Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu tranh mua khí đốt làm căng thẳng nguồn cung năng lượng của châu Á

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để bù đắp cho việc suy giảm nguồn cung từ Nga, các nước châu Âu tranh nhau mua khí đốt từ mọi nơi trên thế giới cho hoạt động sản xuất điện. Động thái này đang gây căng thẳng cho nguồn cung điện ở nhiều nước phát triển ở châu Á.

Các tàu LNG hoạt động ngoài khơi bờ biển thành phố Karachi, Pakistan. Ảnh: Bloomberg

Khí đốt bị hút sang châu Âu

Các quan chức Pakistan cho biết, một cuộc mời thầu của nước này để mua khoảng 1 tỉ đô la khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã không thu hút được lời đề nghị nào vào hôm 7-7. Mỗi ngày, các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Pakistan phải chịu đựng trong nhiều giờ khi giới chức trách buộc phải cắt điện điện do nước này không thể nhập khẩu đủ khí đốt để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện.

Giá LNG đã tăng 1900% so với mức thấp của hai năm trước khi mà nhu cầu bị kìm hãm do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Giá LNG hiện tại tương đương với giá dầu ở mức 230 đô la / thùng, cao hơn gấp đôi so với giá dầu thực tế trên thị trường.

Các quốc gia đang phát triển thường không thể cạnh tranh với các nước giàu có hơn ở châu Âu để mua LNG ở mức giá cao ngất ngưỡng, khoảng 40 đô la / 1 triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu). Điều đó  có nghĩa có nghĩa là các quốc gia nghèo hơn, từ Ấn Độ đến Brazil, phải cắt giảm lượng LNG nhập khẩu của họ. Ngay cả Trung Quốc cũng giảm mua mặt hàng này.

Tại Bangladesh, giới chức trách cũng phải ngừng cung cấp điện ở  nhiều khu vực trong một số giờ nhất định trong ngày. Trong khi đó, Ấn Độ chuyển hướng sang sử dụng nhiều than đá và khí đốt trong nước hơn. Trong một số trường hợp, một số lô hàng LNG, vốn dự kiến bán cho các nước nghèo hơn, được chuyển hướng sang châu Âu để kiếm lợi nhuận cao hơn, ngay cả khi các nhà cung cấp buộc phải trả tiền phạt theo hợp đồng với các nước này.

“Do chiến tranh ở Ukraine, mọi lô hàng LNG có sẵn trong khu vực của chúng tôi đều được châu Âu mua vì họ đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga”, Bộ trưởng Dầu mỏ Pakistan Musadik Malik nói.

Các nhà cung cấp và giao dịch LNG ưu tiên bán cho các nước châu Âu khi họ đang gấp rút bổ sung kho dự trữ trước mùa đông. Nga đã cắt giảm lượng khí đốt tự nhiên mà nước này vận chuyển đến châu Âu thông qua các đường ống để trả đũa các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Moscow liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Caspian Conran, nhà kinh tế thị trường năng lượng tại Baringa, công ty tư vấn có trụ sở tại London (Anh), cho biết: “Nga có thể cắt đứt nguồn cung khí đốt sang châu Âu bất cứ lúc nào. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng giảm tối đa sự phụ thuộc vào Nga. Và nguồn cung LNG ở những nơi khác trên toàn cầu là giải pháp thay thế duy nhất có thể được mở rộng nhanh chóng”.

Theo số liệu của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, từ đầu năm đến ngày 19-6, các nước châu Âu đã tăng nhập khẩu LNG lên 49%. Ngược lại, nhập khẩu LNG của Ấn Độ giảm 16%, Trung Quốc giảm 21% và Pakistan giảm 15% trong giai đoạn đó.

Valery Chow, Giám đốc bộ phận nghiên cứu khí đốt và LNG  khu vực châu Á -Thái Bình Dương tại Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nói: “Cuộc khủng hoảng khí đốt châu Âu đang hút hết LNG trên thế giới. Các thị trường mới nổi ở châu Á đang chịu thiệt và câu chuyện này chưa có hồi kết”.

Tình hình sẽ căng thẳng hơn vào mùa đông

Robin Mills, Giám đốc điều hành Qamar Energy, một công ty tư vấn có trụ sở tại Dubai (các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), nói: “Bây giờ đang mùa hè, thời kỳ nhu cầu khí đốt còn thấp ở châu Âu. Khi chúng ta bước vào mùa đông, đặc biệt là nếu nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu thậm chí bị cắt giảm nhiều hơn, đó sẽ là một vấn đề rất lớn đối với châu Âu và các quốc gia khác đang phụ thuộc vào LNG nhập khẩu như Pakistan”.

Pakistan đã đấu thầu mua 10 lô hàng LNG, mỗi lô 140.000 mét khối, trị giá hơn 100 triệu đô la, với thời gian giao từ tháng 7 đến tháng 9. Các quan chức Pakistan cho biết họ không nhận được đề nghị dự thầu trước thời hạn cuối hôm 7-7. Họ nói rằng ba vòng đấu thầu mua LNG trong những tuần gần đây chỉ thu hút được một đề nghị chào bán duy nhất, ở mức giá 40 đô la / MMBtu, vượt xa khả năng tài chính của đất nước.

“Đây là những điều kiện thị trường chưa từng có tiền lệ, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để mua LNG”, Masood Nabi, Giám đốc điều hành Pakistan LNG, công ty thuộc sở hữu của chính phủ chịu trách nhiệm nhập khẩu khí đốt tự nhiên và điều hành các cuộc đấu thầu, cho biết.

Số liệu chính thức cho thấy, gần 25% công suất lắp đặt của các nhà máy điện ở Pakistan chạy bằng LNG. Nước này vẫn tiếp tục nhận LNG theo hợp đồng dài hạn với Qatar, một đồng minh thân cận. Tuy nhiên, các chuyến giao LNG đến Pakistan theo hợp đồng dài hạn hơn từ hai công ty khác đã không được thực hiện.

Eni, công ty năng lượng của Ý, còn thiếu 5 chuyến hàng LNG giao cho Pakistan kể  từ tháng 8 năm ngoái. Gunvor Group, công ty kinh doanh hàng hóa có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), đã không giao 7 lô hàng LNG cho Pakistan đã đến hạn giao kể từ tháng 11 năm ngoái. Các quan chức Pakistan cho biết, giá theo hợp đồng của các lô hàng LNG nay khoảng 12 đô la / MMBtu. Họ cho biết cả hai công ty trên đã đồng ý trả mức phạt 30% theo quy định trong hợp đồng.

Eni thanh minh rằng nhà cung cấp của công ty này đã không giao khí đốt để bán cho Pakistan. Thông báo của Eni cho hay: “Tất cả các gián đoạn trong việc phân phối LNG đều nằm ngoài tầm kiểm soát của Eni. Eni đã không tận dụng bất kỳ lợi ích nào từ tình huống này và hiện đang cân nhắc các hành động pháp lý đối với nhà cung cấp vi phạm hợp đồng”.

Trong khi đó, Gunvor Group khẳng định đã tuân thủ tất cả các nghĩa vụ hợp đồng và các điều khoản trong hợp đồng được bảo mật.

Khí tự nhiên được coi là tương đối ít gây hại cho môi trường hơn so với than hoặc dầu thô, vì vậy, nếu nguồn cung LNG bị siết chặt, điều này có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu năng lượng xanh.

“Một số nước nghèo hơn đang xem xét chuyển sang các lựa chọn thay thế bẩn hơn, sử dụng than hoặc nhiên liệu hóa thạch dạng lỏng. Nếu khí đốt quá đắt đỏ, họ sẽ phải thực hiện sự chuyển đổi này”,  Richard Bronze, người đứng đầu bộ phận địa chính trị tại hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects, chia sẻ.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới