nghiệm xuất hiện trong bộ môn tiếng Việt. Văn bản được chẻ ý, phân định hoặc đúng hoặc sai, và học trò phải chọn “một cách chính xác” theo “đáp số”. Môn văn đã đi vào công thức như thế.

Trong khi đó, cảm nhận khi đọc một tác phẩm là một khả năng riêng tư và cá nhân, không thể công thức hóa một cách đơn giản là đúng hoặc sai. Và việc diễn dịch tác phẩm cũng vậy, những công thức giản đơn hóa trong việc phân tích tác phẩm sẽ dẫn tới thói quen cảm nhận văn chương hẹp hòi và nghèo nàn.

Cung cấp các công thức tạo câu, tạo đoạn trong diễn đạt ngôn ngữ viết mà thiếu đi sự dẫn truyền nguồn cảm hứng thực hành dễ dẫn đến lối tư duy khô cứng khi học trò phải biểu đạt mọi ý tưởng bằng ngôn ngữ viết.

Nhưng con cái của chúng ta đang học như vậy. Những điểm số mang lại từ các bài trắc nghiệm chỉ có chọn đúng, sai đang kéo chúng đi vào thế giới tiếng Việt của công thức và ba-rem, không hơn. Và chúng sẽ không tìm thấy hứng thú tự viết lấy một câu văn.

Tự lừa dối

Con cái chúng ta có muốn có điểm 10 môn văn không? Có. Chúng ta có muốn con của mình có điểm 10 không? Có nốt. Cô giáo thì sao? Dĩ nhiên rồi!

Ai trong chúng ta cũng đều muốn sự tuyệt đối về điểm số, vì điểm số là thứ dễ nói nhất về học lực của con em chúng ta. Nhưng đó là điểm 10 trong một hệ thống điểm số hướng tới giá trị thực chất. Còn điểm 10 trong một hệ thống phương pháp lỗi, chỉ nhắm tới sự hợp thức hóa tiêu chuẩn hay thành tích nào đó áp đặt vào, thì đó là một sự lừa dối, tự lừa dối. Giáo viên tự lừa dối, phụ huynh tự lừa dối và nguy hại hơn cả, học sinh tự lừa dối.

Chúng ta thừa biết trong cả lớp học sinh, nhiều khi chẳng có em nào dắt bà cụ qua đường. Chúng ta cũng biết mỗi người mẹ có một hình dáng, tính cách, đời sống khác nhau, tại sao bọn trẻ không muốn cá nhân hóa mẹ của chúng mà phải biến người mẹ thực của chúng thành ra kẻ vô hình, để chọn lấy một bà mẹ mà các yếu tố tính cách lẫn nhân dạng đều là những tính từ điền vào chỗ trống? Chúng có muốn vậy không? Không. Nhưng vì điểm. Và cũng vì điểm số, chúng sẽ phải lãnh nhận một hệ lụy khôn lường: tư duy tự thui chột trước thực tế, đánh mất ý tưởng và sáng tạo riêng.

Sự khan hiếm giá trị sáng tạo và tiếng nói cá nhân trong công việc cũng như trong đời sống bắt đầu từ đây.

Nhưng bạn sẽ nói làm sao với đứa con của mình khi một đằng cô giáo muốn nó đi vào khuôn khổ, một đằng bạn muốn nó phải nuôi dưỡng cảm xúc và can đảm đón nhận những thiệt thòi khi trình bày những gì thuộc về cá nhân? Đây là chọn lựa của bạn, bản lĩnh của bạn. Đa số sẽ chọn theo cô giáo vì đó là một lựa chọn an toàn và dễ hiểu, thậm chí dễ cảm thông.

Đỡ tệ hơn thì chọn dung hòa: chấp nhận thỏa hiệp với tính máy móc của bài văn ở trường, nhưng bạn giải thích cho con hiểu bên ngoài sự máy móc đó còn có những chân trời sống động. Còn như cực đoan hơn, quyết liệt hơn, bạn để cho con phải trả giá bằng những bài văn điểm số thấp nhưng diễn đạt được những gì thuộc về cá nhân, nhưng liệu bạn có sẵn sàng với lối giáo dục “hứa hẹn” có nhiều sự cố đến với con trẻ?

Tôi sẽ không đưa ra một lời khuyên nào, bởi tôi cũng là kẻ đang đứng trước những lựa chọn. Nhưng thử thoát khỏi “bài toán” chọn lựa, tôi và bạn nghĩ lại xem môn văn đã mang lại những gì cho chúng ta khi vào đời: cách nhìn riêng trước một vấn đề, sự nhạy cảm, lòng trắc ẩn, khả năng nhận biết và thưởng thức cái đẹp, năng lực trình bày ý tưởng, nhận thức, cảm xúc bằng ngôn ngữ, các giá trị yêu thương, chính trực…

Tất nhiên, tất cả những điều đó, phần nhiều con người học được từ cuộc sống bên ngoài nhà trường, nhưng thử hỏi có nên buộc những thế hệ học trò vào những điểm số đẹp để rồi phải sống trong sự dằn vặt của thực trạng tự lừa mị: là vậy mà đâu phải vậy.

Chẳng có mấy ai dẫn bà cụ qua đường. Chẳng có bà mẹ nào đẹp một cách hoàn hảo. Và bạn có thực sự thoải mái khi đứa trẻ điểm 10 môn văn mà bạn kỳ vọng lại chẳng thể tự viết một câu văn thực sự của riêng mình?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới