Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Á có vụ bội thu IPO trong quí 3, đạt kỷ lục 56 tỉ đô la

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Châu Á bội thu các thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) trong quí 3, ngay cả trong bối cảnh Hồng Kông khá yên ắng bởi các công ty hoãn kế hoạch niêm yết ở đây do các đợt chấn chỉnh tại Trung Quốc. Nhờ vào các thương vụ “bom tấn” ở Hàn Quốc và Ấn Độ, lần đầu tiên giá trị cổ phiếu bán ra lần đầu trong khu vực đạt 56 tỉ đô la trong quí rồi – theo dữ liệu của Bloomberg.

Thị trường chứng khoán châu Á nhiều biến động trong quí 3 do tác động của chủng Delta và tốc độ tiêm chủng chậm. Tuy vậy, các thương vụ IPO lại lập kỷ lục mới – Đồ họa: Nikkei Asia

Một năm phi thường với hai ngôi sao mới

“Các vụ IPO vẫn sẽ tiếp tục. 2021 là một năm phi thường cho quy mô thị trường vốn. Các nhà đầu tư thế giới vẫn muốn tiếp cận với thị trường châu Á tăng trưởng mạnh”, theo lời William Smiley, người từng phụ trách thị trường vốn châu Á và Nhật Bản của tập đoàn Goldman Sachs Group.

Số vốn kỷ lục gọi được trong quí rồi diễn ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi. Thị trường Hồng Kông – một trong những nơi niêm yết sôi động nhất thế giới – rất uể oải. Khi Bắc Kinh nỗ lực kiểm soát và đưa các doanh nghiệp vào khuôn khổ “thịnh vượng chung” do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng, khoảng 1.000 tỉ đô la giá trị cổ phiếu của các công ty Trung Quốc trên toàn cầu bị bốc hơi vào tháng 7-2021. Chỉ số thị trường chứng khoán Hồng Kông trên đà trượt đáy vào tháng kế tiếp.

Hệ quả là quy mô niêm yết của trung tâm tài chính giảm sâu còn 6 tỉ đô la trong quí 3, lần đầu tiên thấp hơn thành tích của thị trường Hàn Quốc trong bốn năm qua. Đây là quí các vụ IPO đạt giá trị thấp nhất tại Hồng Kông kể từ khi dịch bùng nổ đầu năm 2020.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp cũng kém sắc. Các công ty niêm yết trên thị trường Hồng Kông và gọi được ít nhất 100 triệu đô la có mức tăng giá cổ phiếu chỉ 2,8% kể từ khi chào bán. Trong khi đó, tỷ lệ tăng ở Hàn Quốc là 25% và Ấn Độ 20%, quy mô vốn của hai thị trường này tăng mạnh so với hai quí đầu năm.

“Tiếp theo nửa đầu năm tăng trưởng mạnh của Wall Street, chúng tôi nhận ra rằng các hoạt động trong nửa cuối năm vẫn tốt, dù tốc độ tăng chậm hơn. Chúng tôi chờ đợi một khởi đầu hay lộ trình tươi sáng hơn trong năm mới sắp tới”, Magnus Andersson, một trong những giám đốc phụ trách thị trường vốn châu Á – Thái Bình Dương của Morgan Stanley nhận định.

Các vụ IPO của hãng trò chơi điện tử Krafton và ngân hàng trực tuyến KakaoBank của Hàn Quốc đã đẩy giá trị vốn hóa trong quí 3 tại thị trường chứng khoán Seoul lên 10,4 tỉ đô la, tăng gấp bốn lần so với kết quả của quí 1 hay quí 2 năm nay.

Tương tự, startup giao nhận thực phẩm Zomato tại Ấn Độ gọi được 1,3 tỉ đô la trong tháng 7. Nhiều vụ niêm yết khác đang được chờ đợi trong quí cuối năm 2021 này. Có thể bắt đầu với hãng thanh toán điện tử Paytm vốn đã nộp hồ sơ để huy động 166 tỉ rupee, khoảng 2,2 tỉ đô la. Dự kiến đây sẽ là vụ IPO lớn nhất từ trước đến nay của Ấn Độ.

“Đất nước khổng lồ có dân số đam mê và giỏi công nghệ, có kết nối mạng tốt. Tổng hợp các yếu tố để giúp các hãng công nghệ thành công đều hội đủ. Tổng quát thì cơ hội thành công của các công ty công nghệ là rất lớn”, Anvita Arora thuộc Bank of Amercia nhận định.

Gió đổi chiều ở Trung Quốc

Khi Thượng Hải hủy vụ IPO của China Telecom – được chờ đợi là thương vụ lớn nhất châu Á trong quí 3 vừa rồi, ngân hàng cho rằng danh mục các vụ niêm yết tốt đã bị cắt ngắn hoặc có thể biến mất. Đó là kết cuộc của chiến dịch tảo thanh của nhà chức trách. Vì thế, giờ đây các công ty dự định niêm yết đều đang chờ đợi các quy định mới về IPO ở nước ngoài.

Ban đầu dự định gọi vốn ở thị trường Hồng Kông hay Mỹ, các công ty Trung Quốc giờ bỏ ý định thành công ty đại chúng, chuyển sang gọi vốn riêng tư hơn. Bởi họ đang chờ mây mù tan đi.

Dù thị trường Hồng Kông có chững lại, các đợt niêm yết lần đầu ở châu Á vẫn gọi được 140,5 tỉ đô từ đầu năm đến nay, cao hơn cùng kỳ các năm trước. Các vụ IPO của các công ty Trung Quốc có thể chậm lại trong quí 4 năm nay, nhưng các công ty đại chúng vẫn tiếp tục gọi thêm vốn.

Hãng bảo hiểm Prudential đã chi 2,4 tỉ đô la để mua cổ phiếu ở Hồng Kông trong tháng rồi. Đây là vụ châm thêm vốn lớn nhất ở Hồng Kông từ đầu năm đến nay. Khó có khả năng một thương vụ lớn như vậy trong các tháng cuối năm.

Các giao dịch tại châu Á sẽ phức tạp hơn và khác với mô thức trong năm 2020. “Nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn về giá, về quy mô vốn và cả cấu trúc nữa. Nhưng các thương vụ được chốt hạ vẫn sẽ diễn ra”, nhà phân tích Smiley của Goldman Sachs kết luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới